(QNO) - Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để người hưởng lương hưu, các chế độ bảo hiểm xã hội ưu tiên chọn hình thức chi trả không dùng tiền mặt và sử dụng các ứng dụng số trong quá trình tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
An toàn và tiện ích
Tháng 7/2022, ông Dương Văn Hùng (khối phố Bình Phước, thị trấn Tiên Kỳ) nghỉ hưu theo chế độ. Nhận thấy tiện ích của việc nhận chi trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng có nhiều tiện ích nên ông lựa chọn vì để tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ an toàn hơn.
Nhờ đó, hằng tháng số tiền lương hưu khoảng 8 triệu đồng được chuyển vào tài khoản ngân hàng và ông Hùng không mất công đi ra điểm chi trả của bưu điện. Ông Dương Văn Hùng cho biết thêm, khi tiền lương hưu có trong tài khoản ngân hàng sẽ thuận tiện nhiều bề như có thể chuyển khoản cho con cháu mua sắm hay tích lũy tiết kiệm.
“Nhiều người về hưu chọn cách đến điểm chi trả của bưu điện để sẵn tiện gặp gỡ nhau rồi trò truyện. Nhưng điều đó không cần thiết vì giờ phương tiện liên lạc, đi lại đầy đủ thì chỉ cần một cuộc hẹn là có thể ngồi cà phê, uống trà cùng nhau rồi. Và chi trả không dùng tiền mặt cũng hạn chế tiếp xúc các tờ tiền sẽ đảm bảo vệ sinh hơn và an toàn hơn khi hạn chế rơi rớt tiền trong quá trình đi lại nhận lương hưu” - ông Hùng nói.
Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Tiên Phước Nguyễn Thành Dũng, Tiên Phước là huyện miền núi nên còn nhiều khó khăn khi triển khai chuyển đổi số, nhất là đưa các ứng dụng, tiện ích số đến với người dân. Việc triển khai chi trả các chế độ, chính sách của BHXH không dùng tiền mặt còn thấp khi điều kiện hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Địa phương này hiện chỉ có 2 cây ATM của 1 ngân hàng đặt tại thị trấn Tiên Kỳ khiến cho những người nhận lương hưu, chính sách BHXH ở các xã khác không lựa chọn nhận chi trả qua tài khoản ngân hàng.
“Các xã cách trung tâm huyện từ 5km trở lên thì việc rút tiền rất bất tiện và nhiều người hưu trí có tuổi cao nên không biết sử dụng rút tiền từ ATM hoặc sử dụng internet banking. Vì vậy, đến nay chúng tôi chỉ vận động được 621 người nhận chi trả không dùng tiền mặt và còn đến 562 người vẫn nhận trực tiếp qua điểm chi trả của bưu điện” – ông Dũng cho biết.
Để tăng tỷ lệ người nhận chế độ, chính sách BHXH qua tài khoản ngân hàng, BHXH Tiên Phước đang rà soát lại danh sách những người nhận lương hưu, chọn những người có khả năng dùng được điện thoại thông minh để vận động họ thay đổi qua phương thức nhận chi trả qua tài khoản ngân hàng. Phối hợp với các địa phương nhằm tuyên truyền, vận động việc giao dịch không dùng tiền mặt…
“Chúng tôi phấn đấu 100% những người sắp và mới nhận lương hưu lựa chọn hình thức chi trả qua tài khoản ngân hàng và đề xuất phía ngân hàng nên mở rộng mạng lưới ATM ở các xã để người dân thuận tiện hơn trong các giao dịch” – ông Nguyễn Thành Dũng đề xuất.
Thanh toán không dùng tiền mặt - xu hướng tất yếu
Theo BHXH Tiên Phước, ngoài công tác thực hiện chi trả lương hưu, chế độ BHXH không dùng tiền mặt thì đơn vị này cũng đẩy mạnh vận động người dân sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) khi đi khám chữa bệnh BHYT và ứng dụng VssID. Đơn vị này đã đồng bộ dữ liệu 99% người tham gia BHYT vào vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, 18 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn huyện cũng đảm bảo về hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bằng CCCD hoặc thông qua VssID, VneID.
“Trên địa bàn hiện có 31% người tham gia BHYT, BHXH đã cài đặt, sử dụng VssID. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người tham gia BHYT, BHXH, người nhận chế độ sử dụng các ứng dụng từ nền tảng số của Chính phủ, ngành BHXH triển khai để có thể thụ hưởng sự tiện lợi” – ông Dũng thông tin.
Theo BHXH tỉnh Quảng Nam, chỉ tiêu số người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp (TCTN) qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị năm 2024 tối thiểu là 59% người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, 90% người nhận các chế độ BHXH một lần và 92% người nhận TCTN.
Tuy nhiên, tính đến 31/12/2023, trên địa bàn Quảng Nam, tỷ lệ người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, TCTN qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt còn thấp. Cụ thể khoảng 56% đối với người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, 85% đối với người nhận chế độ BHXH một lần và 88% đối với người nhận TCTN.
BHXH tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các phòng ban, BHXH các địa phương kịp thời báo cáo Giám đốc BHXH tỉnh các khó khăn, vướng mắc để xem xét, chỉ đạo giải quyết. Tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý người hưởng qua tài khoản cá nhân, người hưởng cao tuổi và người hưởng có thời gian chậm nhận kéo dài. Tuyên truyền để người hưởng nắm được chủ trương, phương thức triển khai, tạo sự đồng thuận của nhân dân và người hưởng thông qua xây dựng chi tiết kế hoạch tuyên truyền thường xuyên…
Tính ưu việt của việc nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an toàn cho người hưởng khi xảy ra các sự cố, thiên tai, dịch bệnh đã được thấy rõ qua các năm có dịch COVID-19. Khi đó, người nhận tiền qua tài khoản ngân hàng luôn đảm bảo hạn chế lây lan dịch bệnh và nhận đúng thời gian chi trả hằng tháng. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất vẫn là khu vực nông thôn, miền núi khi mạng lưới cây ATM còn quá ít trong khi đường sá đi lại xa và người dân sử dụng chưa thành thạo smartphone, các ứng dụng số”
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Hùng
Vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo việc thúc đẩy tăng tỷ lệ người nhận, hưởng các chế độ qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm hướng dẫn, yêu cầu người hưởng kê khai số tài khoản ngân hàng khi lập hồ sơ hưởng TCTN hoặc hướng dẫn mở tài khoản ATM (nếu chưa có tài khoản) để chi trả TCTN qua tài khoản thẻ ATM, khuyến khích 100% người hưởng phát sinh mới nhận chế độ qua tài khoản thẻ ATM.
Bưu điện tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, vận động người hưởng lương hưu và các chế độ BHXH đăng ký nhận tiền qua tài khoản thẻ ATM. Đồng thời tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại tiếp cận, hướng dẫn triển khai mở thẻ ATM tại các điểm chi trả hàng tháng...
“Ngành BHXH sẽ cùng các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan thông tấn, báo chí, Bưu điện tỉnh, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp. Đặc biệt, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Nam, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp hợp lý mạng lưới ATM, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán để tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng khi nhận lương hưu và trợ cấp BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân” – ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam: