(QNO) - Từ khó khăn, gia đình ông Lê Minh Tùng (SN 1960, thôn Tân Thái, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) vươn lên làm ăn khấm khá nhờ chăn nuôi vịt.
Nuôi vịt cách đây chừng 20 năm, nhưng nói về quãng thời gian gắn bó với nghề, ông Tùng cho rằng còn dài hơn nửa số tuổi ông hiện tại. Vì lẽ, nuôi vịt cũng là nghề của ba ông trước đây. Riết rồi cái nghề lắm nhọc nhằn lại vận vào đời ông từ lúc nào không rõ. Ông chỉ nhớ rằng, khi sức khỏe ba ông yếu đi và nằm xuống thì đó cũng là lúc ông “kế nghiệp” cái “gia tài” vỏn vẹn 300 con vịt.
Ông Tùng cho biết, lúc đó, 2.000 đồng là mua được một con vịt giống, đến bây giờ thì đã lên hơn 25 nghìn đồng/con. Thời gian và kinh nghiệm, cứ theo đó mà nhân lên, để thấy rằng, có được một trang trại hơn 3.000 con như hiện nay là một điều không mấy dễ dàng, nhất là với những người nông dân nghèo khó như ông Tùng.
Ông kể, lúc trước ba ông chủ yếu nuôi vịt chạy đồng, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, được chừng nào hay chừng đó, hiệu quả kinh tế không cao. Thế nên, từ khi bắt tay vào nghề, ông đã có hướng đi khác. Tận dụng đất vườn sẵn có, cộng với vùng đất trống và mương nước gần nhà, ông vây kín lại, dọn dẹp tươm tất rồi nuôi thêm vịt siêu nạc.
Nhờ được chăm sóc đúng quy cách nên vịt ít bệnh, thịt chất lượng và được các chủ nhà hàng, quán ăn ẩm thực trên địa bàn tìm đến mua. Ông mạnh dạn đầu tư thêm con giống, từ mấy trăm con vịt ban đầu, giờ ông đã nuôi quy mô thường xuyên 3.000 - 4.000 con; trong đó có hơn 2.000 vịt thịt, số còn lại là vịt con.
Cứ nửa tháng đến 20 ngày, ông nhập một lứa 1.000 - 1.500 con, khoảng 50 ngày tuổi thì xuất chuồng với trọng lượng 2 - 3kg/con. Mỗi đợt, ông xuất đi khoảng 600 - 700 con, những lúc cao điểm như Tết Đoan ngọ, Tết Nguyên đán, ngày lễ... số lượng có thể lên đến hơn 1.000 con. Tùy theo thời giá xuất (dao động 120 - 140 nghìn đồng/con) mà cho mức tổng thu nhập khác nhau, trung bình khoảng 80 đến hơn 100 triệu đồng/đợt.
Ông Tùng cho biết, giống vịt ông đang nuôi là vịt siêu nạc được nhập về từ Đồng Nai, thịt dày và thơm ngon; vịt lớn nhanh, thời gian nuôi rất ngắn, thích nghi tốt với điều kiện nuôi tại địa phương. Kỹ thuật nuôi cũng khá đơn giản, dễ thực hiện, chi phí đầu tư chuồng trại thấp nên những người nông dân như ông mạnh dạn đầu tư.
“Tôi thấy cách làm này phù hợp với điều kiện gia đình mình, giúp giảm công chăm sóc, tránh mất vịt và tránh được dịch bệnh khi chăn thả trên các cánh đồng. Khoảng 2 - 3 ngày, tôi lại phun thuốc diệt khuẩn nên trong suốt quá trình nuôi, đàn vịt chưa từng bị dịch bệnh gây thiệt hại. Chỉ có trận lụt năm ngoái cuốn trôi hơn 1.000 con vịt thịt, gây rất nhiều khó khăn cho gia đình. Nhưng rồi cũng vượt lên và ổn định đàn như bây giờ” - ông Tùng nói.
Từ ngày gắn bó với nghề nuôi vịt, kinh tế gia đình ông Tùng ngày càng khá giả, có của ăn của để. Ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thăng cho biết, mặc dù đã có tuổi, nhưng ông Tùng rất chăm chỉ, chịu khó và siêng năng. Gia đình ông là một điển hình về cách làm kinh tế để nông dân trong vùng học hỏi.