Thủy sản

Tái cơ cấu đội tàu đánh bắt, Quảng Nam tăng hiệu quả khai thác hải sản

VIỆT NGUYỄN (nguyenquangviet08@gmail.com) 04/04/2025 09:10

Giảm phương tiện khai thác hải sản gần bờ, nâng cao hiệu quả sản xuất của đội tàu khai thác vùng khơi là cách tái cơ cấu đội tàu đánh bắt hải sản của Quảng Nam, hướng đến phát triển bền vững nghề cá.

tau ca
Tàu cá sản xuất xa bờ của ngư dân huyện Núi Thành cập cảng cá Tam Quang để bán hải sản. Ảnh: QUANG VIỆT

Giảm đánh bắt hải sản ven bờ

Toàn tỉnh hiện có 2.562 tàu cá, trong đó số phương tiện khai thác hải sản ven bờ là 1.504 chiếc. Trong khi số lượng tàu thuyền nhỏ khai thác ven bờ chiếm số lượng lớn thì công tác quản lý nghề cá nhỏ gặp rất nhiều khó khăn.

Ngư dân sản xuất ven bờ tự phát đi biển mà không thực hiện các quy định của nghề cá như đăng ký để ngành chức năng cấp giấy phép khai thác hải sản.

Do khu vực bãi ngang không có trạm kiểm soát biên phòng nên hoạt động của nghề cá ven bờ rất lỏng lẻo, tùy tiện. Đáng nói, ngư dân sản xuất ven bờ sử dụng các nghề tận diệt nguồn lợi hải sản như giã cào, pha xúc, lồng bẫy, thậm chí dùng mìn nổ, chích điện.

Ông Lê Xuân Tới - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh (Thăng Bình) cho rằng, có 2 cách để giảm nghề cá ven bờ là hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề bằng cách lên bờ làm dịch vụ, thương mại hoặc cải hoán phương tiện chuyển sang đánh bắt hải sản ở tuyến lộng.

“Hầu hết phương tiện đánh bắt hải sản ven bờ của địa phương nhỏ, rất khó cải hoán, nâng cấp để sản xuất ở tuyến lộng. Cách phù hợp là hỗ trợ ngư dân lên bờ lao động. Chúng tôi đã rà soát số phương tiện này, thu thập ý kiến của ngư dân và đã đề xuất với huyện, tỉnh có cơ chế hỗ trợ ngư dân lên bờ lao động như các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước đã thực hiện. Mong Quảng Nam có cơ chế này để bảo vệ nguồn lợi hải sản” - ông Tới nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ đang là nhiệm vụ rất cấp thiết trên địa bàn tỉnh. Vì vậy các địa phương có nghề cá quản lý chặt các phương tiện đánh bắt hải sản ven bờ, đối với các tàu thuyền chưa đăng ký, chưa được cấp phép thì tuyệt đối không cho xuất bến đi biển.

Ngành thủy sản, lực lương biên phòng phối hợp với kiểm ngư, cảnh sát biển thực hiện cao điểm ra quân kiểm soát chặt nghề cá, nhất là khu vực ven bờ, xử lý nghiêm các hành vi đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định, nhất là xử lý mạnh tay để răn đe các hành vi tận diệt nguồn lợi.

Nâng cao hiệu quả sản xuất xa bờ

Định hướng tái cơ cấu đội tàu đánh bắt hải sản của Quảng Nam là giảm tàu cá sản xuất ven bờ, tăng số lượng tàu cá khai thác hải sản xa bờ. Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đã trở thành “bà đỡ” giúp ngư dân trên địa bàn tỉnh vay vốn đóng tàu công suất lớn.

tau ca 2
Ngư dân Quảng Nam rất cần đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại trên tàu cá để tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: QUANG VIỆT

Ông Nguyễn Tiên Thạch - Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam kiêm thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam cho biết, từ lúc hoạt động đến nay, đơn vị đã giải ngân 193 tỷ đồng giúp ngư dân vay vốn đóng mới 123 tàu cá công suất lớn sản xuất ở các vùng biển xa của Tổ quốc. Trước đây, ngư dân chỉ được vay tối đa 1,5 tỷ đồng để đóng mới tàu cá công suất lớn thì nay số tiền cho vay đã tăng lên 2 tỷ đồng.

“Chúng tôi tạo mọi điều kiện để giúp ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn đánh bắt hải sản ở các vùng biển xa bờ” - ông Thạch nói.

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, định hướng phát triển nghề cá của địa phương là tiếp tục tăng đội tàu sản xuất xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Đến nay, toàn huyện Núi Thành có 336 tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ, chủ yếu ở 2 ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.

Đội tàu cá hoạt động xa bờ của huyện đóng góp hơn 35.000 tấn/47.000 tấn hải sản mỗi năm. Nhiệm vụ tái cơ cấu đội tàu cá của địa phương là giảm đội tàu nhỏ, tăng thêm và hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội tàu khai thác xa bờ.

Huyện Núi Thành tổ chức sản xuất nghề cá theo hướng mang lại giá trị lớn, bền vững hơn. Ở các tàu công suất lớn, ngư dân có điều kiện ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật, máy móc, thiết bị hàng hải hiện đại hơn để nâng cao năng lực sản xuất, tăng sản lượng, tăng hiệu quả kinh tế đem lại sau chuyến biển.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, hạn ngạch đóng tàu công suất lớn Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân bổ cho Quảng Nam là hơn 600 chiếc.

Hiện nay ngư dân trên địa bàn tỉnh sở hữu 584 tàu cá sản xuất xa bờ nên các ngư dân có nhu cầu có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đóng tàu cá lớn.

“Cùng với khuyến khích ngư dân đóng tàu cá công suất lớn, Quảng Nam cũng vận động ngư dân đầu tư hầm bảo quản P.U, máy dò cá đứng, máy dò cá ngang, thiết bị liên lạc tầm xa, tầm trung, tầm ngắn, tời thủy lực… để nâng cao khả năng đánh bắt, bảo quản hải sản để tăng hiệu quả kinh tế thu được sau chuyến biển” - ông Toàn nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tái cơ cấu đội tàu đánh bắt, Quảng Nam tăng hiệu quả khai thác hải sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO