Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả nghề cá

NGUYỄN QUANG 11/06/2021 09:08

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc được Bộ NN&PTNT tổ chức hôm qua (10.6), các ngành chức năng, địa phương đã bàn giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản.

Ngư dân chuẩn bị cho chuyến vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân chuẩn bị cho chuyến vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều khó khăn

Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam đạt 48.590 tấn (57,24% kế hoạch). Tuy vậy, đến nay, toàn tỉnh vẫn chưa truy xuất được nguồn gốc hải sản để chế biến, xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính như châu Âu. Phần lớn hải sản được ngư dân bán cho các đầu nậu, vựa cá, thiếu liên kết với doanh nghiệp để tạo chuỗi cung ứng hải sản. Do vậy, giá trị hải sản sau khai thác vẫn chưa cao như kỳ vọng.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, nghề cá Quảng Nam đang gặp không ít khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kênh phân phối hải sản bị gián đoạn ở nhiều thị trường. Giá bán hải sản chất lượng cao cho các nhà hàng, khách sạn giảm sâu.

Cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chưa được tháo gỡ, trong khi đó, không ít ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn vượt quá ranh giới khai thác hải sản cho phép. Nhân lực nghề cá đang gặp khó cả về chất lượng lẫn số lượng. Nhiều tàu cá nằm bờ do thiếu bạn biển.

Ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào khai thác, bảo quản hải sản còn chậm nên hải sản vẫn còn bị hao hụt lớn. Không ít tàu cá chưa đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm.

Theo Sở NN&PTNT, cơ sở hậu cần nghề cá dù được quy hoạch nhưng nguồn lực đầu tư còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất. Việc duy tu bảo dưỡng định kỳ cho cảng cá, khu neo đậu tàu cá, âu thuyền còn hạn chế. Luồng lạch bị bồi lắng khiến tàu thuyền khó ra vào cảng Cửa Đại (Hội An) hay Khu neo đậu tàu cá An Hòa (Núi Thành).

Đáng nói hơn, nguồn lợi hải sản ở các vùng biển đang bị suy giảm mạnh khiến không ít chuyến biển của ngư dân đạt sản lượng thấp, chỉ thu đủ bù chi, có khi thua lỗ. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu hải sản (đơn vị duy nhất thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi phục vụ cho khai thác hải sản cả nước) cho rằng, công tác điều tra nguồn lợi mới chỉ dừng lại ở điều tra cơ bản, thiếu chuyên sâu. Các chuyến điều tra chưa đồng bộ về thời gian thực hiện, phương tiện, thiết bị điều tra còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

 Tìm giải pháp

Quảng Nam đề xuất với Bộ NN&PTNT thống nhất hệ thống tổ chức chi cục thủy sản, kiểm ngư, đăng kiểm tàu cá; chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt chẽ hơn chất lượng máy giám sát hành trình trên tàu cá; ban hành cơ sở pháp lý để xử lý trường hợp tàu cá vượt ranh giới cho phép khai thác hải sản nhưng chưa vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Cùng với đó, bố trí nguồn lực để đầu tư hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tàu cá tránh trú bão; xây dựng các chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên phạm vi toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, giải pháp để nâng cao giá trị hải sản là mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu hải sản, đa dạng hóa sản phẩm, nhất là sản phẩm đóng hộp, khô đi đôi với dự trữ nguyên liệu. Các địa phương cần tiêu thụ hải sản trong nước gắn với đẩy mạnh xuất khẩu ở các thị trường nhiều tiềm năng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc và kết nối lại chuỗi cung ứng hải sản toàn cầu. Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Ngành thủy sản sẽ triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành thủy sản. Các địa phương cần có chính sách thu hút nguồn lao động, cả trong khai thác, chế biến và tiêu thụ hải sản. Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp trong và ngoài nước để quảng bá, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ hải sản sau chế biến ở nước ngoài.

Đặc biệt, xây dựng phương án, kịch bản xuất khẩu hải sản, đáp ứng nhu cầu tăng cao sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Công tác điều tra, nghiên cứu, đánh giá tổng thể nguồn lợi hải sản ở các ngư trường, nhất là xa bờ sẽ được thực hiện đồng bộ, kỳ vọng hiệu quả hơn.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để nâng cao giá trị hải sản sau khai thác, các địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ ngư dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sơ chế, bảo quản hải sản sau khai thác.

Giải pháp quan trọng là xây dựng, áp dụng bộ tiêu chí phân loại chất lượng nguyên liệu hải sản, hình thành chợ đấu giá nhằm minh bạch hóa chất lượng hải sản và giá bán để tạo động lực giúp ngư dân đầu tư, áp dụng công nghệ sơ chế, bảo quản hải sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo các tiêu chí trong và ngoài nước. Các địa phương cần hình thành các khu, vùng chế biến hải sản lớn áp dụng công nghệ, thiết bị chế biến hải sản hiện đại, xuất khẩu, nâng cao giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả nghề cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO