Văn hóa

Tìm lời dân gian từ hướng núi

TÔN THẤT HƯỚNG 29/09/2024 11:13

Trên hình thể lát cắt địa hình và cũng như cấu tạo địa lý, địa mạo, miền núi Quảng Nam luôn là vùng đất đặc biệt bởi yếu tố địa chính trị, địa văn hóa.

dscf6874.jpg
Người con gái Cơ Tu. Ảnh: X.H

Ranh giới các vùng

Những dãy núi trùng điệp giữa đại ngàn biên viễn phía Tây, chất chứa nhiều giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian.

Vùng núi Quảng Nam là nơi khởi nguyên con đường muối Trường Sơn và Tây Nguyên. Sự khắc nghiệt lẫn thuận lợi của thiên nhiên đã tạo ra cuộc sinh tồn ở dưới chân các dãy núi thiêng mà họ cư trú như A Taouat, Banao, Anong ở Phước Sơn, đi qua Nam Giang hoặc từ núi mẹ Ngok Linh – nóc nhà Trường Sơn đã che chở các ngọn núi con Đăk Pree, Đăk Pring và Chaval phía Nam Giang.

Núi ở Quảng Nam cũng là nơi từ xa xưa, người dân tộc thuộc ngôn ngữ Môn-Khơmer đã chuyển cư. Họ ở tận miền trung du Quế Sơn, Tiên Phước và có mặt ở Phước Sơn lẫn Trà My từ rất lâu đời. Núi cũng là nơi án ngữ và nối kết vùng cư trú của các tộc người ở bắc Tây Nguyên với nam Quảng Nam, qua các ngọn núi lớn vùng Sekong, Salavan, Attapeu.

Các dân tộc thiểu số gần như chiếm lĩnh trọn vẹn vùng tây bắc Quảng Nam và lan qua đến tận tây nam Thừa Thiên. Dù chỉ là sự phân định tương đối, nhưng núi cũng là ranh giới hình thành giá trị văn hóa theo hướng Tây - Đông.

Từ vùng gò đồi và sườn núi thấp đến ven biển đã hình thành các nhóm dân tộc khác nhau. Đồng bào Cơ Tu ở ba vùng cao, vùng giữa và vùng thấp. Người Co có sự phân định với người dân tộc khác ở đường núi hay ở đường nước, ranh giới là ngọn núi Răng Cưa huyền thoại, nơi họ sống quần cư chung quanh núi Trà Nú, Trà Kót, Trà Giáp và Trà Ka.

Ở Quảng Nam, tập quán cư trú lâu đời trên một vùng lãnh thổ miền núi rộng lớn đã tạo ra những sắc thái nguyên hợp về văn nghệ dân gian mang tính bản địa đặc trưng. Tuy nhiên, vẫn không thể xóa nhòa được những nét đặc thù bởi sự độc lập tương đối về địa vực cư trú và giá trị văn hóa dân gian.

Cốt lõi tinh hoa

Ở vùng đồng bào dân tộc, luôn có quan niệm núi và sông là sự kết hợp của những cặp vợ chồng, mang ý nghĩa về âm dương, sinh thực khí, là quy tắc khuôn mẫu cho sự sinh tồn.

dscf6819.jpg
Đồng bào các huyện miền núi Quảng Nam vẫn giữ được những giá trị đặc sắc của mình. Ảnh: X.H

Đồng bào lấy tên sông hoặc tên những ngọn núi cao nhất trong vùng làm tên làng, ví như A cù răng, Zhhung, Ca di, Axăh, Cang Kgir, Cang Aréh, Appê Apang, Apêê, Aghi. Chính vì thế, nguồn lưu trữ tri thức bản địa, những giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian thể hiện trong diễn xướng, điêu khắc tạo hình, làn điệu múa hát là những cốt lõi tinh hoa của các dân tộc miền núi.

Trong các truyền thuyết văn học dân gian của người Cơ Tu và cả các tộc người sinh sống cận cư, còn truyền khẩu tên của những ngọn núi đã từng cưu mang, che chở đồng bào qua các địa chấn, lũ lụt kinh hoàng. Từ đó, trong ý niệm của đồng bào có những ước vọng về sự mở rộng vùng cư trú để sinh sống.

Thần thoại của người Ca Dong ở Trà My kể rằng: “Ngày xưa có trận lũ lớn sạt lở núi làm loài người chết hết, chỉ còn một người đàn bà và một con chó sống sót nhờ leo lên đỉnh núi cao”.

Còn người Co thì nói đỉnh núi không bị ngập nước là rặng Răng Cưa giữa Trà My và Trà Bồng; người Bh’noong thì kể đó là đỉnh núi Ngok Rinh Ru tức núi Ngok Linh; còn người Ca Dong thì lại cho đó là núi Hòn Bà ở Trà Giáp mà họ chính là “người sống ở lưng chừng núi”.

Núi rừng ở Quảng Nam từ hướng mặt trời mọc gần trung châu, trên các đồi núi giáp ranh với huyện Đại Lộc, Hòa Vang cũng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu tre, nứa, song mây để đồng bào làm ra các loại nhạc cụ rất mộc mạc từ bộ gõ, bộ hơi, bộ gảy…

Đó là các loại nhạc cụ đã đi vào văn nghệ dân gian của đất nước như sáo Đinh tut của người Tà riềng, đàn Vrook của người Ca dong hay trống Cathu của người Cơ Tu…

Hoặc nếu nói về sự hòa điệu của thiên nhiên núi rừng, thì hệ thống đàn nước (Coan) của đồng bào Xê Đăng ở Trà My được lắp dựng ở các thung lũng dưới chân núi, nơi có các con suối chảy về là biểu hiện thân thiện nhất với thiên nhiên.

Để hiểu thêm xứ Quảng, không thể không tìm đến với vùng núi cao. Nơi đây, những chủ nhân với trái tim hồn nhiên, chất phác, mến khách, gắn bó với núi rừng đại ngàn, với dãy Trường Sơn từ thuở hồng hoang cội nguồn xa thẳm.

*
* *

Văn nghệ dân gian của những cư dân miền núi Quảng Nam luôn gợi nhớ trong tâm thức mỗi người về những ngôi làng thu mình giữa lòng thung lũng. Trong quá trình tiếp biến giao lưu văn hóa, người dân miền núi dù có tiếp thu các loại hình văn nghệ dân gian của miền xuôi thì họ vẫn bảo lưu được giá trị văn hóa truyền thống của mình.

Bởi, không gian rừng núi, làng bản đã thấm sâu vào máu thịt của họ từ bao đời, qua dáng núi trong văn nghệ dân gian có điệu múa Xoang – Cheo (Xơ Đăng), điệu múa Da dá (Cơ Tu), Kađháo (Co)… và đặc biệt là ở ngôn ngữ thường ngày của người đồng bào: “Tơ moi” có nghĩa là tôi ở bên kia dãy núi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm lời dân gian từ hướng núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO