Hồ sơ - Tư liệu

Tiếng vọng từ một ngôi làng

NGUYỄN VĂN HÀ 17/03/2024 08:45

Làng Hà Lam xưa là nơi đóng phủ lỵ, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Lễ Dương và cả phủ Thăng Bình.

b47c30f1-a765-4043-8e49-a2177ed579b7.jpg
Nhà thờ tiền hiền Hà Lam - công trình kiến trúc lớn nhất của làng Hà Lam xưa còn đến ngày nay. Ảnh: GIANG BIÊN

Làng mở...

Theo sổ bộ quản lý đất đai trước 1975, Hà Lam có diện tích 2.650 mẫu ta (1.325 ha). Ngoài ra, “Hà Lam xã chí” chép lại, làng này còn sở hữu đất đai - tức là có đứng bộ điền tại Cù Lao Chàm (Hội An), Hương Lam (Hòa Vang), An Phú - Dục Túy (Bình Giang), Hà Châu (Bình Phú), Đồng Đức (Bình Định), Vinh Huy (Bình Trị) và Phường Rạnh - Trung Yên (Nông Sơn). Con dân các họ tộc sống tại đó vẫn còn giữ quan hệ với tộc chính tại Hà Lam.

Hà Lam xưa là một kết cấu đa dạng. Không chỉ có vùng trung tâm, đất này còn có các vùng “giao canh”, các “trại điền”- tức là chiếm hữu thêm các vùng khác, tạo thế đứng để phát triển. Do đó, làng Hà Lam không chỉ đóng khung trong giới hạn thông thường, mà có vị trí - tầm vóc là một làng mở, bao quát, quy hoạch trên phạm vi rộng cả phủ và huyện.

Nhà thờ tiền hiền Hà Lam là một trong số các công trình kiến trúc lớn nhất tồn tại đến hôm nay từ làng Hà Lam xưa. Đây là thiết chế văn hóa gắn liền với lịch sử tồn tại và phát triển của làng. Tháng 11/2023, nhà thờ tiền hiền Hà Lam cùng những giá trị về lịch sử - văn hóa đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh.

Làng có hình thái tự nhiên đa dạng, có núi Dê, cồn Tiên Nông, rừng Ông Lược, rừng Chùa, rừng Ông Phương... Giữa làng có bàu nước rộng là nơi “thủy tụ”, có đập và khe suối dẫn nước từ sông Ly Ly về cũng như hệ thống mương thủy lợi dẫn nước đi khắp các cánh đồng trong làng.

Từ những nhận diện trên, có thể thấy Hà Lam xưa là một mô hình kinh tế - xã hội tự chủ được quy hoạch hết sức bài bản, khoa học. Tiền nhân xưa đã chú ý đến quy hoạch vùng: có đồng bằng trung tâm; có cửa sông (Bến Tàu- An Phú, Dục Túy ở Bình Giang); có vùng biển (Cù Lao Chàm); có vùng trung du - miền núi (Vinh Huy, Đồng Đức, Phường Rạnh...).

Cách thức tổ chức ấy vừa duy trì được sự phát triển bền vững nội tại của làng, vừa tạo động lực để hướng ra bên ngoài cũng như hội tụ được thế mạnh các vùng theo cả 4 hướng: Đông - Tây - Nam - Bắc.

Môi trường sống đẹp

Nền nếp, trật tự cùng thuần phong mỹ tục của các tộc họ tạo bản sắc của cư dân Hà Lam. Tính đến trước năm 1975, làng Hà Lam có 39 họ tộc.

Đến đầu thế kỷ 19, khi triều Nguyễn thành lập, xã hội ổn định, người làng Hà Lam định hình nên môi trường sống đẹp. Từ tinh thần cộng đồng hòa hiếu, biết tôn trọng hương ước, quy ước chung đến bảo vệ của công, giữ gìn thanh danh của làng. Nhiều gương phẩm hạnh - tiết tháo, tiết hạnh, hảo tâm, hảo nghĩa xuất phát từ người làng.

Từ năm 1820, làng Hà Lam xưa đã lập “kho nghĩa thương” để dự trữ thóc lúa nhằm hỗ trợ, chẩn cấp cho dân nghèo. Họ cũng lập ra “học điền” để khuyến khích sự học...

Trong Bộ “Đại Nam liệt truyện”, “Đại Nam nhất thống chí” ghi lại những tấm gương góp công đầu trong việc khai thác, tạo dựng, phát triển xã hội của vùng đất này.

buc-hoanh-thien-tuc-kha-phong-do-vua-tu-duc-ban-phong-cho-lang-ha-lam-nam-1866..jpg
Bức hoành "Thiện Tục Khả Phong" do vua Tự Đức ban phong cho làng Hà Lam năm 1866.

Từ cụ Nguyễn Đạo được triều đình biểu dương là bậc “Nghĩa sĩ phẩm hạnh”; cụ Nguyễn Tạo làm quan được khen tặng “Liêm, Bình, Cần, Cán” đến cụ Hà Đình Nguyễn Thuật - quan đại thần trải 6 triều từ vua Tự Đức đến thời vua Duy Tân, từng 2 lần lãnh trọng trách đi sứ Trung Hoa và là người luôn quan tâm đến phong hóa, cảnh quan làng xã, khuyến dương thiện tục...

Những thành tựu to lớn của các bậc tiền bối, ngoài những nỗ lực tự thân, có lẽ một phần nhờ hun đúc từ truyền thống văn hóa, địa mạch phong thủy của làng. Cạnh đó, phải kể đến sự giúp đỡ, hỗ trợ của những vị quan tốt, vâng mệnh triều đình trấn nhậm phủ Thăng Hoa (Thăng Bình).

Đó là các vị như: Ngụy Khắc Đản, Nguyễn Chánh Thủ, Nguyễn Công Lai, Phạm Bá Phổ, Lê Chí Hàm. Công lao của các bậc tiền bối cũng là thành tựu của làng, trở thành truyền thống đáng tự hào của cả vùng đất Hà Lam.

Năm Tự Đức 19 (năm Bính Dần 1866), triều đình sắc phong cho làng Hà Lam xưa biển ngạch “Thiện tục khả phong” (tức là tục thiện đáng làm gương). Đây là một vinh dự không phải làng nào, nơi nào cũng có được.

Ngày nay, dù thiết chế làng xưa đã thay đổi, vai trò vị trí đã khác trước, song nền tảng văn hóa làng vẫn được giữ gìn và kế thừa. Những kết tinh văn hóa của làng Hà Lam xưa sẽ góp phần cho sự phát triển của đô thị Hà Lam và huyện Thăng Bình trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng vọng từ một ngôi làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO