Bên cạnh những tác động tích cực, Nghị quyết số 13 ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2016 - 2021) từ những con số cho thấy sự thiếu bền vững trong hỗ trợ thoát nghèo. Bản thân người nghèo nếu thiếu ý chí vươn lên, thì dù có tác động bằng hàng loạt chính sách cũng chỉ tạo ra sự ỷ lại, trông chờ, rồi chính sách cũng như “muối bỏ bể”. Vậy giai đoạn mới, khi chuẩn nghèo tăng, chính sách này có nên tiếp tục hay không?
Vỡ ra nhiều điều sau giám sát
Trong 5 năm qua (2017 - 2021), toàn tỉnh có 13.085 hộ được công nhận thoát nghèo và 13.925 hộ thoát cận nghèo, bình quân có 2.617 hộ thoát nghèo bền vững/năm (đạt tỷ lệ 72,69%) và 2.785 hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo bền vững/năm (đạt tỷ lệ 56,13%).
Kết quả này chưa đạt so với mục tiêu của Nghị quyết 13 đề ra (bình quân mỗi năm có khoảng 3.600 hộ nghèo và gần 5.000 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững). Lại có không ít hộ đã thoát nghèo nhưng sau rơi về diện hộ nghèo khi chuẩn đánh giá tăng, khiến cho hiệu quả thực hiện chính sách không như kỳ vọng.
Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, số hộ nghèo của giai đoạn 2016 - 2021 tập trung chủ yếu ở miền núi, điều kiện rất khó khăn, ý thức vươn lên thoát nghèo rất thấp; một số địa phương đưa ra con số nhưng thiếu giải pháp, nguồn lực hỗ trợ đồng bộ để hộ nghèo thực sự thoát nghèo bền vững.
Điều này dẫn đến khi chuẩn nghèo tăng về tiêu chí thu nhập và các tiêu chí tiếp cận đa chiều khác, ngay lập tức khu vực miền núi tỷ lệ hộ nghèo tăng lên gấp đôi so với chuẩn cũ. Ngoài ra, nguyên nhân khách quan là dịch bệnh, thiên tai trong 2 năm gần đây cũng đã tác động không ít đến kết quả giảm nghèo của tỉnh.
Tham gia đoàn giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh, ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nhìn nhận, hầu hết hộ đăng ký thoát nghèo bền vững để hưởng chính sách khuyến khích sau khi thoát nghèo đã nhanh chóng rơi trở lại diện nghèo thuộc trường hợp không chịu lao động dù có sức khỏe, cũng vay tiền theo chính sách hỗ trợ nhưng không biết làm gì và không có tư liệu sản xuất.
Lao động ở các hộ này còn có tâm lý không muốn đi làm, hoặc dù đang tuổi thanh niên mới lập gia đình nhưng chỉ muốn làm tại chỗ chứ không muốn đi xa nhà. Thời gian thực hiện cũng không phù hợp, khi đầu năm các địa phương tổ chức cho hộ nghèo đăng ký thì đến cuối năm đã nằm trong danh sách thoát nghèo, trong khi tư liệu sản xuất không có, nguồn lực đầu tư không có, ý thức vươn lên thấp thì lấy gì thoát nghèo? Điều đáng nói là những hộ không đăng ký mà tự thân phấn đấu lại thoát nghèo bền vững, dù không được hưởng chính sách khuyến khích của Nghị quyết 13.
Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tổ chức đánh giá, tổng kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 13 trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, nghiên cứu lồng ghép các chương trình, chính sách của Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo hướng tích hợp, lựa chọn phương thức tiếp cận, nội dung chính sách, đối tượng thụ hưởng phù hợp với thực tiễn để chính sách khi ban hành thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh nói, phải nhìn nhận, đánh giá một cách khoa học và thực tiễn, rằng việc ban hành chính sách khuyến khích theo hướng hỗ trợ trực tiếp, mang tính bao cấp như một số nội dung của Nghị quyết 13 đã ảnh hưởng đến hiệu quả và tác động tích cực của chính sách, tạo ra tâm lý của các hộ không đủ điều kiện thoát nghèo nhưng vẫn đăng ký để được hưởng chính sách.
Một bộ phận hộ dân trong thực tế không thuộc hộ nghèo nhưng được xã công nhận là hộ nghèo, khi có chính sách khuyến khích thoát nghèo lại đăng ký thoát nghèo để vừa được hưởng các chính sách của hộ, thôn, vừa đạt chỉ tiêu giảm nghèo của địa phương.
Theo bà Thu, việc giao chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm theo nghị quyết và chỉ tiêu giảm nghèo chung từ tỉnh đến thôn một số nơi chưa phù hợp đã tạo áp lực không nhỏ trong việc đăng ký, tổ chức thực hiện, bình xét hộ nghèo, thoát nghèo tại các địa phương.
Dẫn đến có trường hợp bắt buộc phải ra khỏi danh sách hộ nghèo cho dù không đủ điều kiện để thoát nghèo, không đăng ký thoát nghèo, để đạt chỉ tiêu giao theo năm kế hoạch. Đến khi Trung ương quy định tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn mới, các địa phương rà soát, những hộ này có “cơ hội” trở lại diện nghèo.
Đánh giá tổng thể, xem xét cẩn trọng
Sau đợt khảo sát thực tế trong hộ nghèo, địa phương nghèo, Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh khẳng định, một số địa phương thực hiện chưa đảm bảo theo tinh thần của Nghị quyết 13. Một số nơi đăng ký chưa đúng đối tượng, nhiều trường hợp đăng ký thoát nghèo nhưng không đủ điều kiện, không có phương án sản xuất kinh doanh, cá biệt có hộ trong độ tuổi thanh niên lười lao động, nhưng cuối năm vẫn được công nhận thoát nghèo bền vững.
Có nơi vì áp lực chỉ tiêu giao nên địa phương chọn hộ nghèo đưa vào danh sách đăng ký, vì vậy hộ được thoát nghèo hàng năm thiếu tính bền vững. Vẫn còn trường hợp có điều kiện, khả năng thoát nghèo nhưng không đăng ký thoát nghèo vì muốn tiếp tục hưởng các chế độ, chính sách hộ nghèo của Nhà nước; cũng có hộ đã thoát nghèo bền vững nhưng muốn quay lại hộ nghèo để hưởng chính sách về y tế và giáo dục.
Bà Trương Thị Lộc cho biết, về giai đoạn kế tiếp, trong kế hoạch của Sở LĐ-TB&XH sẽ tổ chức tọa đàm hoặc hội nghị để các địa phương cùng bàn bạc, phải làm chặt chẽ, chắc chắn, có cơ sở thực tế và địa phương phải làm được mới tiếp tục tham mưu ban hành chính sách phù hợp.
“Nghị quyết ban hành mà không hiệu quả, đối tượng không thụ hưởng được, không đạt được mục tiêu cuối cùng thì phải đánh giá lại để quyết định có nên tiếp tục hay không. Khi đánh giá một hộ nghèo phải đánh giá tổng thể tất cả tiêu chí, còn như hiện nay các địa phương vẫn đang nhầm lẫn giữa nghèo về thu nhập và nghèo về dịch vụ xã hội” - bà Lộc nói.
Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh nói, đợt giám sát của ban đã đặt ra nhiều vấn đề về thực hiện chính sách ở cơ sở. Vấn đề cần quan tâm là hộ đã thoát nghèo nay rơi vào lại hộ nghèo quá nhiều, như thế Nghị quyết 13 hóa ra quay về điểm xuất phát.
“Chính sách là khuyến khích thoát nghèo bền vững, nhưng chỉ cần chuẩn nghèo tăng lên thì ngay lập tức rơi vào hộ nghèo, vậy sao gọi là bền vững. Hay là nội hàm chính là ở hộ nghèo đó vốn không đủ điều kiện để thoát nghèo bền vững, nhưng vì chỉ tiêu giao hay vì lý do nào đó mà địa phương để họ thoát khỏi hộ nghèo, rồi nay khi chính sách, chuẩn thay đổi thì họ có cái cớ để lại rơi vào hộ nghèo.
Việc này các xã, huyện cần xem xét lại cụ thể để có câu trả lời thích đáng, như thế mới xem xét có nên tiếp tục chính sách hay không. Bởi, tiếp tục một chính sách đã không mang lại hiệu quả như mong đợi thì rất khó để thuyết phục” - bà Thu nói.