Thưởng, hoa hồng và bánh mì

NGUYỄN ĐIỆN NAM 27/12/2019 13:13

Tháng Chạp gõ cửa, chỉ ít ngày nữa là tới tết dương lịch, chào năm mới 2020. Chộn rộn nhất bây giờ là thông tin tiền thưởng sau một năm miệt mài lao động.

Tháng Chạp gõ cửa, chỉ ít ngày nữa là tới tết dương lịch, chào năm mới 2020. Chộn rộn nhất bây giờ là thông tin tiền thưởng sau một năm miệt mài lao động.

Mức thưởng thấp hẳn thuộc về số đông là người lao động trong các cơ quan đơn vị nhà nước. Dù đã cải cách nhiều nhưng thực tế cán bộ viên chức hiện cũng chỉ hưởng mức tiền thưởng kèm theo giấy khen, bằng khen khá khiêm tốn, thông thường được tính trên hệ số lương cơ sở (là 0,3 lần, gấp 1 hoặc 3 lần v.v.). Đơn vị hoạt động sự nghiệp có thu thì thêm được chút ít, còn hành chính “chay” chờ mấy đồng tiết kiệm chi cũng không bao nhiêu.

Còn ở khối doanh nghiệp (DN), chưa vui là ở Quảng Nam, theo công bố của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, mức thưởng bình quân chung của DN chỉ đạt 2,1 triệu đồng/người (giảm 22,7% so với năm 2019). Mức thưởng tết dương lịch bình quân cao nhất là các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ với 3,5 triệu đồng/người; tiếp đến các DN FDI, mức 3,4 triệu đồng; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, mức 1 triệu đồng; mức thưởng bình quân thấp nhất là các DN ngoài quốc doanh với 540 nghìn đồng. Bình quân là vậy, nhưng có sự chênh lệch khá lớn khi mức thưởng cao nhất thuộc về DN FDI với 80 triệu đồng/người song cũng có một số DN chỉ đưa ra mức thưởng 100.000 đồng/người.

Về thưởng Tết Nguyên đán - 2020, xem ra có khá hơn khi có 47/53 DN trong tỉnh báo cáo kế hoạch định thưởng cho 13.660 lao động, với mức bình quân 7 triệu đồng/người. Tuy vậy, đây vẫn là mức thấp hơn mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán Kỷ Hợi - 2019 gần 8%. Còn nhớ tết năm trước, mức thưởng cao nhất là 600 triệu đồng, nhưng nay thì cao nhất mới tới 500 triệu đồng (cũng thuộc DN FDI).

Xem mức thưởng liệu có thể đo được “sức khỏe” của DN giảm hay tăng và chuyện làm ăn còn khó khăn hay hanh thông? Nếu nói giảm cũng chưa chắc đúng vì thực tế có DN chỉ bớt một phần lợi nhuận cho khen thưởng động viên thôi, còn lại muốn dành nguồn lực tái đầu tư hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm tới. Nhưng nếu số thu ngân sách cũng tụt giảm thì nói DN khỏe hơn cũng không ổn. Bàn luận vậy thôi nhưng chắc phần đông người lao động phổ thông chỉ quan tâm thưởng càng nhiều càng tốt.

Thưởng cần sự công tâm, công bằng. Dân gian đã truyền tụng “công việc ở dưới chia lên, khen thưởng từ trên xuống dưới”. Một thời cuốc xẻng chia cho xã viên, còn đường sữa chia từ lãnh đạo hợp tác trở xuống, làm cho người ta bất bình. Nay đâu đó vẫn còn “di chứng” này, nhất là ở một số đơn vị, cơ quan nhà nước. Đối với DN thì việc đó rõ ràng hơn vì người ta tính sản lượng, năng suất sản phẩm và lợi nhuận làm ra để định mức thưởng. Tuy nhiên, vì “chi phí không chính thức” còn nhiêu khê nên cũng có DN hạch toán báo lỗ, tiền thưởng không còn bao nhiêu hoặc chẳng có đồng nào. So sánh các loại hình DN còn cảm nhận hình như những DN liên quan đến nhà nước thường thưởng thấp hơn DN FDI, vậy có phải do chi phí không chính thức của khối FDI ít hơn chăng?

Về sự chênh lệch, giữa mức cao nhất tới 3,5 tỷ đồng (như ở TP. Hồ Chí Minh), hay 80 triệu với mức thấp nhất là 100 nghìn đồng (như Quảng Nam), khiến nảy sinh nhiều trăn trở. Chắc chắn nỗi khao khát về vật chất sẽ kéo theo sự chuyển dịch lao động từ khu vực thưởng thấp đến thưởng cao. Bởi ai mà chịu được cảnh làm cả năm thưởng 100 nghìn đồng chỉ mua được nửa ký thịt heo và ít rau sống, thực là bèo nhèo, qua quýt!

Thưởng, dĩ nhiên cần có “hoa hồng”- tức giá trị động viên tinh thần, là sự ghi nhận, tôn trọng, nhưng trước tiên cần có “bánh mì” - tức giá trị vật chất. Ai cũng hiểu như vậy, nhưng thực tế có khi hai giá trị đó không hoàn toàn đạt được sự hài hòa nếu cách khen thưởng thiếu công tâm, công bằng, minh bạch và có chênh lệch quá lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thưởng, hoa hồng và bánh mì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO