Sau 2 năm đại dịch Covid-19, xu hướng mua sắm của người dân đang dần chuyển dịch qua các loại hình thương mại trực tuyến, đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị trong việc cạnh tranh với những “đối thủ” mới...
Áp lực thị trường
Dịp lễ Quốc khánh này, chị Nguyễn Thị Hải (phường Sơn Phong, TP.Hội An) tự thưởng cho mình một túi xách tay mới sau những ngày làm việc căng thẳng. Qua hơn một giờ lựa chọn trên các trang bán hàng online, cuối cùng chị cũng chọn được một túi xách da hiệu ELLY ưng ý.
“Mua trên mạng vừa có giá cả tốt vừa giúp tôi khỏi phải đi tới cửa hàng, thời gian đó dành cho việc nghỉ ngơi, đi chơi lễ” - chị Hải nói. Hơn 2 năm nay, mỗi khi muốn mua sắm gì chị Hải đều lên mạng “săn tìm”.
Theo chị Hải, hình thức này khá tiện lợi, chỉ cần ngồi nhà vẫn có thể chọn lựa được sản phẩm ưng ý, giá cả phù hợp, nếu siêng có thể săn được nhiều hàng khuyến mãi, giá ưu đãi.
Những năm gần đây, mua sắm online đã trở thành hoạt động thương mại quen thuộc. Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19, thương mại online trở nên nở rộ, thậm chí dần lấn át các hoạt động thương mại truyền thống.
Một số sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Lazada… dần trở thành nơi giao dịch của khách hàng trẻ tuổi khiến áp lực doanh thu lên các cửa hàng, siêu thị khá lớn.
Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ thừa nhận, khách tới siêu thị mua hàng đang có dấu hiệu sụt giảm, phần lớn rơi vào đối tượng khách hàng trẻ tuổi. “Trong đợt dịch bệnh vừa qua người ta chủ yếu mua online, thành thói quen nên bây giờ mình cũng khó có giải pháp khả dĩ nào” - bà Lai phân tích.
Để bắt kịp xu hướng, Co.opMart Tam Kỳ cũng triển khai hình thức bán hàng online nhưng hiệu quả không cao (chiếm khoảng 3 - 5% tổng doanh thu đơn vị).
Theo bà Lai, nguyên nhân chính do phần lớn hàng hóa bày bán tại siêu thị là sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm tươi sống, khách hàng chủ yếu phụ nữ trung niên hoặc lớn tuổi không quen sử dụng các phần mềm mua sắm trên điện thoại, nếu có cũng chỉ đặt hàng qua điện thoại hoặc các trang Facebook, Zalo… với những khách hàng này, siêu thị thực hiện chương trình miễn phí cước giao hàng với giá trị hàng hóa mua hơn 200 nghìn đồng.
Khó cạnh tranh
Thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt được xác định là xu thế chung. Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp phải thích ứng với hoạt động thương mại điện tử nếu không muốn bị tụt lại trong cuộc đua thị phần, bởi tâm lý tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi rất nhiều do sự bùng nổ của hạ tầng công nghệ và các thiết bị điện tử thông minh.
Thời gian qua cùng với việc khai trương sàn thương mại điện tử Quảng Nam, việc quảng bá, khuyến khích các hoạt động mua bán giao dịch trên sàn cũng đã được sở đẩy mạnh, khuyến khích doanh nghiệp, sản phẩm tham gia bước đầu mang lại kết quả tích cực.
Theo ông Huỳnh Duy Chương - Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Khôi Hưng, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị mini Giadamart Đà Nẵng, mặc dù thương mại điện tử rất quan trọng nhưng không phải doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng nào cũng thực hiện được vì đòi hỏi nhiều yếu tố, chưa kể khó có thể cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử lớn.
“Họ có sàn riêng, chuyên nghiệp, lực lượng nhân viên đông đảo, chính sách giá bán hàng linh hoạt theo đơn hàng, giờ cao điểm, giờ thấp điểm…, nên trước mắt mình khó thể cạnh tranh hoặc đẩy mạnh kênh bán hàng online, do đó chỉ tập trung lượng khách hàng truyền thống” - ông Chương chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, bà Trần Thị Như Lai nói, việc chọn lựa phân khúc khách hàng sẽ quyết định sự thành công của doanh nghiệp, vì vậy đẩy mạnh hình thức bán hàng online dù được xem là quan trọng đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng hình thức bán hàng trực tiếp vẫn là chủ đạo của đơn vị hiện nay.
“Năm 2022, Co.opMart Tam Kỳ đặt chỉ tiêu cho thương mại điện tử là 5% trong tổng doanh thu nhưng xem ra cũng rất khó, phải cần thời gian nhích dần lên” - bà Lai thừa nhận.