Giảm nghèo - An sinh

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở Đông Giang: Còn nhiều trở lực

CÔNG TÚ (congtugiakhai@gmail.com) 15/04/2025 07:30

Quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Đông Giang chưa đạt như kỳ vọng. Huyện đã xác định nguyên nhân, có giải pháp để khắc phục những hạn chế, khó khăn.

ẢNH 1
Hộ Zơ Râm Thị Nhia ở thôn Cột Buồm (xã Kà Dăng) nuôi heo đen địa phương. Ảnh: CÔNG TÚ

Chậm tiến độ

Thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024, huyện Đông Giang được bố trí hơn 7,5 tỷ đồng để thực hiện khu tái định cư Tu Ngung - A Bung trên địa bàn xã A Rooi. Năm nay, huyện tiếp tục được phân bổ 8 tỷ đồng để triển khai dự án.

Theo ông Đoàn Ngọc Bình - Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Đông Giang, tổng mức đầu tư cho khu tái định cư này là 19,5 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, địa phương sẽ bố trí tái định cư cho khoảng 48 hộ dân của xã A Rooi. Đây là những hộ có nhà ở nằm trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở núi.

Tuy nhiên, đến nay công trình khu tái định cư Tu Ngung - A Bung vẫn chưa rục rịch trên thực địa, dù đã chọn xong địa điểm xây dựng. Nguyên nhân là chưa có quy hoạch chi tiết xã A Rooi, vì vậy phải thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500 riêng cho khu tái định cư. Quá trình này mất nhiều thời gian, thủ tục.

Đến đầu tháng 4/2025, quy hoạch chi tiết 1/500 của khu tái định cư đã được thông qua. Hiện nay, huyện tiến hành các thủ tục liên quan, sau đó đấu thầu thi công.

Chính quyền huyện Đông Giang nhìn nhận, nhiều danh mục công trình khởi công mới năm 2024, năm 2025 như nghĩa trang nhân dân các xã, hay khu xử lý rác thải Jơ Ngây cũng rơi vào tình trạng như khu tái định cư Tu Ngung - A Bung.

Bởi, các xã, thị trấn chưa thực hiện quy hoạch chi tiết, dẫn tới phải thực hiện quy hoạch chi tiết từng danh mục công trình. Mặt khác, quy trình lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết mất nhiều thời gian nên rất khó triển khai hoặc chuyển đổi sang danh mục khác dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư.

Các chương trình MTQG bố trí nguồn lực cho đào tạo nghề khá nhiều, tuy nhiên, việc hấp thụ vốn hạn chế bởi ít người đăng ký học nghề, hoặc không mặn mà đi xuất khẩu lao động.

Ông Dương Văn Chung - Quyền Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đông Giang cho biết, xây dựng nông thôn mới gặp không ít thách thức bởi bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025 có yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước và so với điều kiện của huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Đông Giang.

Trong đó, tiêu chí về thu nhập khó có thể đạt ngay được. Xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng gặp trở lực do một số hộ không có kinh phí đối ứng vì gia cảnh nghèo khó.

Khắc phục hạn chế

Quyền Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đỗ Hữu Tùng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn các chương trình MTQG theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, địa phương sẽ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền.

ẢNH 2
Hội viên, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang xã Zà Hung lấy cát giúp người dân xây dựng nhà. Ảnh: CÔNG TÚ

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị có liên quan phải chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, hiệu quả công việc trên địa bàn và lĩnh vực được phân công phụ trách. Xem kết quả giải ngân các chương trình MTQG là một căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân.

Chính quyền huyện Đông Giang yêu cầu các chủ chương trình, chủ đầu tư thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ 2 lần/tháng về giải ngân vốn đầu tư công, vốn các chương trình cũng như vướng mắc, đề xuất biện pháp tháo gỡ.

Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng lộ trình giải ngân theo từng tháng và có cam kết trách nhiệm với UBND huyện tiến độ giải ngân đã đề xuất. Tăng cường nhân lực cho công tác thẩm định phê duyệt hồ sơ, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, quyết toán các công trình.

Ông Đỗ Hữu Tùng cho biết, để hấp thụ và phát huy nguồn lực rất lớn từ các chương trình, huyện Đông Giang còn chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các hội đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân.

Đặc biệt, các xã, thị trấn cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để vận động, tuyên truyền người dân tích cực hưởng ứng thực hiện các chương trình MTQG.

Chủ tịch UBND xã Zà Hung - ông Bnướch Bíp chia sẻ, địa phương có một số hộ thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát nhưng là người nghèo neo đơn, tàn tật. Ngoài tiền hỗ trợ theo quy định, họ không có kinh phí đối ứng để xây dựng hoàn thiện căn nhà. Trong khi đó, giá vật liệu xây dựng tăng cao do phải vận chuyển xa.

Từ thực tế trên, đầu năm 2025, xã vận động đoàn viên thanh niên, hội viên các hội đoàn thể, dân quân và công an giúp bà con tháo dỡ nhà cửa, dọn mặt bằng. Lấy cát từ ven suối vận chuyển về giúp cho 3 hộ có vật liệu xây móng, đúc trụ. Xã còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 5 tấn xi măng giúp cho 5 hộ (1 tấn/hộ) đỡ bớt chi phí đối ứng đầu tư, góp phần hoàn thiện căn nhà mơ ước.

Tổng nguồn vốn các chương trình MTQG huyện Đông Giang đã phân bổ cho năm 2025 (kể cả nguồn các năm 2022, 2023, 2024 chuyển sang năm 2025 thực hiện) là hơn 255,9/hơn 264,8 tỷ đồng (đạt 96,63% kế hoạch vốn giao). Trong đó, nguồn vốn năm 2024 (kể cả năm 2022, năm 2023) chuyển sang năm 2025 đã phân bổ hơn 175,9/hơn 182,3 tỷ đồng (đạt 96,47%); nguồn vốn năm 2025 đã phân bổ hơn 80/hơn 82,5 tỷ đồng (đạt 96,98%).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở Đông Giang: Còn nhiều trở lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO