Kinh tế

Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ở các sở, ban ngành: Cần quyết liệt triển khai, không chấp nhận trả vốn

MAI NHI 05/08/2024 14:44

(QNO) – Sáng nay 5/8, chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị liên quan thuộc khối tỉnh về tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư; UBND tỉnh không chấp nhận việc trả lại nguồn vốn đã phân bổ, trừ trường hợp bất khả kháng.

0.jpg
Quang cảnh cuộc họp sáng nay 5/8. Ảnh: M.N

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đánh giá, từ đầu năm 2024 đến nay việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Quảng Nam còn nhiều bất cập, khó khăn. Vì vậy, dẫn đến tình trạng giải ngân các nguồn vốn đầu tư đạt tỷ lệ rất thấp.

Tỷ lệ giải ngân vốn quá thấp

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, tổng nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 trên địa bàn Quảng Nam là 3.525,3 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư 1.923,8 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 1.601,5 tỷ đồng. Riêng tổng nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 của các sở, ban ngành, hội đoàn thể, đơn vị thuộc khối tỉnh là 232,3 tỷ đồng (chiếm 7% vốn chương trình mục tiêu quốc gia toàn tỉnh).

Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các sở, ban ngành, hội đoàn thể, đơn vị thuộc khối tỉnh là 213,2/232,3 tỷ đồng, đạt 92%. Trong đó, vốn đầu tư phân bổ 79,3/98,5 tỷ đồng (đạt 81%) và vốn sự nghiệp phân bổ 133,8/133,8 tỷ đồng (đạt 100%).

1.jpg
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: M.N

Theo số liệu tổng hợp của Sở KH-ĐT, tính đến ngày 31/7/2024, các sở, ban ngành, hội đoàn thể, đơn vị thuộc khối tỉnh đã tiến hành giải ngân 18,2/232,3 tỷ đồng, đạt 8% (thấp hơn so với mức trung bình của tỉnh hiện nay là 16%). Trong đó, vốn đầu tư giải ngân 10,6/98,5 tỷ đồng, đạt 11% và vốn sự nghiệp giải ngân 7,6/133,8 tỷ đồng, đạt 6%.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đấu thầu năm 2023 mới có hiệu lực, mới có hướng dẫn, nhiều nội dung sử dụng vốn sự nghiệp trên 100 triệu đồng phải đấu thầu. Tuy nhiên, việc thuê tư vấn đấu thầu còn nhiều khó khăn, kinh phí tư vấn đấu thầu thấp nên khó tìm được nhà thầu tư vấn đấu thầu.

Trong khi đó, một số nội dung quy định, hướng dẫn của trung ương trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững chưa rõ, có nội dung chưa hướng dẫn; một số nội dung chưa rõ nên cần thời gian nghiên cứu, xin ý kiến cấp thẩm quyền cho ý kiến dẫn đến chậm triển khai, giải ngân vốn chương trình; một số dự án thành phần có đối tượng hỗ trợ quá ít, hoặc có nhưng không có nhu cầu để hỗ trợ do đã được doanh nghiệp hỗ trợ nên kết quả triển khai hạn chế, giải ngân thấp…

2.jpg
Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ở những địa phương miền núi gặp không ít khó khăn. Ảnh: M.N

Nguồn kinh phí phân bổ thực hiện một số nội dung thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của các đơn vị thuộc khối tỉnh và UBND các huyện có sự trùng lắp về các nội dung hoạt động, về đối tượng cũng như địa bàn thụ hưởng do chưa có sự thống nhất giữa cấp tỉnh và cấp huyện...

3.jpg
Các cấp, ngành cần tích cực quan tâm hỗ trợ người dân phát triển mạnh sản xuất để nâng cao đời sống. Ảnh: M.N

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh nói, công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền trên báo, đài gặp khó khăn. Cụ thể, hiện nay tỉnh chưa thống nhất phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 29 Luật Đấu thầu nên đã có những bất cập trong tổ chức thực hiện trên toàn tỉnh (nhiều đơn vị chưa thể hợp đồng tuyên truyền được với báo, đài). Nếu tổ chức lựa chọn thầu bằng các hình thức khác của Luật Đấu thầu thì sẽ kéo dài, việc tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước không được duy trì thường xuyên, kịp thời; đồng thời khó có thể giải ngân hết kinh phí được giao.

Vấn đề đáng quan tâm là thời gian qua công tác chỉ đạo, điều hành tại một số đơn vị còn thiếu quyết liệt, tập trung dẫn đến kinh phí giải ngân còn thấp. Một số đơn vị đề nghị phân bổ vốn để thực hiện công tác kết nghĩa, tuy nhiên qua quá trình triển khai đã đề xuất điều chuyển vốn về cho địa phương thực hiện với lý do địa bàn triển khai dự án ở xa, việc bố trí nhân lực và thời gian quản lý dự án gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, số hộ dân thuộc đối tượng được hỗ trợ không có nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất và không đảm bảo điều kiện, khả năng tham gia dự án…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đánh giá, 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa xã hội rất lớn. Thế nhưng, thời gian qua các sở, ban ngành chưa thực sự vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt; thậm chí một số đơn vị tỏ ra thờ ơ, hời hợt, thiếu trách nhiệm. Từ đó, dẫn đến việc thực hiện còn nhiều hạn chế, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt quá thấp.

4.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: M.N

Đồng chí Lê Văn Dũng yêu cầu, thời gian tới tổ chức đảng của các đơn vị thuộc khối tỉnh phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình. “Quan điểm nhất quán của UBND tỉnh là các sở, ban ngành phải vào cuộc với quyết tâm chính trị cao; nỗ lực tăng nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư, UBND tỉnh không chấp nhận việc trả lại nguồn vốn đã phân bổ, trừ trường hợp bất khả kháng” – đồng chí Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng lưu ý, các đơn vị phải tập trung xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai và bám sát tiến độ, lộ trình thực hiện, giải ngân từng dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình để tăng cường chỉ đạo, đôn đốc kết quả thực hiện...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia ở các sở, ban ngành: Cần quyết liệt triển khai, không chấp nhận trả vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO