Công nghệ mới cho nghề cá xa bờ

NGUYỄN QUANG 16/06/2021 06:45

Hiệu quả của mô hình ứng dụng hệ thống tời thủy lực trong nghề lưới chụp và lưới rê tầng đáy là cơ sở để nghề cá Quảng Nam chú trọng ứng dụng công nghệ mới, kỳ vọng tăng giá trị kinh tế thu được sau mỗi chuyến biển xa bờ. 

Tời thủy lực lắp đặt trên tàu khai thác hải sản xa bờ của ngư dân Trần Công Ba (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành). Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tời thủy lực lắp đặt trên tàu khai thác hải sản xa bờ của ngư dân Trần Công Ba (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành). Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Hiệu quả tời thủy lực

Nghề lưới rê tầng đáy hay lưới rê 3 lớp được ngư dân trên địa bàn tỉnh học hỏi, du nhập về Quảng Nam, phát triển mạnh ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình. Điểm yếu của nghề này là ngư dân sản xuất thủ công khiến thời gian thực hiện mẻ lưới lâu, năng suất lao động, an toàn lao động thấp trong khi chi phí chuyến biển cao.

Giải quyết hạn chế này, ngư dân Trần Văn Chín (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) - chủ tàu cá QNa-92378 đã ứng dụng hệ thống tời thủy lực để tăng năng lực khai thác hải sản. Qua đó, mỗi chuyến biển của ông Chín giảm 2 lao động, sản lượng đánh bắt tăng thêm 1 tấn/chuyến biển nhờ giảm thời gian thu lưới, tăng thêm mẻ lưới.

“Sử dụng tời thủy lực thuận lợi trong sản xuất nên sản lượng tăng, chúng tôi thu được lợi nhuận khá. An toàn lao động cũng được đề cao. Hệ thống tời thủy lực hoạt động ổn định nên hiếm khi gặp trục trặc thu lưới” - ông Chín nói.

Nghề lưới chụp ngày càng “phủ sóng” trong sản xuất xa bờ của ngư dân các huyện Núi Thành, Thăng Bình. Khi sản xuất, ngư dân phải dùng tay để kéo dây và thu lưới nên hao tốn sức lại tiềm ẩn rủi ro trong điều kiện sóng gió lớn. Để giải quyết, nhiều ngư dân đã đầu tư lắp đặt máy tời thu lưới thủy lực. Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, hệ thống tời thủy lực còn có ưu điểm tháo lắp dễ dàng, dễ sử dụng.

Sau thời gian ứng dụng công nghệ mới trên tàu cá, ngư dân Trần Công Ba (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết: “Hệ thống tời thủy lực cho năng suất, sản lượng khai thác hải sản cao hơn trước. Nhờ thời gian thu lưới nhanh nên có thể trang bị thêm 150 cheo lưới trong vàn lưới, tăng hiệu quả khai thác mực. Hệ thống tời thủy lực có khả năng thay đổi tốc độ, đảo chiều quay, xoay chuyển nhanh nên kéo mực, cá lên tàu dễ dàng”.

Nhờ nhiều tính năng ưu việt của hệ thống tời thủy lực nên ở chuyến biển mới đây, tàu cá QNa-91718 của ngư dân Trần Công Ba thu được 8 tấn mực khô sau 20 ngày sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa, chủ tàu có nguồn thu 200 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia 20 triệu đồng.

Ứng dụng công nghệ mới

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, lĩnh vực khai thác hải sản phải có định hướng phát triển về khoa học - công nghệ theo hướng trọng tâm, trọng điểm.

Theo đó, Tổng cục Thủy sản nêu ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong thời gian tới. Các địa phương, trong đó có Quảng Nam cần quản lý chặt số lượng tàu cá và khuyến khích ngư dân nâng cao chất lượng tàu cá theo hướng đáp ứng các quy định về hầm bảo quản, trang thiết bị hàng hải trên tàu.

Đồng thời cần hiện đại hóa đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ bằng cách thay đổi công nghệ khai thác cũ, công nghệ dự báo cũ, trang thiết bị trên tàu cần hiện đại... Như vậy nghề cá mới nhanh chóng chuyển biến, chất lượng ngày càng tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT), việc ứng dụng công nghệ mới trong nghề cá xa bờ hiện nay có điểm yếu là nghiên cứu về công nghệ khai thác được tiếp cận dưới các góc độ riêng lẻ, trong từng chu kỳ ngắn hạn và thường được thực hiện theo đơn đặt hàng.

Do đó, mới chỉ giải quyết được những vấn đề phát sinh, thiếu định hướng lâu dài, nhất là nghiên cứu chuyên sâu, tập trung giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc, quan trọng của ngành. Ngoài ra, vốn đầu tư cho chuyển giao công nghệ mới nghề cá lớn, trong khi đó nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước còn ít.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam nói, với định hướng phát triển nghề khai thác hải sản bền vững nên địa phương đang huy động, tiếp cận nhiều nguồn vốn của tỉnh, Trung ương cũng như hỗ trợ từ quốc tế để đầu tư lớn hơn về lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới cho nghề cá, hướng đến chuyên nghiệp, hiện đại.

Ngoài giúp ngư dân tiếp cận, ứng dụng thành thạo hệ thống tời thủy lực, máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc..., tỉnh sẽ hỗ trợ ngư dân nắm bắt, sử dụng máy ra đa, máy tự động nhận dạng, các loại máy dò quét, kỳ vọng tăng sản lượng khai thác, tăng thu nhập của ngư dân sau mỗi chuyến biển xa bờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công nghệ mới cho nghề cá xa bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO