Thu nhập cao từ nghề nấu tinh dầu

THANH THẮNG  - GIANG BIÊN 27/11/2017 11:57

Ông Nguyễn Văn Thắng (trú thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú, Thăng Bình) thành công với nghề nấu dầu tràm, dầu chổi cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.

SAU nhiều chật vật với nghề buôn bán hoa, đầu năm 2016, ông Thắng về quê vợ ở huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) để tìm hiểu nghề nấu dầu tràm. Sau khi được chủ một lò nấu dầu tràm có tiếng tại Thừa Thiên Huế tận tình chỉ nghề và nhận thu mua lại sản phẩm, ông trở về quê, đầu tư xây dựng lò nấu dầu tràm và tận dụng cây tràm sẵn có ở địa phương. “Ban đầu, tôi nấu nồi nhỏ, chủ yếu làm để rút kinh nghiệm cho sản phẩm của mình tốt hơn. Tuy những sản phẩm khi mới làm ra không được như tôi mong muốn, nhưng khó chỗ nào mình tự mày mò rồi khắc phục đến đó” - ông Thắng nói.

Sau khi đã thành công với nghề nấu dầu tràm, nhận thấy cơ sở và lò nấu của mình còn nhỏ nên ông Thắng tiếp tục đầu tư nâng cấp nồi nấu với số lượng lớn hơn và tiếp tục nghiên cứu thêm cách nấu dầu chổi. Khi đầu tư nâng cấp lò nấu với số lượng lớn, để có nguyên liệu thường xuyên và ổn định, ông vận động nhiều hộ dân địa phương đi cắt lá tràm, lá chổi về bán cho mình. Ông Thắng chia sẻ: “Nấu dầu tràm, dầu chổi quan trọng nhất là khâu đổ nước và khâu chụm lửa. Khi nấu phải giữ lửa cho đều từ 5 đến 7 tiếng, không được để lửa quá cao hoặc hạ thấp quá. Như vậy mới cho ra loại dầu tràm tốt nhất”. Hiện nay, cơ sở của ông Thắng có hai nồi nấu, trung bình mỗi ngày cho ra 5 lít dầu tràm, 3 lít dầu chổi. Số lượng dầu tràm chủ yếu được các thương lái ở Thừa Thiên Huế đặt mua, còn dầu chổi thì bán cho người dân tiêu dùng. Chính nhờ nghề nấu tinh dầu mà mỗi năm ông thu vào hơn 150 triệu đồng.

Người dân thôn Tú Nghĩa (Bình Tú) có câu “muốn có tiền thì ra nỏng”, nghĩa là ở ngoài nỏng (các bãi bồi) có nhiều lá chổi, lá tràm, chỉ cần ra cắt về bán là có tiền ngay. Mỗi ký lá chổi bán giá 2 nghìn đồng, lá tràm bán 2,5 nghìn đồng/kg, mỗi ngày một người có thể thu nhập 200 nghìn đồng từ việc cắt lá. Chính nhờ nghề làm dầu tràm của ông Thắng, nhiều người dân địa phương có việc làm thường xuyên. Bà Võ Thị Thanh (trú thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú) trước đây chỉ làm những công việc nhà, hơn một năm nay bà cùng một số người dân địa phương chuyển qua làm nghề cắt lá tràm, lá chổi. “Công việc này nhẹ. Mỗi ngày đi khoảng 4 đến 5 tiếng là mang lá trở về bán cho người thu mua, có cân có tiền. Mỗi ngày tôi kiếm được gần 200 nghìn đồng” - bà Thanh nói.

Đến nay, cơ sở thu nấu dầu tràm, dầu chổi của ông Thắng đã tạo được uy tín trên thị trường. Thời gian tới cơ sở nấu dầu tràm của ông Thắng sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, góp phần giải quyết nhiều lao động ở địa phương. Ông Đỗ Văn Kế - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tú nhận xét, cơ sở nấu dầu tràm của ông Thắng dần ổn định, là mô hình kinh tế mới ở địa phương cho thu nhập cao và góp phần giải quyết lao động.

THANH THẮNG  - GIANG BIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu nhập cao từ nghề nấu tinh dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO