Kinh tế du lịch phục hồi tăng tốc nhưng thu ngân sách ước không đạt và giải ngân vốn đầu tư công chậm là những gam màu đáng chú ý trong bức tranh kinh tế - xã hội Hội An năm 2023.
Hụt thu
Kinh tế du lịch tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong quá trình phục hồi, tăng tốc của TP.Hội An. Các chỉ số về du lịch rất ấn tượng, khép lại giai đoạn 2020 - 2022 lao đao. Năm 2023 tổng thu toàn ngành du lịch Hội An ước đạt 4.139 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với cùng kỳ.
Tổng lượng khách đến đô thị cổ đạt hơn 4 triệu lượt (tăng gần 100% so với cùng kỳ), trong đó có hơn 3,2 triệu lượt khách mua vé tham quan các điểm đến (tăng 130% so với cùng kỳ). Công suất sử dụng phòng đạt khoảng 50%.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Hội An có thể xem là điểm sáng phục hồi du lịch so với toàn quốc, nhất là trong khả năng thu hút khách quốc tế. Các chỉ số khá tin cậy bởi lượng khách quốc tế hay khách mua vé tham quan đều được thống kê đầy đủ, chính xác.
Thời gian qua, dù đang trong mùa thấp điểm và thời tiết không thuận lợi nhưng lượng khách tham quan, nhất là khách quốc tế, đến Hội An vẫn khá đều đặn, khoảng 5.000 - 6.000 lượt mỗi ngày”.
Trong 10 tháng của năm 2023, thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt hơn 759 tỷ đồng, chỉ đạt 51% so với dự toán và bằng 52% so với cùng kỳ. Theo chính quyền địa phương, dự kiến năm nay thành phố sẽ hụt thu khi số thu ước chỉ đạt khoảng 76% dự toán tỉnh giao (1.261 tỷ đồng). Theo ước tính của chính quyền TP.Hội An, đến hết năm 2023 thành phố sẽ chỉ giải ngân đạt 67% kế hoạch vốn giao đầu năm.
Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, điều đáng mừng là dự toán thu nội địa không bao gồm tiền sử dụng đất của Hội An năm nay dự kiến đạt 742 tỷ đồng, vượt dự toán được giao và cao hơn so với năm trước.
Đây là tín hiệu chứng tỏ sự khởi sắc trong tiến trình phục hồi kinh tế của thành phố. Còn hụt thu tiền sử dụng đất là thực trạng chung của cả tỉnh cũng như các địa phương cấp huyện khác chứ không riêng Hội An.
Dù vậy, ông Lâm Quang Thành - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, Hội An cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, bởi số liệu hiện tại cũng như ước thực hiện cả năm cho thấy Hội An đều ở dưới mức trung bình của tỉnh.
Cần thêm trợ lực
Dù tình hình kinh tế - xã hội có sự khởi sắc, tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo HĐND tỉnh, TP.Hội An đã có nhiều đề xuất, kiến nghị để củng cố nội lực, gia tăng nguồn lực tạo bước đột phá phát triển cho đô thị di sản.
Trong đó, có 3 nội dung vĩ mô, gồm: hoàn thành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 31 Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch; sớm thông qua Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Đô thị cổ Hội An để trình Chính phủ ban hành.
Ngoài đề nghị được bổ sung thêm 50 tỷ đồng kiến thiết thị chính, dịch vụ công ích và vận chuyển rác, Hội An tiếp tục đề nghị HĐND tỉnh không tính cân đối ngân sách, cho phép Hội An được sử dụng 50% nguồn thu từ phí tham quan nộp ngân sách để tu bổ, tôn tạo các di tích, đầu tư kết cấu hạ tầng phố cổ, đầu tư công trình hạ tầng phục vụ du lịch… và 50% còn lại chi các hoạt động văn hóa, lễ hội, quảng bá du lịch, bảo tồn di sản…
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, trước đây tỉnh không đưa nguồn thu từ vé tham quan vào cân đối ngân sách mà dành khoản này cho Hội An phục vụ tái đầu tư, nhưng đã có sự thay đổi trong vài năm gần đây. Trong điều kiện nguồn thu từ đất chật vật, rất mong tỉnh xem xét quay lại cơ chế như trước để Hội An có thêm nguồn lực bảo tồn, phát triển đô thị di sản.
Theo Sở Tài chính, nếu chưa có chính sách đặc thù cho Hội An thì vẫn phải điều hành theo quy định.
Vấn đề để lại 100% nguồn thu từ vé tham quan cho Hội An rất khó, tỉnh cũng đã nhiều lần kiến nghị với Trung ương cho phép thực hiện cơ chế này, tuy nhiên Bộ Tài chính không chấp thuận do theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí, khoản thu khác phải được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách Nhà nước nên không thể tách riêng khoản thu từ vé tham quan để tái đầu tư cho di sản.
Dù vậy, Bộ Tài chính đồng ý cho phần tăng thu so với dự toán giao hằng năm sẽ được để lại để phục vụ các hoạt động chi của địa phương.