Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Nam Trà My: Khó giải ngân nguồn vốn

DIỄM LỆ 19/09/2023 07:38

Dù có nhiều cố gắng, nhưng việc giải ngân nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Nam Trà My vẫn thấp. Huyện đang quyết tâm để thực hiện đạt mục tiêu phấn đấu của năm này, bởi đây là nguồn đầu tư cần thiết cho sự phát triển của địa phương.

Việc bố trí tái định cư đang được Nam Trà My cố gắng thực hiện đảm bảo cho người dân an toàn trong mùa mưa bão. Ảnh: L.D
Việc bố trí tái định cư đang được Nam Trà My cố gắng thực hiện đảm bảo cho người dân an toàn trong mùa mưa bão. Ảnh: L.D

Tỷ lệ giải ngân thấp

Hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nam Trà My đều đang có tỷ lệ giải ngân thấp.

Theo UBND huyện Nam Trà My, tổng kế hoạch vốn đầu tư công thuộc chương trình MTQG trên địa bàn huyện Nam Trà My đến nay là 177,775 tỷ đồng (bao gồm kế hoạch vốn năm 2023 là 131,945 tỷ đồng và kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài 45,38 tỷ đồng); đã giải ngân được 82,695 tỷ đồng (bằng 46,52% kế hoạch vốn).

Trong đó, giảm nghèo bền vững giải ngân vốn được 48,47%; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân 40,6%; xây dựng nông thôn mới giải ngân 68,81%.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều tiểu dự án (sử dụng nguồn vốn năm 2023) dù đã phê duyệt và triển khai thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân đồng nào, và huyện cam kết giải ngân 100% vào cuối năm nay...

Các nguồn vốn đầu tư tại Nam Trà My được triển khai thực hiện nhiều hợp phần phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng như đường, cầu dân sinh, khu dân cư..., hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất trong nhân dân, đào tạo nghề, đầu tư sinh kế cho hộ nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG cấp tỉnh, Nam Trà My có tỷ lệ giải ngân vẫn cao hơn so với các huyện miền núi cao còn lại, nhưng thời gian không còn nhiều, lại sắp bước vào mùa mưa bão nên áp lực giải ngân các nguồn vốn rất đáng lo.

Nhiều khó khăn

Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG cấp tỉnh, ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết, các chương trình MTQG là nguồn lực hết sức quan trọng đối với huyện.

Tuy nhiên bên cạnh những nỗ lực giải ngân nguồn vốn thì còn nhiều khó khăn vì những vướng mắc. Chương trình chung cả nước, nhưng đi vào thực hiện thì mỗi địa phương có những đặc điểm, điều kiện khác nhau.

Thực tế, văn bản càng chi tiết khi áp vào điều kiện của huyện càng khó thực hiện. Khi áp vào thấy chưa đúng thì không dám thực hiện, đó là thực tế, bởi làm mà sai thì thanh tra, kiểm tra rất phức tạp.

“Thế nên những vướng mắc thì kiến nghị lãnh đạo tỉnh có văn bản kiến nghị Trung ương tháo gỡ, địa phương mới thực hiện được. Nhiều văn bản quá mà văn bản không sát thực, địa phương thì không dám làm ngoài văn bản, không dám vượt rào bởi vượt là sai. Kể cả chỉ đạo miệng cũng không ai dám làm, chỉ khi có văn bản thì mới thực hiện” - ông Hưng nói.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay: Huyện có 4 dự án ảnh hưởng rừng theo quy hoạch rừng sản xuất, hiện trạng rừng tự nhiên nên phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp, vì thế chưa thực hiện được.

Bao gồm các dự án Đường từ trung tâm hành chính xã Trà Nam (cầu Nước Tung) đi thôn 2 và thôn 3 Trà Nam; Đường giao thông nối điểm Trà Leng đi khu dân cư làng Ông Văng, Ông Thái (thôn 4, Trà Dơn); Đường giao thông vào khu dân cư Làng Lê, Trà Don; Đường giao thông kết nối khu dân cư Lấp Loa và Măng Ổi (thôn 1, Trà Tập).

Hay như dự án cầu treo nối quốc lộ 40B với làng Tắc Rối thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phải điều chỉnh thiết kế do không thực hiện đấu nối được với quốc lộ 40B, trong khi đó cầu treo này hết sức cần thiết cho việc lưu thông đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân làng Tắc Rối.

Một số dự án chưa có hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, định mức và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hướng dẫn của các bộ, ngành thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần còn vướng mắc nhiều, chưa triển khai thực hiện được, nhất là trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, cây, con giống, hàng hóa, dịch vụ... dẫn đến không thể giải ngân, ảnh hưởng rất lớn trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Ông Mẫn còn nêu thêm nhiều khó khăn khác như thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến khối lượng thi công; giá vật liệu tăng cao, nguồn cung các loại vật liệu thông thường khan hiếm nên phải vận chuyển từ các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Kon Tum…

Công tác lựa chọn nhà thầu còn nhiều vướng mắc, thủ tục còn rườm rà ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn nhà thầu xây lắp để ký kết hợp đồng triển khai thi công và giải ngân các nguồn vốn.

Việc thực hiện các chương trình có nhiều dự án, tiểu dự án thành phần, mỗi dự án thực hiện mang nội dung khác nhau; kéo theo đó các Bộ, ngành ở Trung ương ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể nên địa phương khó triển khai thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Nam Trà My: Khó giải ngân nguồn vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO