Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh: Cần đảm bảo tính bền vững

DIỄM LỆ 08/12/2023 08:00

Tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2023 nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt với khu vực các huyện miền núi. Theo các đại biểu, tính bền vững trong thực hiện các chương trình rất cần được chú trọng trong thời gian tới.

Một khu vực đang thực hiện sắp xếp dân cư ở huyện miền núi. Ảnh: D.L
Một khu vực đang thực hiện sắp xếp dân cư ở huyện miền núi. Ảnh: D.L

Điểm sáng giảm nghèo

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, dù tình hình phát triển kinh tế có nhiều biến động, toàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chăm lo tốt đời sống nhân dân.

Các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Cùng với nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính quyền các cấp đã tổng lực đầu tư phát triển, nâng cao đời sống người dân.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài) là 3.279 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai nhiều dự án lớn như phát triển chăn nuôi tập trung; phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển vùng nguyên liệu; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi và cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.

Người dân được hưởng lợi từ hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, chăm sóc bảo vệ rừng, hỗ trợ GD-ĐT và dạy nghề tại các địa bàn nông thôn, miền núi, các xã đặc biệt khó khăn...

Kết quả sơ bộ theo báo cáo của các địa phương, toàn tỉnh giảm được 4.039 hộ nghèo (chỉ tiêu 3.000 hộ), vượt 34,63% kế hoạch. Đây là kết quả rất tích cực, cho thấy sự tập trung nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương trong công tác giảm nghèo.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, nhiều nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các chương trình MTQG đã có nhiều tác động tích cực, rất hiệu quả đối với khu vực miền núi.

Quan trọng là mỗi chương trình phải nhận được sự ủng hộ, thống nhất thực hiện của người dân mới có thể đem lại hiệu quả. Như trong phát triển giao thông, nhiều nơi tận dụng đường giao thông nông thôn có sẵn, tổ chức cải tạo thảm nhựa hoặc bê tông trên nền đó nên hiệu quả hơn, ít vướng về mặt bằng, hộ dân có vướng mặt bằng thì sẵn sàng hiến đất.

Thời gian tới cần tiếp tục thực hiện chính sách này, để các địa phương thực hiện được thì tận dụng tốt chính sách của tỉnh. Nội dung liên quan sắp xếp dân cư có nhiều nghị quyết cùng lúc tác động đã tạo hiệu quả lớn khi lồng ghép, nâng tổng mức hỗ trợ nên tạo điều kiện cho người dân miền núi làm được nhà ở kiên cố hơn, ổn định chỗ ở thì mới tính được đến sản xuất để giảm nghèo.

Cần chú trọng tính bền vững

Tại kỳ họp, Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận định, bộ mặt kinh tế, hạ tầng cơ sở cũng như đời sống nhân dân miền núi đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên những đổi thay trong xây dựng nông thôn mới hay giảm nghèo ở miền núi vẫn chưa mang tính bền vững. Điều này xuất phát từ sự bị động trong thực hiện các chương trình MTQG ở miền núi.

Năm 2023 số hộ nghèo ở khu vực miền núi giảm mạnh nhưng vẫn còn nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tính bền vững. Ảnh: D.L
Năm 2023 số hộ nghèo ở khu vực miền núi giảm mạnh nhưng vẫn còn nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tính bền vững. Ảnh: D.L

Như chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tổng vốn hơn 1.226 tỷ đồng, nhưng đến ngày 10/11/2023 mới giải ngân đạt 31,18%, cụ thể: vốn đầu tư đạt 51%; vốn sự nghiệp mới đạt 10,47%.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi đã có phần chựng lại, thiếu bền vững, nhiều xã không duy trì được chuẩn nông thôn mới. Tình hình đời sống của người dân trên địa bàn các huyện miền núi vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Các xã miền núi thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ không còn thụ hưởng một số chế độ hỗ trợ an sinh xã hội, trong khi đó điều kiện kinh tế chung của khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, dẫn đến một số địa phương thiếu quyết liệt thực hiện, người dân chưa mặn mà chung tay thực hiện chương trình.

Ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu: “Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo về tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn chương trình MTQG, đặc biệt đảm bảo giải ngân nguồn vốn sự nghiệp theo kế hoạch đề ra.

UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp những nội dung còn hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, qua đó kiến nghị các bộ, ngành trung ương kịp thời giải quyết, tháo gỡ.

Hướng dẫn các địa phương thực hiện lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án. Các chương trình MTQG cần cho miền núi, tác động toàn diện nên thực hiện hiệu quả, đảm bảo tính bền vững sẽ giúp miền núi phát triển”.

Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh nêu ý kiến: ‘’Công tác giảm nghèo đã đạt kết quả rất tích cực qua số lượng hộ nghèo thoát nghèo như báo cáo.

Để công tác giảm nghèo thực sự đạt hiệu quả, UBND tỉnh cần chỉ đạo của các ngành, địa phương thực hiện rà soát số lượng, đánh giá cụ thể, đảm bảo các hộ thoát nghèo đúng đối tượng, thực chất và bền vững.

Các địa phương cần tiếp tục lồng ghép nguồn lực liên quan đến công tác giảm nghèo của các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đồng thời ở cấp huyện, nhất là khu vực miền núi nhằm tạo điều kiện tốt nhất để hộ nghèo được hỗ trợ thoát nghèo bền vững”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh: Cần đảm bảo tính bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO