Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023: Khó giải ngân hết vốn

DIỄM LỆ 19/09/2023 07:44

Kỳ rà soát hộ nghèo năm 2023 đã đến nhưng hiện vẫn chưa có địa phương nào trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ giải ngân nguồn lực đầu tư năm 2023 của Chương trình giảm nghèo bền vững vượt 50%.

Đầu tư cho hộ nghèo miền núi thoát nghèo bền vững là cả quá trình lâu dài. Ảnh: D.L
Đầu tư cho hộ nghèo miền núi thoát nghèo bền vững là cả quá trình lâu dài. Ảnh: D.L

Tỷ lệ giải ngân đều dưới 50%

Đợt kiểm tra tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) của Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã qua 5 huyện miền núi cao của tỉnh, nhưng chưa huyện nào có tỷ lệ giải ngân đạt 50% nguồn lực đầu tư của các chương trình, trong đó có chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Cao nhất phải kể đến huyện Nam Trà My có tổng kế hoạch vốn năm 2023 là 82,235 tỷ đồng, giải ngân 39,930 tỷ đồng (48,47%).

Huyện Nam Giang đã giải ngân nguồn vốn đầu tư 37,472 tỷ đồng/92,534 tỷ đồng (40,5%), nguồn vốn sự nghiệp là 9,604 tỷ đồng/34,430 tỷ đồng (27,9%).

Huyện Phước Sơn thì nguồn vốn năm 2022 chuyển sang giải ngân chỉ mới 35%; vốn đầu tư năm 2023 tỷ lệ giải ngân ở các dự án chỉ có hơn 5%; vốn sự nghiệp năm 2022 chuyển sang giải ngân 34,19%; vốn 2023 chỉ mới giải ngân 1,050 tỷ đồng/hơn 35,448 tỷ đồng (2,96%), nhiều dự án, tiểu dự án đang triển khai thực hiện, chưa giải ngân được đồng nào.

Có thể thấy, tất cả dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tập trung đầu tư hạ tầng, ở các huyện miền núi đều có điểm chung là các công trình đang triển khai thi công khoảng 7 - 50% khối lượng, tiến độ còn chậm, do một số công trình bị ảnh hưởng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu tăng cao...

Các dự án đầu tư trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo như đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng... đều đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục hồ sơ, giao về các xã hoặc đơn vị được phân công nhiệm vụ chủ trì thực hiện dự án.

Các huyện hay tỉnh đều lo lắng nguồn vốn không giải ngân kịp thì sẽ lãng phí nguồn đầu tư, nhưng điều đáng lo hơn vẫn là tác động giảm nghèo bền vững từ các nguồn lực đầu tư chưa thể phát huy hiệu quả, tác dụng cho kỳ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 này.

Giảm nghèo bền vững là quá trình

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho hay đầu tư cho công cuộc thoát nghèo bền vững mang tính chất lâu dài, không thể nói rằng năm này đầu tư mô hình sinh kế thì sang năm họ có thể thoát nghèo.

Giảm nghèo đa chiều ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo như các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thì đầu tư trực tiếp cho hộ nghèo phải là một quá trình.

Ví dụ như đầu tư bò sinh sản, thì phải đầu tư tập trung được 4 - 5 con, giám sát, hướng dẫn họ nuôi đến khi sinh sản ra được bò con rồi bán, lúc đó mới sinh lời, mang lại nguồn thu. Thậm chí như đầu tư cây dược liệu cho hộ dân trồng thì cũng phải trải qua quá trình sinh trưởng, thu lại nguồn lợi tác động giúp thoát nghèo.

“Thế nên, việc đầu tư cho hộ nghèo năm 2022 và đặt ra mục tiêu thoát nghèo năm 2023 là khó khả thi. Bên cạnh đó, việc giao vốn, hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình từ Trung ương, tỉnh vẫn còn chậm nên gây khó khăn cho các địa phương miền núi trong giải ngân nguồn vốn đầu tư” - ông Mẫn nói.

Ông Mẫn nêu ví dụ, như dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện mới giải ngân 1,2% của tổng nguồn đầu tư hơn 7,8 tỷ đồng. UBND huyện giao UBND các xã thực hiện, đến nay đã phê duyệt 3 dự án hỗ trợ cộng đồng của xã Trà Don, các xã còn lại đang tiến hành xây dựng dự án và trình phê duyệt.

Ông Mẫn cho biết: “Nguyên nhân chậm giải ngân do bị vướng trong việc giải ngân theo quy định tại Thông tư số 46/2022 ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính về Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, quy định “Việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư, hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng tài sản: Thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu; đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan”.

Tuy nhiên, nội dung hỗ trợ thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo chủ yếu là cây con giống, mua trong nhân dân, nhưng hầu hết người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tiếp cận và thực hiện các nội dung rất khó khăn”.

Các huyện miền núi của tỉnh đều gặp khó khăn trong giải ngân nguồn vốn vì vướng quy định, vốn giao trễ, vì thế mà các mục tiêu đặt ra đều bị động trong thực hiện. Điều này tác động lớn đến việc đánh giá, rà soát số hộ giảm nghèo năm 2023 của các địa phương sắp được thực hiện trong tháng 11 tới.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023: Khó giải ngân hết vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO