(QNO) - Chiều 28/4, Sở Khoa học & công nghệ tổ chức họp hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu các động lực tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2050” do Văn phòng UBND tỉnh chủ trì thực hiện, ThS. Nguyễn Như Công chủ nhiệm đề tài.
Mục tiêu của đề tài là phân tích thực trạng đóng góp của các động lực đến tăng trưởng kinh tế và xác định, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy các động lực tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, đề tài đã hệ thống hóa được tư liệu, số liệu về tăng trưởng kinh tế và động lực tăng trưởng kinh tế Quảng Nam từ năm 2000 đến nay; phân tích, đánh giá được vai trò của các động lực tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam từ năm 2000 đến nay; xác định được các động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2025-2030; đề xuất giải pháp nhằm phát huy các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2025-2030.
ThS. Nguyễn Như Công đề xuất, Quảng Nam cần ưu tiên phát triển ngành cơ khí và sản xuất kim loại, đặc biệt là sản xuất và lắp ráp ô tô để tạo giá trị cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp hiện đại, kỹ thuật, góp phần đưa Quảng Nam trở thành trung tâm công nghiệp miền Trung - Tây Nguyên. Tiếp đến, tỉnh ưu tiên phát triển ngành dệt may, da giày. Đây là nhóm các ngành đã và đang có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm. Với lợi thế sẵn có, thời gian tới Quảng Nam cần phát triển du lịch văn hóa, biển đảo, nghỉ dưỡng cộng đồng, thu hút khách quốc tế, từ Tây Âu, Mỹ, Hàn Quốc….
Về vùng, cụm động lực và hành lang phát triển, đề tài nhấn mạnh, cả vùng Đông và vùng Tây của tỉnh đều có những triển vọng phát triển riêng biệt. Với vùng Đông, tập trung vào kinh tế biển, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao; còn vùng Tây cần tập trung vào bảo tồn hệ sinh thái rừng, phát triển dược liệu.
Về nguồn động lực, đề tài cho rằng nguồn vốn đầu tư tiếp tục được xác định là động lực ưu tiên hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nhưng sẽ khác với các giai đoạn trước, thay vì mở rộng đầu tư theo chiều rộng, vốn cần được sử dụng theo hướng nâng cao hiệu quả và chất lượng; đầu tư có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm; quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
PGS.TS Bùi Quang Bình - Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Đà Nẵng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu các động lực tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đánh giá cao những giải pháp đề tài nêu ra để thúc đẩy phát triển kinh tế Quảng Nam thời gian đến.
Theo đó, tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, nghiên cứu triển khai nhanh chóng các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược; huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính phục vụ phát triển; quan tâm phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo, trọng tâm là ngành công nghiệp cơ khí, ô tô, logistic…