Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đối mặt với nhiều thách thức do thiên tai, dịch bệnh và giá cả thị trường biến động mạnh. Để ngành kinh tế trọng yếu này phát triển bền vững, rất cần những giải pháp mang tính căn cơ. Theo chương trình dự kiến, tại hội nghị lần thứ 5 diễn ra vào ngày 30.9, Tỉnh ủy Quảng Nam sẽ dành thời gian bàn thảo sâu vấn đề này.
LO NƯỚC TƯỚI CHO CÂY TRỒNG
Giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng đầu tư, nhưng để đạt được hiệu quả lâu dài, ổn định cần tiếp tục triển khai các chính sách liên quan với nguồn lực tương ứng.
Dấu ấn Nghị quyết 205
Hiện nay, bình quân hằng năm toàn tỉnh canh tác khoảng 155.000ha cây trồng ngắn ngày; trong đó, riêng cây lúa gieo sạ hơn 83.000ha.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, thực hiện Nghị quyết số 205 (ngày 26.4.2016) của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ đầu tư kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi hóa đất màu và thủy lợi nhỏ, trong giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm ngân sách tỉnh chi khoảng 100 tỷ đồng cho các địa phương triển khai công tác này.
Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 262 trạm bơm điện, 867 đập dâng và kiên cố hóa 2.340/3.734km kênh mương các loại (đạt tỷ lệ 62,66%). Tính tới cuối năm 2020, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 87.300ha...
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Nghị quyết 205 góp phần tạo cơ sở cơ bản đáp ứng nguồn nước tưới phát triển sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh việc lo chuyện nước tưới, các đơn vị liên quan cũng tích cực hỗ trợ nhà nông xây dựng những mô hình cánh đồng mẫu lớn, các vùng chuyên canh tập trung, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, ứng dụng nhiều gói kỹ thuật canh tác tiên tiến vào quá trình sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng và giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Qua khảo sát tại nhiều địa phương, năm 2020 bình quân giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt của tỉnh đạt khoảng 92 triệu đồng/ha, tăng 16,7 triệu đồng/ha so với năm 2015...
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thủy lợi
Dù đạt được một số kết quả trong đầu tư thủy lợi, nhưng nhiều nơi nguồn nước tưới vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Đơn cử, lâu nay cứ vụ hè thu là hàng loạt chân đất lúa ở các huyện thuộc khu vực trung du và miền núi phải bỏ hoang vì thiếu hoặc không có công trình thủy lợi. Trong khi đó, ở vùng đồng bằng, tình trạng nắng hạn - xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, vụ hè thu 2021 toàn tỉnh có gần 7.000ha lúa phải thực hiện các phương án chống hạn do nắng nóng kéo dài và mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu các con sông với nồng độ rất cao. Trong số diện tích khô hạn nêu trên, có không ít chân ruộng gần như mất trắng vì bị cháy hoặc năng suất tụt giảm.
Trước yêu cầu của thực tế sản xuất, ngày 13.1.2021 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03 về chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, 5 năm tới toàn tỉnh sẽ đầu tư 325 tỷ đồng cho chương trình này; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 250 tỷ đồng, còn lại do các địa phương bố trí ngân sách và huy động, lồng ghép các kênh vốn khác.
Với nguồn kinh phí nêu trên, dự kiến sẽ tiếp tục kiên cố hóa 200km kênh mương nội đồng; xây dựng mới 50 công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; xây mới, nâng cấp, sửa chữa 25 công trình thủy lợi nhỏ.
Cần phân định vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng khó lường, do vậy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là vô cùng cần thiết.
Năm năm qua, toàn tỉnh đã chuyển 4.000ha đất lúa không chủ động nước tưới, bấp bênh nước tưới hoặc sản xuất kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn, rau đậu. Tùy theo điều kiện sản xuất của từng địa phương, từ nay đến năm 2025 Quảng Nam dự kiến sẽ tiếp tục chuyển 3.000 - 5.000ha đất lúa sang canh tác những loại cây trồng khác.
“Để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả cao, nhất thiết phải phân định vùng. Đối với khu vực trung du và miền núi, chuyển đất lúa qua trồng các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp đa mục tiêu. Còn đối với khu vực đồng bằng, chuyển sang canh tác các loại cây lấy dầu là đậu phụng và mè, cây bắp phục vụ nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi hoặc những loại rau củ quả.
Trong quá trình chuyển đổi phải gắn với việc thiết lập mã số vùng trồng, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ cao để hình thành những vùng nguyên liệu phục vụ chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn nông sản an toàn” - ông Trần Út nói.
ĐỒNG BỘ GIẢI PHÁP TRONG CHĂN NUÔI VÀ LÂM NGHIỆP
Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, liên kết sản xuất, quy hoạch vùng trồng rừng sản xuất cũng như lựa chọn loại cây trồng phù hợp, ổn định đầu ra… nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đối với các lĩnh vực này.
Chăn nuôi quá nhiều bất trắc
Những năm qua, phương thức chăn nuôi tập trung ở Quảng Nam có bước chuyển biến tích cực, số lượng cơ sở chăn nuôi lớn tăng dần. Hiện toàn tỉnh có khoảng 178 cơ sở chăn nuôi tập trung, tăng 37% so với năm 2015.
Đồng thời có sự chuyển dịch chăn nuôi tập trung từ vùng có mật độ dân cư cao đến vùng có mật độ dân cư thấp. Đáng ghi nhận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 6.000 cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi áp dụng phương pháp xử lý chất thải bằng hầm khí biogas và xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học...
Cách đây không lâu, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Quảng Nam có điều kiện khá thuận lợi để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, muốn lĩnh vực này tạo được bước đột phá, phải làm tốt công tác quy hoạch. Bởi, có quy hoạch khu và vùng chăn nuôi tập trung một cách bài bản thì mới triển khai thực hiện hiệu quả.
Theo ông Tiến, để nâng cao giá trị kinh tế, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Quảng Nam nên ưu tiên hỗ trợ phát triển những mô hình chăn nuôi theo phương thức trang trại và gia trại với quy mô vừa và lớn; giảm mạnh hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong các khu dân cư không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ông Phùng Đức Tiến đề nghị Quảng Nam sớm rà soát lại quy hoạch, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất và tích cực hỗ trợ người dân đa dạng hóa đối tượng nuôi để mang lại hiệu quả cao.
Tính đến thời điểm này, cả tỉnh có 69 cơ sở chăn nuôi gia công gà thịt và heo thịt cho Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam và Công ty CP Thái Việt Swine line.
Qua đó giúp người chăn nuôi chủ động được một số khâu đầu vào; giảm chi phí đầu tư ban đầu; năng suất, sản lượng và giá bán sản phẩm ổn định; trình độ quản lý, kỹ thuật được nâng lên, chủ động trong tiêu thụ sản phẩm.
Đáng lưu ý, do bị tác động bởi giá cả thị trường (nhất là từ cuối năm 2016 đến tháng 6.2017 giá bán heo hơi tụt giảm mạnh), đặc biệt là từ tháng 5.2019 đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nghiêm trọng khiến lĩnh vực chăn nuôi heo gặp rất nhiều khó khăn.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam, chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xuất hiện 121 ổ dịch tả lợn châu Phi làm hơn 4.800 con heo của 1.998 hộ dân ở 92 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thị xã, thành phố bị mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc. Từ các nguyên nhân nêu trên, hiện tổng đàn heo của tỉnh chỉ còn 295.000 con, giảm hơn 180.000 con so với năm 2015.
Cần nói thêm, đầu tháng 3.2021, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xuất hiện lần đầu tiên ở Quảng Nam tại một vài hộ dân trên địa bàn xã Điện Phước (Điện Bàn). Từ đó đến nay, vi rút gây bệnh lây lan ra 186 xã, phường, thị trấn của tỉnh khiến gần 5.700 con trâu bò bị nhiễm dịch, trong đó có 766 con chết...
Rừng gỗ lớn thay vì keo nguyên liệu
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, thời gian qua nhờ tập trung nâng cao chất lượng cây giống, chú trọng đầu tư thâm canh nên năng suất và chất lượng sản phẩm rừng trồng tăng mạnh. Nếu năm 2015, năng suất rừng nguyên liệu đạt khoảng 70,8m3/ha thì đến nay tăng lên hơn 80m3/ha.
Đặc biệt, hiện tổng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC của tỉnh khoảng 9.320ha (năm 2016 chỉ có 1.708ha). Bên cạnh kết quả đạt được, đáng chú ý nhiều năm nay, mô hình trồng keo nguyên liệu phát triển ào ạt tại hàng loạt địa phương của tỉnh.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng 5 năm qua Quảng Nam trồng mới 96.568ha rừng sản xuất, chủ yếu là cây keo. Trong đó, nhiều nhất là Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Núi Thành…
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, việc chọn cây keo làm hướng chủ lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp thời gian qua không mang lại hiệu quả cao vì keo có thân cây gỗ nhỏ nên cho năng suất, sản lượng thấp.
Trong khi đó, các cơ sở chế biến nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là băm dăm nên giá bán sản phẩm không cao. Còn xét về yếu tố tác động môi trường thì chức năng phòng hộ của rừng keo không tốt do thiếu tính đa dạng sinh học và tầng thực bì kém...
“Theo tôi, những năm tới cần phải hạn chế việc trồng cây keo nguyên liệu, tập trung phát triển mạnh mô hình trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC và thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu gỗ rừng trồng để nâng cao giá trị sản xuất.
Trong 2 năm 2019 - 2020, với hơn 31,7 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và tỉnh, nông dân trên địa bàn Quảng Nam đã đầu tư trồng được hơn 1.998ha rừng gỗ lớn. Theo mục tiêu đặt ra, từ nay đến năm 2025 tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân trồng thêm ít nhất 15.000ha rừng gỗ lớn” - ông Trần Út nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Nhận diện nông nghiệp thiếu bền vững
Tôi cho rằng, nông nghiệp Quảng Nam không bền vững ở nhiều khía cạnh về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp... Về khách quan, nông nghiệp chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, tác động rất nhiều đến hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, là địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông suối, phân tán, đồng bằng hẹp, không có vùng tập trung như đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ… nên chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Về trồng trọt, lúa vẫn chiếm chủ yếu, các loại hoa màu ít. Đối với lâm nghiệp, cây trồng chính vẫn là cây keo, chưa có cây chủ lực khác thay thế; dược liệu chỉ có mỗi sâm Ngọc Linh, dược liệu khác chưa phát triển. Sâm Ngọc Linh cũng chưa bền vững do nạn sâm giả, phát triển chưa tương xứng yêu cầu về môi trường rừng.
Về chăn nuôi, do phần lớn sản xuất nhỏ lẻ nên thường xảy ra dịch bệnh. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn thấp, số hóa chưa nhiều, chuyển đổi cây trồng có làm nhưng chưa được bao nhiêu.
Nhiều công trình chống xâm nhập mặn tốn kém, trong khi việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với hạn, mặn còn hạn chế. Hình thức về tổ chức liên kết sản xuất giữa nông dân, hợp tác xã ít; chậm tích tụ ruộng đất…
Trong lĩnh vực thủy sản, hạ tầng chưa đầy đủ nên không đáp ứng nhu cầu, việc nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan, cản trở dòng chảy.
Nông nghiệp sản xuất an toàn cũng chưa có hình hài bài bản, làm theo kiểu được chăng hay chớ; lĩnh vực OCOP cũng còn manh mún, không có nhiều sản phẩm thị trường cần...
Ông Lê Ngọc Trung - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Quảng Nam: Khắc phục tình trạng “tàu ra nhiều mà tàu vô không thấy”
Tôi rất thống nhất với mục tiêu giảm diện tích canh tác các loại cây ngắn ngày, trong đó có cây lúa. Hiện nay, nhiều nơi vẫn cứ “bám sống bám chết” làm cây lúa, trong khi hiệu quả thực ra không có. Nhiều chỗ nhiễm mặn, khô hạn nhưng nông dân vẫn cứ sản xuất.
Kể cả trong tư duy xây dựng hồ đập, nhiều chỗ đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ phục vụ diện tích tưới rất ít, rất nhỏ. Vì vậy, trong quan điểm về phát triển cây trồng thì cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, như cách làm hiện nay là chỉnh trang vườn tược, kinh tế trang trại.
Với thủy sản, qua tuyên truyền, đến nay số tàu cá nhỏ giảm rất lớn, số tàu cá lớn đánh bắt xa bờ của tỉnh phát triển rất nhanh. Nhưng điều đáng buồn là “tàu ra nhiều mà tàu vô không thấy”. Điều này xuất phát từ hạ tầng nghề cá, thủy sản của mình còn rất yếu.
Bộ NN&PTNT về kiểm tra thì thấy mình toàn bộ cấp phép cho tàu đi ra nhưng tàu đi vô không được bao nhiêu. Toàn ra Đà Nẵng, vô Quảng Ngãi, Bình Định hết, vì ở đó có hạ tầng tốt, giá bán sản phẩm cao...
Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Cơ chế chưa đủ thu hút doanh nghiệp
Một trong những nguyên nhân lớn tác động đến yếu tố bền vững của nông nghiệp Quảng Nam thời gian qua là dù đã ban hành nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp nhưng phải nói rằng cơ chế chưa đủ mạnh để mời gọi. Do đó, doanh nghiệp lớn vào đầu tư ở lĩnh vực này rất ít.
Chúng ta cũng biết rằng, đầu tư trên lĩnh vực này rủi ro rất lớn, doanh nghiệp rất e ngại. Thứ hai là thị trường tiêu thụ, do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hàng hóa không đủ nhiều như kiểu “sỉ thiếu nhưng lẻ thì thừa”. Tỉnh chưa có cây trồng chủ lực. Cây gì cũng có, sản phẩm gì cũng có nhưng nói sản phẩm chủ lực thì tìm không ra.
Nói đến đây thì lại quay về chuyện tích lũy ruộng đất. Từ đây, cần thiết phải có những quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để tích tụ ruộng đất và cơ chế mời gọi doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp để từ đó người dân thấy được giá trị sản xuất mà tham gia...
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT: Phát triển chăn nuôi phải đảm bảo môi trường
Để phát triển nông nghiệp bền vững, cần rất nhiều yếu tố. Tôi ví dụ, hiện nay chúng ta tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm từ chăn nuôi rất lớn, bài toán nan giải với nhiều địa phương và ngành nông nghiệp. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ để vừa đảm bảo chăn nuôi tăng về giá trị nhưng phải đảm bảo môi trường.
Điều này đặt ra vấn đề về quy hoạch phải dựa trên quy định pháp luật. Ví dụ, trước đây nhiều trang trại đạt yêu cầu nhưng theo Luật Chăn nuôi - Thú y năm 2018 (có hiệu lực từ 1.1.2020) thì hiện tại nhiều trang trại không đảm bảo về khoảng cách tối thiểu...
Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh: Bài toán khó với phát triển nông nghiệp bền vững ở miền núi
Trong định hướng phát triển bền vững nông nghiệp của tỉnh, cần tách ra khu vực miền núi và trung du riêng, chứ không thể nói chung chung. Nếu ghi chung, chỉ suông về lý thuyết còn thực tiễn định hướng cho miền núi không rõ; trong đó cần tách 6 huyện miền núi cao (Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn).
Hiện nay, nhiều chỉ số phát triển miền núi không rõ ràng. Lâu nay, miền núi đưa nhiều chương trình, dự án nhưng hiện tại rất băn khoăn, lúng túng. Trước nói trồng rừng, tập trung cây keo lai Úc, nhưng qua thiên tai năm 2020 thì chúng ta cần xem lại việc trồng keo.
Còn về dược liệu thì hiện chỉ tập trung ở Nam Trà My chứ các địa phương khác không rõ nét. Vấn đề sản xuất hàng hóa tập trung và thu hút doanh nghiệp đầu tư miền núi là bài toán khó...
Ông Lê Muộn - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Khâu chế biến và tiêu thụ quyết định sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Vấn đề của nông nghiệp bền vững cần tách rõ sản xuất hàng hóa và ngược lại. Với sản xuất hàng hóa, khâu chế biến và lưu thông rất quan trọng. Phải làm sao để người sản xuất biết nhắm đến thị trường nào. Đồng thời thương mại nông sản phải được chú ý, gồm cả sản phẩm chưa chế biến và qua chế biến.
Với sản xuất bền vững cho hộ dân, như ở miền núi, thì vẫn áp dụng hình thức sản xuất đa canh, sản xuất vừa đủ, dạng như mô hình VAC của mình. Với câu chuyện sản xuất hàng hóa, ở Quảng Nam, có thể lấy cây dưa hấu để nói về sự thiếu bền vững.
Dù được xem là cây hàng hóa, mỗi năm sản xuất khoảng hơn 900ha, nhưng cây dưa hấu lại thiếu bền vững vì không có doanh nghiệp tại chỗ tham gia tiêu thụ. Ở mình chỉ mấy ông buôn dưa tại chỗ làm khâu trung gian, gom dưa bốc lên xe cho mấy doanh nghiệp lớn ở nơi khác. Bất ngờ là khi kiểm tra thì mã số vùng trồng của dưa hấu Quảng Nam cũng mượn ở đâu đâu. Họ mượn mã số đóng gói nên dưa Quảng Nam vẫn không có mã số vùng trồng...