(QNO) - Làm sao để các doanh nghiệp khởi nghiệp Quảng Nam mạnh dạn tiếp cận thị trường phía Nam và thay đổi tư duy kinh doanh là những vấn đề được đưa ra bàn luận sôi nổi tại Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia với chủ đề "Nâng cao năng lực lãnh đạo hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển địa phương" diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh vào sáng 19/7.
Chương trình này thuộc Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh lần thứ II, nằm trong khuôn khổ Lễ hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh năm 2024. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, ông Mai Phúc - Chủ tịch Hội đồng hương (HĐH) Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh, lãnh đạo ban chấp hành HĐH Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia khởi nghiệp nước ngoài và gần 100 chủ thể khởi nghiệp Quảng Nam.
Tạo lập thị trường miền Nam
Phát biểu mở đầu diễn đàn, ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, thế mạnh để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương là tài nguyên bản địa (tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá) tạo thành lợi thế cạnh tranh. Nhu cầu thị trường đang có xu hướng chuyển sang sử dụng những sản phẩm dịch vụ không chỉ đáp ứng yêu cầu cơ bản mà còn muốn sở hữu thêm các yếu tố vô hình khác, như văn hoá bản địa, câu chuyện đằng sau những sản phẩm, dịch vụ đó.
Sau thành công của Ngày hội Khởi nghiệp Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh lần thứ I - năm 2021, vì một số nguyên nhân khách quan về dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế..., hôm nay, Quảng Nam tiếp tục tổ chức Ngày hội khởi nghiệp lần thứ II tại đây với mong muốn mang các sản phẩm vào giới thiệu đến bà con đồng hương, các doanh nghiệp, nhà phân phối phía Nam.
Thực tế cho thấy, từ những sự kiện kết nối, xúc tiến thương mại ở TP.Hồ Chí Minh, nhiều sản phẩm Quảng Nam đã vươn ra thị trường thế giới, đến các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Á... Trong đó có các sản phẩm của Bà Ba Hội, bánh dừa Bảo Linh, nhàu Best One, trầm hương...
[VIDEO] - Ông Phạm Ngọc Sinh chia sẻ về mục đích mà Quảng Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia tại TP.Hồ Chí Minh lần này:
"Tại diễn đàn hôm nay, có các chuyên gia khởi nghiệp, các doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi khẳng định tính cách người Quảng rất cầu thị, các doanh nghiệp khởi nghiệp, chủ thể OCOP ngồi đây rất muốn lắng nghe những kiến thức, dự báo và yêu cầu thực tiễn về thị trường miền Nam để hoàn thiện dự án, sản phẩm khởi nghiệp của mình. Những sản phẩm Quảng Nam được đưa vào đây giới thiệu với mong muốn tìm kiếm thị trường rộng hơn, tạo lập cơ sở để tiến tới những đơn hàng lớn, những hợp đồng lớn hơn" - ông Sinh khẳng định.
Ông Mai Phúc - Chủ tịch HĐH Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ song song. Doanh nghiệp cần báo chí để quảng bá sản phẩm, truyền thông chiến lược nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh doanh. Ngược lại, báo chí cũng cần doanh nghiệp, một kênh thông tin chính thống về thị trường, kinh tế để có những tác phẩm chính xác và thông tin kịp thời đến công chúng. Qua tìm hiểu, Việt Nam hiện có hơn 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng nhóm này lại là nhóm ít quan tâm tới lĩnh vực truyền thông nhất, họ cho rằng họ còn nhỏ thì chưa cần thiết phải truyền thông và đây là một suy nghĩ sai lầm.
[VIDEO] - Ông Mai Phúc chia sẻ về việc các doanh nghiệp cần làm truyền thông tại thị trường phía Nam:
"Báo chí đã và đang cung cấp khá nhiều thông tin quan trọng giúp các doanh nghiệp có thể nắm bắt, cập nhật được các xu hướng của thị trường hay tâm lý khách hàng. Và chính truyền thông nói chung và báo chí nói riêng sẽ mang những sản phẩm khởi nghiệp Quảng Nam đưa ra những thị trường lớn mà không cần tốn quá nhiều chi phí cho tiếp thị. Ví dụ, tại TP.Hồ Chí Minh, nếu trước đây, doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm vào thì phải tốn nhiều chi phí thuê mặt bằng, nhân sự, tiếp thị viên... Nhưng với truyền thông, chi phí này gần như rất thấp. Đây là cách tốt nhất để đưa sản phẩm xâm nhập thị trường miền Nam cũng như quốc tế" - ông Phúc nói.
Thay đổi tư duy lãnh đạo
Giáo sư KenBay - Nhà sáng lập Công ty Tiếng nói người bán hàng Singapore cho rằng, Việt Nam đang có tốc độ trẻ hoá dân số khá nhanh, số người trẻ trong tương lai của Việt Nam sẽ rất cao so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, để đất nước phát triển thì phải tập trung bổ sung kiến thức cho giới trẻ, họ sẽ là những nhà lãnh đạo trong tương lai với một số đặc trưng riêng biệt như am hiểu công nghệ, có trình độ học vấn cao, định hướng được giá trị, điểm mạnh của họ là chuyển đổi kỹ thuật số, đổi mới, khởi nghiệp. Đặc biệt, họ kỳ vọng cao về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
"Việt Nam có thế mạnh rất lớn về du lịch, công nghệ, tăng trưởng GDP ổn định, trong khi kinh tế thế giới suy sụp thì Việt Nam vẫn tăng trưởng 6,5%. Dân số trẻ và chi phí thiết lập tương đối thấp, giá nhân công cạnh tranh sẽ là những lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong tương lai. Vì vậy, chúng ta cần tập trung vào việc đầu tư cho thế hệ doanh nhân trẻ, tạo lập văn hoá kinh doanh, văn hoá khởi nghiệp. Tạo điều kiện để công nghệ phát triển, tập trung vào sự sáng tạo, thay đổi tư duy lãnh đạo cho các nhà khởi nghiệp trẻ" - ông KenBay chia sẻ.
Tiến sĩ Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cho biết, đầu tiên các doanh nghiệp phải tin vào sản phẩm của mình. Liên tục suy nghĩ, tư duy khách hàng trong nước, khách hàng quốc tế cần gì, làm sao để khách hàng nhớ đến sản phẩm của mình. Trong toàn bộ quá trình sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường, vòng tròn đó phải luôn chạm đến khách hàng chứ không phải khách hàng chỉ là đích đến của sản phẩm.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Đinh Việt Hòa, anh Đoàn Thiên Việt - Trưởng ban Đối ngoại Hội Doanh nhân phía Nam QNB cho biết thêm, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần định vị lại sản phẩm của mình liên quan đến tệp khách hàng nào và chọn cách truyền thông câu chuyện hướng đến khách hàng. Có rất nhiều thương hiệu Việt thành công ở thế giới từ câu chuyện như Bánh mì Xin Chào của một bạn đồng hương Đại Lộc ở Nhật Bản hay sản phẩm bánh canh cá lóc tại Mỹ...
"Bản thân tôi làm việc ở thị trường miền Nam từ nhiều năm nay và đang muốn tìm kiếm các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP của Quảng Nam để cùng đầu tư phát triển, đưa ra những thị trường lớn hơn. Những ngày vừa qua, chúng tôi đi đến từng gian hàng trưng bày trong lễ hội đồng hương nhưng vẫn chưa tìm thấy một sản phẩm thực sự khiến chúng tôi cảm thấy đủ thích thú dù đã đặt câu hỏi, lắng nghe và quan sát rất kỹ.
Các doanh nghiệp cần tự tin hơn, đi nhiều hơn, kết nối nhiều hơn với các anh em trong Hội Doanh nhân phía Nam QNB để được hỗ trợ. Cộng đồng doanh nhân Quảng Nam trong miền Nam tương đối mạnh để có thể hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp quê nhà đưa hàng lên kệ của các chuỗi hệ thống, thậm chí là xuất khẩu đi quốc tế" - anh Việt nói.