Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa theo hướng chuỗi giá trị gia tăng... tạo đà phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững là mục tiêu được huyện Đại Lộc chú trọng.
liên kết chuỗi giá trị
Những năm qua, huyện Đại Lộc chú trọng quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, đã đạt được kết quả bước đầu.
Theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, đến năm 2024 Đại Lộc có 17 doanh nghiệp liên kết với các địa phương (thông qua HTX) tổ chức liên kết sản xuất 1.934ha cây trồng các loại. Trong đó lúa giống trên diện tích 1.805ha (1.536ha lúa thuần, 269ha lúa lai), bắp 67ha.
Vụ hè thu thực hiện liên kết sản xuất với diện tích 150ha, trong đó 110 ha lúa, 40ha đậu xanh. Huyện triển khai 1 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ đậu xanh giống tại xã Đại Cường với quy mô 40ha từ nguồn vốn hỗ trợ Nghị quyết số 17/2021 của HĐND tỉnh.
Cùng với đó, triển khai 2 dự án liên kết sản xuất lúa thuần tại các xã Đại Phong, Đại Thắng từ nguồn vốn hỗ trợ Nghị định số 35, ngày 13/4/2015 của Chính phủ.
Toàn huyện triển khai kiểm tra, thẩm định, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ chi tiết cho 109 vườn và 1 trang trại với tổng kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng theo cơ chế Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại...
Cũng theo ông Phương, năm 2024 UBND huyện đã ban hành các Quyết định số 45 (ngày 22/1/2024) và số 85 (ngày 5/3/2024) về ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các xã nông thôn mới trên địa bàn.
Huyện cũng xúc tiến triển khai cấp 6 mã vùng trồng cho các vùng trồng lúa, dưa hấu, bưởi tại các địa phương. Chủ trương của huyện là tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ - chế biến. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình bò lai kinh tế, nuôi heo hướng nạc, đẩy mạnh các loại con vật nuôi đặc sản...
Nhân rộng mô hình mới
Tại Đại Lộc, đã có một số chương trình, dự án, mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, bước đầu phát huy hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, năm 2024 UBND huyện bố trí nguồn kinh phí, chi hỗ trợ cho công tác cải tạo đàn bò 65 triệu đồng để mua nitơ lỏng thụ tinh nhân tạo cho bò.
Năm 2024, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện đã triển khai 20 lớp tập huấn chăn nuôi cho hơn 1.000 lượt hộ dân. Thời gian qua, được sự chỉ đạo của huyện, sự phối hợp của các phòng ban, địa phương, trung tâm đã triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi nhằm khuyến cáo, nhân rộng.
Cụ thể, mô hình “Chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học” ở 3 xã Đại Nghĩa, Đại Đồng và Đại Thắng; mô hình “Chăn nuôi bò tuần hoàn” ở 3 xã Đại Minh, Đại Hồng và Đại Hiệp... Dự án chăn nuôi bò vỗ béo đã triển khai từ năm 2023 - 2024 và đang bước qua năm thứ hai...
Ông Trần Việt Phương cho biết, Đại Lộc khuyến khích chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học. Trung tâm tham mưu UBND huyện đẩy mạnh công tác quản lý kiểm soát giết mổ, đảm bảo môi trường thực phẩm an toàn, sạch.
Nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, khép kín; quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung. Trên lĩnh vực trồng trọt, ngoài 17 chuỗi giá trị sản xuất trên cây lúa, đã triển khai được một số chuỗi liên kết trên cây màu. Huyện cũng triển khai xây dựng mô hình trồng bưởi VietGap ở xã Đại Hưng, song việc duy trì, mở rộng mô hình còn khó…
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện, năm 2025, UBND huyện tiếp tục giao Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện chủ trì phối hợp với UBND cấp xã và các HTX nông nghiệp tổ chức tập huấn quy trình sản xuất cây trồng, vật nuôi, cơ cấu giống, lịch thời vụ, trồng cây lâm nghiệp theo các chương trình dự án đến nông dân.
Đẩy mạnh công tác khuyến nông thông qua việc xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất. Phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình bò lai kinh tế, nuôi heo hướng nạc, đẩy mạnh các loại con vật nuôi đặc sản...