(QNO) - Hôm nay 29.9, các địa phương, đơn vị tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 4, đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường.
* Ngày 29.9, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục sạt lở trên tuyến ĐH3.
ĐH3 là tuyến đường huyết mạch nối trung tâm huyện đến các thôn vùng sâu của xã Trà Cang, Trà Linh. Mưa lớn vừa qua khiến hơn 2.000m3 đất đá đổ xuống lấp toàn bộ mặt đường, cô lập 3 khu dân cư với 180 hộ dân thuộc thôn 1 và thôn 2 của xã Trà Cang. Sau khi sạt lở, chính quyền xã đã cắm biển cảnh báo không cho người dân qua lại.
Ông Trần Văn Mẫn cho biết, trước mắt sẽ huy động máy móc để thông tuyến bước 1, đảm bảo cho người dân qua lại cũng như lưu thông hàng hóa. Về lâu dài, đoạn này phải được kiến cố vì nguy cơ tiếp tục sạt lở rất lớn. Huyện cũng sẽ kè chắn đảm bảo vì đây là tuyến đường độc đạo đi thôn 1, thôn 2 của xã Trà Cang.
* Tại Nam Giang, ngay sau khi nước lũ rút, sáng nay 29.9, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Tại thôn Ga Lêê (xã Tà Bhing), cùng với người thân các hộ bị nước lũ tràn vào nhà ngày hôm trước, cộng đồng Cơ Tu tại địa phương đã góp sức hỗ trợ nạo vét bùn đất, vận chuyển đồ đạc trở lại vị trí cũ.
Anh Coor Ứi - một người dân địa phương cho hay, không chỉ giúp nhau dọn dẹp nhà cửa sau mưa lũ, đồng bào còn tham gia khắc phục hậu quả thiên tai dọc các tuyến đường dân sinh. Đồng thời góp công vận chuyển vật liệu nhà, hỗ trợ lợp mái cho gia đình có nhà cửa bị bão tốc mái, gây hư hại.
Công việc giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ cũng được triển khai đồng loạt tại các thôn, xã của Nam Giang với sự giúp sức của lực lượng biên phòng, thanh niên, dân quân địa phương. Từ tinh thần đoàn kết cộng đồng, giúp đồng bào vùng cao vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị trên 2 tuyến biên giới, biển đảo cử lực lượng đến giúp dân khắc phục hậu quả bão số 4.
Trong 2 ngày nay, Đồn Biên phòng Cửa Đại (Hội An) huy động 20 cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng các lực lượng ở địa phương dọn dẹp cây cối ngã đổ để thông tuyến giao thông; giúp Trường Tiểu học Cẩm An (phường Cẩm An) lợp lại ngói bể do gió bão để học sinh sớm quay trở lại trường.
Trên tuyến biên giới Tây Giang, Đồn Biên phòng A Nông, A Xan… cũng khẩn trương giúp dân dọn dẹp nhà cửa, khắc phục đường giao thông hư hỏng để người dân được đi lại thuận tiện.
* Tại TP.Hội An, đến trưa nay nhiều khu vực trung tâm thành phố đã được cấp điện trở lại. Mực nước lũ trên sông Hoài sau khi đạt đỉnh vượt báo động 2 vào đêm qua (28.9) đã rút nhanh. Lực lượng chức năng và người dân địa phương đang tổng lực dọn dẹp cây cối, bùn đất sau lũ.
Thống kê của chính quyền thành phố, bão số 4 khiến hơn 750 cây xanh ngã đổ và gãy, hơn 30 nghìn chậu hoa cảnh và hơn 4.000 chậu quật cảnh hư hại. Hơn 20 cột điện lưới, điện chiếu sáng ngã đổ; 7 loa phóng thanh xã bị hư hại; 7 điểm trường tốc mái, sập la phông. Trụ sở UBND xã Tân Hiệp bị tốc mái một phần, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm tốc mái khoảng 30%.
* Theo số liệu thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Lộc, toàn huyện có 11 người bị thương, 60 nhà bị tốc mái do bão số 4. Trong đó, 4 nhà tốc mái hơn 70%, 8 nhà tốc mái 50-70%, 16 nhà tốc mái 30-50% và 32 nhà tốc mái dưới 30%.
Bão số 4 cũng làm ngã đổ, ngập úng 639ha chuối, cây ăn quả lâu năm và hơn 255ha hoa màu, cây hằng năm; 185 con gia cầm bị chết... Công tác khắc phục hậu quả đã và đang được huyện cùng các xã, thị trấn, đơn vị khẩn trương triển khai.
* Tại huyện Núi Thành, sáng nay thời riết khô ráo, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đã đến hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa.
Ngôi nhà bà Võ Thị Điệp (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) bị tốc mái hoàn toàn, mhiều vật dụng hư hỏng, hiện bà phải đi ở nhờ nhà hàng xóm. Được các cấp, ngành và tổ chức xã hội hỗ trợ sửa lại nhà, bà vô cùng cảm kích. Lãnh đạo xã Tam Giang thông tin, địa phương có 1 nhà bị sập hoàn toàn và 15 nhà bị tốc mái. Trước mắt, xã ưu tiên sửa chữa nhà ở để ổn định cuộc sống người dân sau bão.
Theo thống kê đến sáng nay 29.9, toàn huyện Núi Thành có 6 nhà bị sập và 297 nhà bị tốc mái do bão số 4.
* Ông Trịnh Ngọc An - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh thông tin, tính đến cuối ngày 28.9, bão số 4 khiến 5 người trên địa bàn huyện bị thương; 215 nhà bị thiệt hại, trong đó 2 nhà sập hoàn toàn, 52 nhà tốc mái hoàn toàn...
Bão cũng gây sạt lở, hư hại một số đường giao thông nông thôn, cầu dân sinh tại các xã Tam Thái, Tam Lộc, Tam Vinh. Gây tốc mái 23 phòng học, 6 nhà xe, 1 nhà ăn, 1 khu vui chơi; sập la phông 28 phòng học cùng nhiều cơ sở vật chất của ngành giáo dục…
Ngoài ra, nước ngập gây ướt 1,2 tấn lúa; trôi 20 con heo (30kg/con), 315 con vịt của người dân thị trấn Phú Thịnh. Xã Tam Thành bị thiệt hại khoảng 27,7ha cây trồng các loại. Các xã, thị trấn vẫn đang tiếp tục thống kê để làm cơ sở hỗ trợ người dân theo quy định.
Về công tác khắc phục, các địa phương đang tập trung xử lý cây cối lớn ngã đổ trên các tuyến đường. UBND huyện đang tổ chức khắc phục thông tuyến tại các vị trí sạt lở trên tuyến ĐH4 đoạn Tam Dân - Tam Lãnh, ĐT615 đoạn qua Tam Lộc, ĐH2 đoạn qua Tam Đại.
* Theo số liệu sáng nay của UBND huyện Tây Giang, bão số 4 làm 12 nhà trên tuyến đường số 01, thôn Agrồng, xã A Tiêng bị ngập nước 0,5-1,8m; tốc mái 21 nhà, 14 nhà bị ảnh hưởng sạt lở.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn C’toonh, xã A Vương bị ngập sâu 1m, giao thông vào huyện tạm thời bị chia cắt. Tuyến ĐH2 (từ A Tiêng đi cầu treo xã Dang) có 5 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông; tuyến ĐH3 bị sạt lở 3 điểm và đường dẫn hai bên cầu Z’rượt bị lũ cuốn trôi; tuyến ĐH4 sạt lở 8 điểm...
Ngành chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí sạt lở, ngập sâu, cầu cống bị cuốn trôi. Đồng thời vận động nhân dân ra quân thông tuyến tạm thời phục vụ đi lại bằng xe máy tại các tuyến ĐH và đường giao thông nông thôn bị sạt lở.