Nghị quyết số 13 ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2021 đã đến được với hộ nghèo, cận nghèo là đối tượng thụ hưởng trực tiếp. Ở khu vực miền núi, hộ nghèo được tiếp cận chính sách nhưng lại không phát huy được tác dụng do chính sách mang lại.
Xã vận động nên đăng ký thoát nghèo
Con đường bê tông rộng nửa mét, dài khoảng 30m dẫn lên căn nhà của vợ chồng bà Bríu Thị Hành và ông Nguyễn Văn Chủ (cùng sinh năm 1992, thôn Đhami, xã Ba, Đông Giang) nằm giữa ngọn đồi thấp. Căn nhà và cả con đường bê tông đều được hỗ trợ xây dựng từ Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh với số tiền 80 triệu đồng và 50 triệu đồng vay từ nguồn vốn khuyến khích thoát nghèo bền vững năm 2018.
Tại huyện Đông Giang, tỷ lệ hộ tái nghèo, cận nghèo sau khi đã thoát nghèo, cận nghèo khá cao. Giai đoạn 2017 - 2021, toàn huyện có 1.244 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững, cùng 376 hộ đăng ký thoát cận nghèo bền vững và đã thực hiện thành công, được hưởng chính sách của Nghị quyết 13. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, trong số này có đến 782 hộ rơi trở lại diện hộ nghèo và cận nghèo khi xét theo chuẩn mới (chiếm 51,96%).
Tất cả tiền vay, tiền thưởng dồn vào làm nhà và đường mà không xây dựng được một sinh kế gì bền vững để giữ được kết quả thoát nghèo. Vợ chồng bà Hành còn trẻ, đủ sức lao động, chỉ nuôi 2 đứa con, nhưng đến cuối năm 2021 lại rơi vào diện hộ nghèo.
Bà Hành nói: “Hồi đó xã vận động nên mình đăng ký thoát nghèo. Mà chừ đất đai không có, trâu bò không có, hai đứa con thì còn nhỏ, phải ở nhà giữ con, không lao động được, chỉ một người đi làm. Chừ chưa xác định được làm gì để thoát nghèo, chưa đi làm được nên khó thoát nghèo lắm!”.
Cũng ở thôn Đhami, đến thăm gia đình ông Đinh Văn Thịnh và bà Arất Đhy, chúng tôi không khỏi thở dài trước cảnh chồng ngồi một góc, vợ ngồi một góc chống cằm ngó ra đường.
Hộ ông Thịnh đã đăng ký và thoát nghèo năm 2018, nhưng đến cuối năm 2021 lại tái nghèo. Theo lời bà Đhy, lúc thoát nghèo, tiền thưởng 5 triệu đồng, cộng với tiền vay thì dùng để làm lại nhà mới.
Bà Đhy nói: “Tôi đau ốm miết, không đi làm được, chồng uống rượu nhiều cũng đau gan. Hồi nghèo, có vay 30 triệu đồng, lúc thoát nghèo, vay lại 50 triệu đồng, thì lấy 20 triệu đồng làm nhà, còn 30 triệu đồng đáo hạn nợ cũ ngân hàng. Chừ đau hết, không làm chi được, lại nghèo”.
Nhiều nguyên nhân
Ở trên chỉ là 2 trong số 101 hộ tái nghèo của xã Ba sau khi đã thoát nghèo bền vững theo đăng ký. Khi chuẩn nghèo tăng lên, các hộ đã thoát nghèo bền vững lại rơi vào hộ nghèo, khiến người ta không khỏi băn khoăn về tính “bền vững”.
Theo số liệu của UBND xã Ba, toàn xã hiện có 446 hộ nghèo (tỷ lệ 35,31%); trong đó có 101 hộ tái nghèo trong tổng số 128 hộ đã đăng ký và thoát nghèo được hưởng chính sách của Nghị quyết 13; hộ đã thoát cận nghèo hưởng chính sách Nghị quyết 13 là 112 hộ, đến cuối năm 2021 rơi hẳn vào hộ nghèo là 77 hộ, trở lại diện cận nghèo là 7 hộ.
Ông Phạm Kim Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Ba nói, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, sản phẩm không có đầu ra là một trong những rào cản chính của thoát nghèo bền vững. Trong khi đó, dù xã đã tích cực vận động tuyên truyền nhưng lao động địa phương vẫn không chịu đi học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, đi làm tạo thu nhập, với lý lẽ “học nghề xong đi làm ở nơi khác với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí ăn ở, đi lại thì không còn bao nhiêu tiền”.
Ông Thông mong có doanh nghiệp về đầu tư tại địa phương để lao động đi học nghề và làm việc tại chỗ, như thế mới hy vọng “thoát nghèo bền vững” có chuyển biến.
Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho rằng, huyện đã rất quyết tâm trong giảm nghèo, nhưng vẫn còn bộ phận người nghèo không muốn thoát nghèo, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Tùng cũng giải thích rằng phần lớn hộ nghèo có hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu các điều kiện sản xuất, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, lại chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên rất khó thoát nghèo bền vững khi chuẩn nghèo tăng gấp đôi.
Hơn 5.000 hộ tái nghèo
Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh có 13.085 hộ nghèo, cùng 13.925 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững và đã thực hiện thành công, được hưởng chính sách của Nghị quyết 13 HĐND tỉnh.
Nhưng đến cuối năm 2021, có đến 4.489 hộ đã thoát nghèo và 932 hộ thoát cận nghèo (theo tiêu chí cũ) đã rơi trở lại diện hộ nghèo khi rà soát theo tiêu chí mới.
Nhiều địa phương tỷ lệ hộ đã thoát nghèo rơi về diện hộ nghèo, cận nghèo rất cao như Đông Giang chiếm 51,96%, Bắc Trà My 51,24%, Phước Sơn 48,54%... (theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH)
Tổng kinh phí do ngân sách tỉnh cấp cho các địa phương trong giai đoạn 2018 - 2021 là hơn 463,9 tỷ đồng để thực hiện các chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững. Nguồn kinh phí này đã được các địa phương hỗ trợ hộ đăng ký thoát nghèo bền vững về lãi suất tín dụng, thẻ bảo hiểm y tế, chia sẻ gánh nặng kinh tế cho các gia đình khi ốm đau, bệnh tật, hỗ trợ về giáo dục, thưởng bằng tiền mặt cho các hộ thoát nghèo và thưởng cho cộng đồng thôn.
Phải khẳng định, Nghị quyết 13 đã góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo của toàn tỉnh. Đặc biệt tạo động lực rất lớn cho những hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo, giúp họ có thêm điều kiện để thoát nghèo.
Số hộ nghèo giảm từ 12,9% năm 2016 xuống còn 4,4% năm 2021 (bình quân giảm 1,42%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân mỗi năm 4,4% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2021; nhiều xã nghèo đã hoàn thành mục tiêu chương trình giảm nghèo, ra khỏi danh sách xã nghèo và đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy vậy, nếu so sánh giữa số tiền mà ngân sách tỉnh dành cho chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững với số hộ đã thoát nghèo bằng sự hỗ trợ từ chính sách này, thì cần phải xem lại.
Như câu hỏi của ông Nguyễn Đức - Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh: “Trong 5 năm chi hơn 463 tỷ để thu về hơn 56% hộ thoát nghèo đúng tính chất bền vững, còn lại rơi vào hộ nghèo lại sau khi thoát nghèo. Vậy thì sắp tới có nên tiếp tục chính sách hay không, chúng ta cần đánh giá hiệu quả, nghiên cứu lại cách tiếp cận đối với công cuộc giảm nghèo bền vững của tỉnh”.
Chính sách khuyến khích đối với hộ nghèo về tiêu chí thu nhập có khả năng thoát nghèo và có đăng ký cam kết thoát nghèo bền vững
1. Ngoài việc được tiếp tục thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương đối với hộ nghèo; tỉnh Quảng Nam hỗ trợ thêm các chính sách sau đây:
a) Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. Mức vay tối đa 50.000.000 đồng, thời gian hỗ trợ lãi suất 36 tháng.
b) Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện trong thời gian 36 tháng.
c) Cấp bù 100% học phí cho trẻ em mẫu giáo và học sinh các cấp phổ thông; hỗ trợ chi phí học tập mức 100.000 đồng/học sinh/tháng cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh các cấp phổ thông; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 3,4,5 tuổi mức 120.000 đồng/em/tháng (9 tháng/năm). Các chính sách hỗ trợ nêu trên được thực hiện trong 03 năm học liên tục.
d) Cấp bù 100% học phí cho học sinh, sinh viên học chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và tại cơ sở giáo dục đại học cho đến khi kết thúc khóa học.
đ) Thưởng 5.000.000 đồng/hộ thoát nghèo để phát triển sản xuất, kinh doanh.
3. Thời gian đăng ký và thực hiện thoát nghèo: 5 năm, từ năm 2017 đến hết năm 2021.
(trích Nghị quyết số 13 ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2021)
-----------------------------------
Bài cuối: Có nên tiếp tục chính sách?