(QNO) - Chiều nay 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH); các Ủy viên HĐQT Ngân hàng CSXH; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Ở điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam chủ trì.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói, từ khi có Chỉ thị 40, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống của nhân dân nhanh hơn, đạt hiệu quả tích cực hơn, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, chăm lo cho người yếu thế.
Những kết quả đạt được khi triển khai Chỉ thị 40 cho thấy, mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị, thực tiễn Việt Nam; huy động sức mạnh toàn thể xã hội chăm lo cho người nghèo, chính sách. Mối quan hệ liên kết thông qua hoạt động tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng, các tổ chức chính trị xã - hội gắn bó mật thiết với nhân dân, gần dân, hiểu dân, nắm bắt thực tế để xử lý công việc, nâng cao chất lượng hoạt động của chính mình và tạo điều kiện cho nhân dân giám sát việc thực thi chế độ, chính sách của Nhà nước.
Đến ngày 31/7, Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên đã nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH quản lý 349.031 tỷ đồng dư nợ. Trong đó, Hội LHPN quản lý 132.484 tỷ đồng (chiếm 38%); Hội Nông dân quản lý 103.550 tỷ đồng (chiếm 30%); Hội Cựu Chiến binh quản lý 60.996 tỷ đồng (chiếm 17%); Đoàn Thanh niên quản lý 52.001 tỷ đồng (chiếm 15%).
Ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết, các tổ chức chính trị - xã hội đã chú trọng tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng đối với người nghèo, chính sách khác; vận động thành lập, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV); phối hợp với ngân hàng chính sách cho vay, quản lý vốn vay, xử lý nợ, củng cố nâng cao chất lượng tín dụng… Phương thức ủy thác đã phát huy được những ưu thế của tổ chức chính trị - xã hội với mạng lưới, cán bộ ở tất cả các xã, gần dân, sát dân, giàu kinh nghiệm trong công tác xã hội; thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, hội viên trong đó đặc biệt là các hội viên nghèo.
Hoạt động ủy thác đã góp phần đưa vốn tín dụng chính sách xã hội đến các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, với quy mô rộng lớn, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, dân chủ.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH, tổ chức giao dịch tại xã của Ngân hàng CSXH đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân. Vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách, hạn chế tiêu cực phát sinh trong hoạt động cho vay, thu nợ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng CSXH trong tham mưu, tổ chức thực hiện Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư và Kế hoạch triển khai chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Thủ tướng cho rằng, với những kết quả đạt được sau hơn một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một "điểm sáng" và là một "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao mô hình tổ TK&VV của Ngân hàng CSXH, phối hợp với chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, thành lập và quản lý hơn 168 nghìn tổ TK&VV ở từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Tổ TK&VV là cầu nối giữa ngân hàng chính sách với người vay vốn. Đây là sản phẩm sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thành công chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác.
Mô hình tổ TK&VV đã góp phần đảm bảo tỷ lệ hoàn trả vốn vay, phù hợp với hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách. Thành lập tổ TK&VV và đưa các nghiệp vụ ngân hàng về thực hiện tại cơ sở đã góp phần đảm bảo mục tiêu cho vay đúng đối tượng; hộ vay thuận lợi trong việc thực hiện quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao hiệu quả quản lý vốn tín dụng.
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, Thủ tướng chỉ rõ, việc thực hiện Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư còn một số tồn tại, hạn chế, như cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững; nguồn vốn ủy thác tại một số tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; một số chính sách tín dụng mặc dù có điều chỉnh nâng mức cho vay nhưng việc triển khai còn chậm (chương trình tín dụng cấp nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay đối với vùng khó khăn...).
Trong 10 năm, cả nước đã có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh. Qua đó, giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; hơn 610 nghìn học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách và hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng dịch COVID-19…