Môi trường

Tìm hướng giải quyết tình trạng chăn thả gia súc trong lâm phận Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi

T.CÔNG 03/05/2024 16:00

Một cuộc đối thoại nhằm làm rõ xung đột giữa tình trạng chăn thả gia súc trong lâm phận Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi với công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học vừa được các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức tại huyện Nông Sơn.

toan-canh-hoi-thao.jpg
Các bên tham dự diễn đàn đối thoại. Ảnh: THẠCH THẢO

Đây là diễn đàn đối thoại lần thứ hai với chủ đề “Chăn thả gia súc trong Khu bảo tồn - Các giải pháp giải quyết thực trạng chăn thả gia súc trong khu bảo tồn hướng tới sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”, do Hội đồng quản lý đa ngành trong cơ chế hợp tác quản lý bảo vệ rừng Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn tổ chức.

Diễn đàn được hỗ trợ kỹ thuật bởi Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

chia-se-cac-ben-tai-hoi-thao.jpg
Nhiều ý kiến được đề cập, trao đổi tại diễn đàn nhằm tìm sự đồng thuận và đề xuất các giải pháp. Ảnh: THẠCH THẢO

Theo báo cáo, tổng đàn gia súc thả rông ước tính khoảng 850 con, là tài sản của hơn 70 hộ gia đình tại xã Phước Ninh và xã Quế Lâm. Việc chăn thả gia súc trái phép trong khu bảo tồn đã diễn ra từ lâu, gây tác động xấu tới hệ sinh thái rừng, môi trường sống của động vật hoang dã.

Ngoài ra, hoạt động này còn làm ô nhiễm nguồn nước, suy giảm đa dạng sinh học và tạo tác động xấu đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại địa phương.

Diễn đàn là cơ hội đối thoại giữa nhiều bên, nhằm tìm tiếng nói chung, sự đồng thuận và hợp tác toàn diện để giải quyết mâu thuẫn, xung đột nảy sinh trong việc duy trì sinh kế người dân với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Các giải pháp được đề xuất, nhằm hỗ trợ bền vững cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng trong vùng đệm khu bảo tồn, đề ra lộ trình thực hiện và vai trò tham gia của các bên có liên quan.

hinh-anh-dan-trau-duoc-ghi-lai-qua-bay-anh.jpg
Hình ảnh gia súc thả rông được ghi lại qua bẫy ảnh.

Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho hay, diễn đàn đối thoại lần thứ hai là cơ hội để chính quyền địa phương đặt mình vào vị trí của các hộ gia đình sống phụ thuộc vào rừng.

“Lắng nghe bà con và ý kiến của các bên, chúng tôi có cái nhìn đa chiều hơn về công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đây được coi là bước đệm để tạo ra các giải pháp mang tính bền vững không chỉ hỗ trợ sinh kế cho người dân sống phụ thuộc vào rừng mà còn góp phần thực hiện sứ mệnh lớn lao là bảo tồn đa dạng sinh học” - ông Tùng nói.

Diễn đàn đã đi đến thống nhất: Các hộ có số lượng gia súc dưới 10 con, có đất làm chuồng, trồng cỏ và các hộ chăn nuôi số lượng lớn dựng trại trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt cần bắt buộc di dời.

Phòng NN&PTNT, cùng Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn sẽ hỗ trợ làm chuồng trại, kỹ thuật trồng cỏ và dịch vụ thú y cho các hộ di dời này.

Đối với 7 hộ đang chăn thả trong khu vực rừng trồng, cho phép làm chuồng tạm tại vị trí giáp ranh được chỉ định bởi khu bảo tồn để thu gom hết đàn trâu bò và di dời sang nơi khác. Vị trí chăn thả mới sẽ được thảo luận thống nhất giữa khu bảo tồn và chính quyền các xã Phước Ninh, Quế Lâm.

Ngoài ra, Ban Quản lý khu bảo tồn sẽ phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm huyện và các UBND các xã, ban ngành liên quan khác lên phương án thực hiện với tiến độ cụ thể, phối hợp với nhóm giám sát quản lý và theo dõi chặt chẽ việc thực hiện, báo cáo Hội đồng quản lý đa ngành trong cơ chế hợp tác quản lý bảo vệ rừng Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi huyện Nông Sơn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm hướng giải quyết tình trạng chăn thả gia súc trong lâm phận Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO