Giảm nghèo - An sinh

Thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư ở miền núi Quảng Nam: Đánh giá lại nhu cầu, phân bổ chỉ tiêu hợp lý

NGUYÊN ĐOAN 04/07/2024 09:50

Thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư theo Nghị quyết số 23 ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023 mới có khoảng 2.080 hộ tham gia, so với chỉ tiêu nghị quyết chưa cao; các địa phương, sở liên quan kiến nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu số hộ sắp xếp, ổn định dân cư giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp điều kiện thực tiễn.

giam sat tai dong giang
Tổ đại biểu HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 23 tại huyện Đông Giang. Ảnh: T.T

Kiến nghị giảm hơn 50% chỉ tiêu

Tại cuộc làm việc với Thường trực HĐND tỉnh vừa qua, UBND huyện Đông Giang cho biết giai đoạn 2021 - 2025, theo Nghị quyết số 23 ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh, toàn huyện Đông Giang được phê duyệt hỗ trợ 914 hộ, với tổng kinh phí thực hiện gần 114,7 tỷ đồng.

Về tình hình triển khai thực hiện và giải ngân, chính quyền huyện Đông Giang cho biết, năm 2021 huyện thực hiện theo Nghị quyết số 12/2017 của HĐND tỉnh và do Nghị quyết 23 đến cuối tháng 7/2021 mới ra đời nên địa phương không có đối tượng điều chỉnh.

Từ năm 2022 đến tháng 6/2024, địa phương đã thực hiện hỗ trợ 149 hộ, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Qua rà soát nhu cầu thực tế trên địa bàn, UBND huyện kiến nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu theo Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 còn 330 hộ (giảm 584 hộ so với chỉ tiêu được duyệt là 914 hộ).

Giải trình về các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh, ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho rằng, quỹ đất để quy hoạch bố trí dân cư ngày càng khó khăn, độ dốc cao, do đó khối lượng đào đắp lớn, phải kè chống sạt lở mái taluy, chi phí đầu tư lớn.

Trong khi đó, việc chọn địa điểm quy hoạch bố trí dân cư do UBND cấp xã thực hiện, công tác đánh giá mức độ an toàn của các điểm tái định cư khi rà soát quy hoạch chủ yếu thực hiện theo kinh nghiệm... chưa có đủ cơ sở khoa học, dẫn đến một số điểm tái định cư có nguy cơ sạt lở.

Việc đăng ký chỉ tiêu thực hiện ở một số địa phương chưa đảm bảo theo tiêu chí định mức, đối tượng của Nghị quyết 23 và hướng dẫn tại Quyết định số 2405 ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh...

Ngoài ra, trên địa bàn huyện triển khai nhiều chương trình nhà ở, đất ở nên hầu hết hộ dân có xu hướng chuyển sang thực hiện làm nhà từ các chương trình này.

Vậy nên số hộ sống vùng có điều kiện khó khăn theo Nghị quyết 23 có chiều hướng giảm, nhưng số hộ thiên tai lại tăng sẽ là vấn đề khó của huyện khi thực hiện chỉ tiêu nghị quyết.

“Đông Giang kiến nghị tỉnh xem xét, ban hành cơ chế chính sách xây dựng các khu tái định cư tập trung cho 6 huyện miền núi cao vì hiện nay người dân thiếu đất ở không thực hiện xen ghép theo Nghị quyết số 23 được. Đa số hộ dân sống ở cheo leo sườn núi, có nguy cơ cao sạt lở, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân” - ông Phương nói.

Rà soát, đánh giá lại nhu cầu

Giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 23 tại các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang và Phước Sơn, đoàn giám sát Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 3 đánh giá, tổng số hộ sắp xếp, ổn định dân cư theo kế hoạch của 4 địa phương đã triển khai thực hiện từ năm 2021 đến tháng 9/2023 so với nhu cầu sắp xếp, ổn định dân cư của Nghị quyết số 23 là 732 hộ/3.157 hộ, mới chỉ đạt 23,2%.

Trong các hạn chế được nhìn nhận, theo đoàn giám sát, hiện tượng sạt lở đất ngày càng diễn biến phức tạp, dẫn đến việc lựa chọn địa điểm để bố trí dân cư đảm bảo ổn định lâu dài, an toàn với số lượng lớn rất cần các khu vực di dời, bố trí tập trung.

Nhưng tại Nghị quyết số 23 không quy định nội dung hỗ trợ xây dựng khu tái định cư tập trung nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện việc di dời, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư.

Theo đó, đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư các khu tái định cư tập trung, điểm tái định cư phòng chống thiên tai trên địa bàn miền núi theo hướng ít nhất mỗi năm xây dựng một khu dân cư (quy mô 40-70 hộ).

Qua đó giải quyết kịp thời số hộ dân bức xúc về nhà ở tại các vùng khó khăn, vùng thiên tai; giải quyết cơ bản vấn đề sắp xếp dân cư miền núi theo mục tiêu đề ra.

Ông Bhling Mia - Trưởng đoàn giám sát Tổ đại biểu HĐND tỉnh số 3 nói: “UBND tỉnh cần rà soát, đánh giá nhu cầu thực tế số hộ đăng ký sắp xếp, di dời dân cư của các huyện miền núi. Từ đó giao chỉ tiêu, kế hoạch, phân bổ kinh phí hợp lý cho các địa phương nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, sát với tình hình thực tiễn hiện nay”.

Sở NN&PTNT cho biết, chỉ tiêu số hộ sắp xếp ổn định dân cư theo Nghị quyết số 23 ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh là 7.821 hộ. Qua 3 năm (2021 - 2023) thực hiện, có khoảng 2.080 hộ tham gia, trong đó có 2.045 hộ thực hiện di dời chỗ ở.

Việc hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp nhằm đảm bảo an toàn đối với tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão.

Căn cứ thực tế nhu cầu, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh chỉ tiêu số hộ sắp xếp, ổn định dân cư giai đoạn 2021 - 2025 tại Nghị quyết số 23 từ 7.821 hộ xuống còn 4.691 hộ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư ở miền núi Quảng Nam: Đánh giá lại nhu cầu, phân bổ chỉ tiêu hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO