Giảm nghèo - An sinh

Tích cực tháo gỡ khó khăn, Quảng Nam quyết tâm xóa xong nhà tạm

ĐÔNG ANH 25/10/2024 08:33

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

dsc06364.jpg
Quang cảnh Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo công tác xóa nhà tạm tỉnh. Ảnh: TÂM ĐAN

Ngày 23/10, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết - Trưởng ban Chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025 chủ trì Phiên họp lần thứ ba của Ban chỉ đạo. Phiên họp có sự tham dự của đại diện thường trực 18 huyện, thị, thành ủy và UBND cấp huyện.

Vùng cao thiếu cát, sạn

Báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác xóa nhà tạm tại địa phương, ông Bling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, trong năm 2024 - 2025 huyện Tây Giang thực hiện mục tiêu xóa 943 nhà tạm. Đến ngày 23/10, toàn huyện đã làm được 260 nhà. Kinh phí tỉnh phân bổ đến nay gần 30 tỷ đồng, dự kiến năm 2025 cần khoảng 32 tỷ đồng để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết trao 120 triệu đồng của Thường trực Tỉnh ủy hỗ trợ huyện Hiệp Đức xóa nhà tạm. Ảnh: V.ANH
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết trao 120 triệu đồng của Thường trực Tỉnh ủy hỗ trợ huyện Hiệp Đức xóa nhà tạm. Ảnh: V.ANH

Tuy nhiên, lo lắng nhất hiện nay của Tây Giang không phải về kinh phí mà là nguồn vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát, sạn. Theo ông Mia, người dân có tiền mua gạch nhưng lại không có cát để xây, để tô. Trong khi, cát dưới sông, suối rất nhiều nhưng không thể khai thác vì pháp luật không cho phép.

Ở miền núi, cát sạn dưới lòng sông, suối rất nhiều nhưng chỉ nhìn thôi chứ không làm gì được. Trong khi cát chở từ đồng bằng lên, có lúc mỗi mét khối lên đến 500 nghìn đồng.

(Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - Lê Văn Tuấn)

Từ thực tế đó, ông Mia kiến nghị tỉnh cho cơ chế để các hộ dân thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát được phép tận thu khai thác cát, sạn lòng sông, suối…

“Việc tận thu cát, sạn sẽ giao Ban giám sát nhân dân, tổ giám sát quản lý theo thời gian, khối lượng… Đồng thời cấp ủy, bí thư cấp ủy cơ sở phải cam kết, chịu trách nhiệm nếu để người dân lợi dụng khai thác bán cát trái phép. Có như vậy mới hoàn thành được công tác xóa nhà tạm” - ông Bling Mia đề xuất.

Ý kiến của ông Bling Mia được lãnh đạo các huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My... đồng tình. Theo ông Avô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh nên cho phép người dân tự khai thác cát để xóa nhà tạm, nhưng mỗi hộ phải đăng ký số lượng và thôn, xã xác nhận để quản lý.

Lãnh đạo các địa phương còn phản ánh về sự thiếu thống nhất trong số liệu xóa nhà tạm, đồng thời kiến nghị tỉnh chỉ đạo thống nhất đầu mối cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm số liệu để thực hiện.

Các địa phương đang nỗ lực triển khai công tác xóa nhà tạm. Ảnh: V.ANH
Các địa phương đang nỗ lực triển khai công tác xóa nhà tạm. Ảnh: V.ANH

Giao việc cụ thể

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh, vấn đề vật liệu xây dựng nhà ở miền núi không chỉ có cát, sạn mà còn cả gỗ làm nhà. Với hàng nghìn ngôi nhà sẽ được xây dựng ở miền núi trong thời gian đến, tỉnh và các địa phương cần tính đến câu chuyện quản lý, bảo vệ rừng đồng thời cũng phải có giải pháp để người dân có vật liệu làm nhà.

Ông Bùi Ngọc Ảnh - Giám đốc Sở TN-MT chia sẻ với những khó khăn của các địa phương miền núi về vấn đề cát, sạn phục vụ người dân làm nhà ở. Tuy nhiên, về cơ chế, tỉnh không thể thống nhất bằng văn bản, vì trái quy định. Thành viên Ban chỉ đạo cũng bày tỏ lo ngại về việc quản lý khi cho phép người dân tận thu cát, sạn ở lòng sông, suối khu vực miền núi.

Liên quan đến việc số liệu nhà tạm thiếu thống nhất, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, thành rà soát, thống kê đối tượng, cập nhật danh sách và phê duyệt danh sách từng địa phương. Từ đó UBND tỉnh phê duyệt danh sách toàn tỉnh và thống nhất kế hoạch chi tiết phân bổ kinh phí từ các nguồn khác nhau.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị thành viên Ban chỉ đạo tích cực nghiên cứu, tham mưu các nội dung liên quan. Trong đó, về đầu mối báo cáo số liệu, Sở Xây dựng chủ trì, cập nhật, báo cáo UBND tỉnh và ban chỉ đạo theo biểu mẫu thống nhất từ tỉnh đến huyện. Sở LĐTB&XH chủ trì tham mưu phân bổ kinh phí. Sở TN-MT tập trung tham mưu xử lý về vật liệu xây dựng; linh hoạt, tính toán phương án phù hợp để không phát sinh những vấn đề xã hội.

Về phân bổ nguồn xã hội hóa, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, qua rà soát hiện nay tỉnh cơ bản đã đảm bảo nguồn lực thực hiện xóa nhà tạm, vấn đề là cách làm như thế nào cho hiệu quả.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải xác định, ưu tiên tập trung thực hiện nhiệm vụ này với tinh thần cao nhất. Sớm thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo cấp huyện do bí thư cấp ủy làm trưởng ban. Tập trung rà soát đối tượng, phê duyệt danh sách, đảm bảo không trùng lắp và cập nhật theo biểu mẫu hướng dẫn...

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 10.945 hộ người có công, thân nhân liệt sĩ và hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến tháng 10/2024, tổng số nhà đã khởi công, hoàn thành xây dựng, sửa chữa là 4.410 (đạt 40%). Đến 21/10, toàn tỉnh đã tiếp nhận hỗ trợ hơn 46,5 tỷ đồng (cấp tỉnh hơn 37,6 tỷ đồng, cấp huyện hơn 8,8 tỷ đồng).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tích cực tháo gỡ khó khăn, Quảng Nam quyết tâm xóa xong nhà tạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO