(QNO) - Việc mở rộng lâm phận Khu bảo tồn loài Sao la được đơn vị, địa phương và cộng đồng ở hai huyện Tây Giang và Đông Giang đồng thuận cao, để bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu.
Tính cấp thiết
Ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Khu bảo tồn loài Sao la cho biết khu được thành lập vào năm 2011, tổng diện tích tự nhiên là 15.486,46ha trên địa bàn 2 huyện Đông Giang và Tây Giang. Trong đó, diện tích đất có rừng là 15.413,22ha (rừng đặc dụng), gồm 15.411ha rừng tự nhiên và 2,22ha rừng trồng); diện tích đất chưa có rừng là 73,24ha.
Đây là vùng có sinh cảnh tốt, phù hợp để bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc biệt là các loài thú móng guốc. Trong đó, loài sao la đang được khu bảo tồn phối hợp với các đơn vị chuyên môn, tổ chức phi chính phủ tìm kiếm dấu vết trong nhiều năm qua.
Song, diện tích khu bảo tồn hiện khá nhỏ, chưa quy hoạch các phân khu chức năng. Điều này gây khó khăn cho công tác bảo tồn và khó đáp ứng mục tiêu bảo tồn loài sao la cũng như các loài thú quý hiếm, đặc hữu khác.
“Việc mở rộng Khu bảo tồn loài Sao la được thực hiện theo Quyết định số 72 của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/1/2024 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tiền đề để triển khai các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, nhất là bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ tại Khu bảo tồn loài Sao la” - ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, điều tích cực khi khu bảo tồn được mở rộng là cộng đồng vùng đệm của rừng đặc dụng sẽ được hưởng lợi. Theo Điều 8, Nghị định 58 của Chính phủ về chính sách đầu tư trong lâm nghiệp thì người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng sẽ được hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng/cộng đồng/năm để phát triển sinh kế, cải thiện đời sống. Đồng thời mở ra cơ hội để người dân được tiếp cận các nguồn sinh kế thông qua các dự án của tổ chức phi chính phủ; tiếp cận, cập nhật kiến thức bảo tồn đối với rừng đặc dụng để nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
[VIDEO] - Nhân viên Khu bảo tồn loài Sao la tuần tra bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học:
Đủ cơ sở pháp lý mở rộng khu bảo tồn
Để tìm kiếm sự đồng thuận của cộng đồng đối với Đề án mở rộng Khu bảo tồn loài Sao la, năm 2024, Ban quản lý Khu bảo tồn loài Sao la phối hợp với Dự án CarBi 2, Hạt Kiểm lâm 2 huyện Đông Giang, Tây Giang tổ chức 2 cuộc hội hội thảo với 17 cộng đồng (thuộc 2 huyện Đông Giang, Tây Giang). Đồng thời tổ chức các cuộc họp tham vấn, cung cấp thông tin liên quan đến đề án và thảo luận ra quyết định đồng thuận tại cộng đồng. Kết quả, tỷ lệ đồng thuận đạt 96,82%.
Mới đây, UBND huyện Tây Giang việc lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị , địa phương liên quan về Đề án mở rộng Khu bảo tồn loài Sao la thuộc khuôn khổ dự án “Dự trữ Carbon và bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2 tỉnh Quảng Nam”.
Theo đề án, lâm phận khu bảo tồn này sẽ mở rộng 3.608,91ha thuộc lâm phận các Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Giang và Đông Giang. Riêng tại Tây Giang, diện tích mở rộng khoảng 3.124,24ha, chủ yếu rừng tự nhiên và liền kề với lâm phận Khu bảo tồn loài Sao la hiện nay, thuộc 3 xã A Vương, Bhalêê, A Nông.
Kết quả buổi lấy ý kiến, 100% đại biểu thống nhất với Đề án mở rộng lâm phận Khu bảo tồn loài Sao la. Ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Giang cho biết, trong những năm qua, Khu bảo tồn loài Sao la thực hiện rất tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Việc mở rộng lâm phận sẽ là điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát huy hiệu quả bảo tồn, nâng cao sinh kế cho người dân.
“Hiện nay cơ sở pháp lý từ trung ương đến địa phương đã đầy đủ. Địa phương đang nỗ lực hoàn thành các bước cuối cùng để trình các thẩm quyền liên quan thông qua Đề án mở rộng Khu bảo tồn loài Sao la” - ông Phương cho biết.
Vấn đề đặt ra khi mở rộng khu bảo tồn là vùng đệm còn nhiều diện tích đất canh tác, sinh hoạt lâu đời của người dân địa phương. Đây là các cộng đồng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, sinh kế vẫn phụ thuộc vào rừng, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Phương đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về đề án. Đồng thời chuyển đổi sinh kế phù hợp để giảm thiểu tác động của người dân vào rừng; kêu gọi sự chung tay của người dân trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
[VIDEO] - Ông Lê Hoàng Sơn – Giám đốc Khu bảo tồn loài Sao la chia sẻ về lợi ích của cộng đồng khi khu bảo tồn được mở rộng: