Tiếp nối một chặng đường sáng tạo
Gần 3 tháng kể từ ngày khai mạc (ngày 3/3/2025), Trại sáng tác Văn học nghệ thuật Quảng Nam năm 2025 đã khép lại. Gần 300 tác phẩm có được không chỉ là thành quả của một đợt vận động sáng tác đặc biệt mà còn cho thấy tâm huyết, niềm say mê sáng tạo và tình yêu quê xứ của mỗi văn nghệ sĩ.

Tương tác sáng tạo
Trại sáng tác Văn học nghệ thuật (VHNT) Quảng Nam 2025 được gọi là đợt vận động sáng tác đặc biệt bởi lẽ, đây là lần đầu tiên trại được mở theo hình thức bán tập trung, với sự tham gia cùng lúc của hơn 50 hội viên nhiều chuyên ngành khác nhau.
Trại chỉ có một “đề bài” dùng chung cho các chuyên ngành: phản ảnh sự phát triển về mọi mặt của quê hương Quảng Nam sau 50 năm hòa bình. Thêm nữa, trại tổ chức đi thực tế tập trung chỉ trong 3 ngày, nhưng thời hạn của trại lại kéo dài gần 3 tháng để có những tác phẩm tốt nhất.
Theo nhà thơ Nguyễn Tấn Ái, Trại sáng tác VHNT Quảng Nam 2025 là trại đa ngành; ở đó anh được nhìn thấy cách thức tiếp cận thực tế, cách chọn góc nhìn của văn nghệ sĩ các chuyên ngành khác. “Mỗi lĩnh vực có một cách tiếp cận thực tế khác nhau. Dù khác, nhưng với tôi là rất bổ ích, vì tôi thấy ở đó những điều mới mẻ mà mình có thể tham khảo, học tập...” - nhà thơ Nguyễn Tấn Ái nói.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Văn An thì cho rằng, những gì thu nhận được và cả sự dịch chuyển trong suốt thời gian diễn ra trại sáng tác giúp anh hình dung và có cái nhìn rộng hơn về sự kết nối địa - văn hóa, về các vỉa trầm tích văn hóa, văn nghệ dân gian trên mảnh đất Quảng Nam.
Không chỉ được trải nghiệm, giao lưu, nhiều văn nghệ sĩ cho biết Trại sáng tác VHNT Quảng Nam 2025 còn tạo động lực, đem đến cho họ thêm nhiều năng lượng sáng tạo. Bởi vậy, khi kết thúc trại, hầu như ai cũng có tác phẩm để trình làng; cá biệt, một số trại viên có được tới 10 - 20 tác phẩm mới.
Nhờ bám sát “đề bài” và biết ngắm nhìn đời thực, hầu hết tác phẩm từ trại sáng tác lần này nóng hổi hơi thở cuộc sống. Vẻ đẹp của cảnh sắc quê hương cùng những kỳ vọng phát triển được chuyển tải sinh động trong những khung hình: “Mùa vàng trên đỉnh Ngọc Linh” của Lê Trọng Khang; “Soi bóng sông quê” của Nguyễn Điện Ngọc; “Hoàng hôn trên hồ Phú Ninh” của Nguyễn Hữu Tuấn; “Thành phố trong mây”, “Ký ức về đêm” của Huỳnh Hà; “Quà từ biển”, “Du lịch sinh thái” của Trần Công...
Những cảm nhận tinh khôi, những sắc thái tươi tắn ấy cũng là phông màu chính của nhiều tác phẩm mỹ thuật. Đó là những hình ảnh bình yên, gần gũi, thân thương trong “Bên mẹ”, “Tiếng sáo gọi bầy” (sơn dầu) của Hà Châu; trong “Nắng sớm” (sơn dầu) của Võ Văn Tuấn; là lòng biết ơn, niềm tự hào về quê hương kiên cường được khắc họa rõ nét trong “Từ cội nguồn di sản đến khát vọng bứt phá” (phù điêu tổng hợp) của Trần Đức...
Vẽ sắc màu quê hương
Với thơ và âm nhạc, hình ảnh, cảm xúc chủ đạo cũng là những sắc màu lấp lánh, no ấm và yên bình: “Ta dắt em xuôi ngược đường làng/ nhìn nương rẫy ngày mùa xanh màu nắng/ nghe trẻ con cười tiếng cồng chiêng lễ hội/ thắm buôn làng hoa gạo tháng Tư bay...” (Màu sông núi - thơ Mai Thanh Vinh); “Ai có về Quảng Nam quê tôi. Đồng lúa mênh mông, biền dâu xanh ngắt. Phù sa Thu Bồn bên bồi bên lở, thơm hạt gạo vàng nghĩa nặng tình thâm” (Gánh hồn quê - thơ Vạn Lộc, nhạc Nguyễn Huy Hùng).

Đặc biệt, sự chuyển mình của quê hương sau 50 năm kết thúc chiến tranh là đề tài được nhiều người khai thác. “Đi trên con đường mẹ tôi/ Đồng ruộng ngàn năm đánh giặc/ Lúa đông xuân vừa kịp dậy thì” (Trên những chốn xưa - thơ Hồ Xoa).
“Trong hoang tàn sau bão tố phong ba là bài ca dựng xây cuộc đời mới, triệu bàn tay tháng năm dài vun xới, thắm tươi lại về cùng Tổ quốc ngàn hoa” (Cho khát vọng vươn xa - nhạc của Hồ Xuân Hương).
Đâu đó, cũng không thiếu niềm tự hào, kiêu hãnh rất thật và rất Quảng Nam: “Đất nước rồi đổi thay/ Hình thế rồi đổi thay/ Những anh hồn thì bất tử/ Bất tử như máu của những người liệt sĩ/ Như Ngọc Linh/ Như Thu Bồn/ Như đất đã mở ra từ năm một ngàn bốn trăm bảy mốt/ Thiêng liêng Quảng Nam/ Lẫm liệt Quảng Nam/ Vĩnh viễn Quảng Nam!...” (Thêm một lần, Quảng Nam - thơ Nguyễn Tấn Ái).
Câu chuyện về một “Quảng Nam ngày mới” - như chủ đề của trại sáng tác, còn được nối dài bởi một loạt bút ký, ghi chép, truyện ngắn, diễn ca bài chòi, khảo cứu, sưu tầm và cả lý luận phê bình.
Mỗi thể loại có một cách thức thể hiện riêng, nhưng đều chung một tâm thức văn hóa, chung niềm tự hào về truyền thống của đất và người xứ Quảng, chung niềm hân hoan trước những đổi thay của quê nhà, chung niềm tin tưởng và kỳ vọng ở tương lai...
Cũng vì thế, trại sáng tác kết thúc nhưng lại tiếp tục mở ra một chặng đường sáng tạo mới, đồng hành khát vọng vươn lên của mảnh đất “chưa mưa đà thấm”: “Quảng Nam ơi nơi tình yêu tỏa sáng cùng đất mẹ dựng xây những giấc mơ. Vững một lòng chung bước với thời đại, tiến vào kỷ nguyên rạng rỡ Quảng Nam” (Rạng rỡ Quảng Nam - nhạc Phan Văn Hùng).