Nhiều dự án trọng điểm, có ảnh hưởng đến phát triển nội vùng, liên vùng ở thị xã Điện Bàn đều dang dở và không dễ có lối ra để “về đích”.
Dang dở bức tranh phát triển đô thị
Với vị trí thuận lợi, có kinh tế - xã hội phát triển và được quy hoạch nằm trong cụm động lực tăng trưởng phía bắc của tỉnh với Hội An - Đại Lộc, thời gian qua tại Điện Bàn đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn, có sức tác động đến việc phát triển nội vùng, liên vùng như dự án “Làng Đại học Đà Nẵng”, nạo vét sông Cổ Cò, nâng cấp mở rộng tuyến ĐT608, cầu Vân Ly, cầu Phong Thử… Tuy nhiên, đến nay hầu hết dự án đều dang dở, thậm chí một số đã “đứng bánh” từ lâu và loay hoay lối ra.
Ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GT-VT cho hay: “Tại Điện Bàn có rất nhiều dự án lớn, trọng điểm nhưng hầu hết chưa có cái nào xong. Có dự án rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Dự án có nguồn lực tài chính triển khai thì không giải phóng được mặt bằng và ngược lại”.
Còn ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT thông tin, khả năng hấp thụ vốn đầu tư của các dự án ở Điện Bàn khá thấp, giải ngân vốn đầu tư công cũng thấp hơn trung bình toàn tỉnh khiến việc chuyển nguồn sang năm 2024 của địa phương khá lớn, đến hơn 113 tỷ đồng.
Cả 2 dự án thành phần nâng cấp, cải tạo ĐT608 và nạo vét sông Cổ Cò thuộc dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An” chỉ giải ngân được khoảng 1.300 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.800 tỷ đồng, dù đã được gia hạn tiến độ đến hết năm 2023 nhưng vẫn không hoàn thành, buộc phải kết thúc dự án.
Một dự án khác kéo dài hàng chục năm nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết là “Làng Đại học Đà Nẵng”. Thông tin từ Sở Xây dựng, qua thời gian, lượng nhà ở, dân cư phát sinh với nguồn gốc giấy tờ không rõ ràng đã lên đến khoảng 500 hộ càng khiến các tính toán triển khai dự án theo phương án lâu nay mất tính khả thi.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, từ năm 2017 Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã chuyển về UBND thị xã Điện Bàn quản lý nên thị xã phải chịu trách nhiệm thúc đẩy đầu tư, khớp nối hạ tầng khung cho đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Địa phương phải có kế hoạch thúc đẩy chứ hiện quá ì ạch, từ năm 2019 đến nay chỉ đầu tư hơn 1km đường trị giá khoảng 13 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo thị xã Điện Bàn ngày 27/3, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói, Điện Bàn được xác định là một phần trong cụm động lực tăng trưởng phía bắc của tỉnh nên phải tìm cách làm ưu tiên, phân bổ nguồn lực phù hợp để thúc đẩy cực tăng trưởng này.
Tuy nhiên, thị xã cần nắm rõ, cấp bách giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm, bức xúc trên địa bàn, thực sự quan tâm đến đời sống người dân. Cần xem giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ hết sức trọng tâm, nhất là với các dự án trọng điểm đang bị ách tắc, dự án có liên quan đến nguồn vốn vay như: Nạo vét sông Cổ Cò, nâng cấp ĐT608, trục chính đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, đường vành đai Bắc Quảng Nam, cầu Quảng - Đà...
Tránh lãng phí
Nhiều dự án trọng điểm ở Điện Bàn ngoài mang tính động lực thúc đẩy phát triển vùng còn có tính kết nối, tương hỗ nhau, nhất là các dự án nạo vét sông Cổ Cò, nâng cấp mở rộng ĐT608…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nói: “Nhiều dự án ở Điện Bàn theo quy hoạch đều tính đến kết nối giao thông đối ngoại. Nếu Điện Bàn không hoàn thiện giao thông đối ngoại của địa phương thì vô hình chung dẫn đến hệ lụy các dự án không có giao thông kết nối.
Ngoài ra, nếu không tìm cách triển khai tiếp các dự án thì một số dự án đã làm sẽ không phát huy hiệu quả, điển hình nhất là các cây cầu đã và đang xây dựng qua sông Cổ Cò nếu không nạo vét sông thì sẽ lãng phí”.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, dự án nạo vét sông Cổ Cò đã dừng và chỉ đạo quyết toán, phần còn lại chắc chắn sẽ tiếp tục làm để hoàn thiện với một dự án mới.
Nếu xuất hiện nguồn thì tỉnh sẽ bổ sung vào danh mục đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Còn không thì trước tháng 7/2024, Điện Bàn phải đề xuất cấp trên đưa danh mục này vào đầu tư công trung hạn giai đoạn tiếp theo và cần triển khai sớm ngay từ năm 2026.
Dự án bế tắc nhất hiện nay là “Làng Đại học Đà Nẵng. Ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị ủy Điện Bàn đề xuất, trong trường hợp từ nay đến năm 2025 không bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích trên địa phận Quảng Nam thì đề nghị các cấp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch để tập trung triển khai trên phần diện tích khoảng 50ha có khả năng thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng.
Phần còn lại loại ra khỏi ranh giới dự án để UBND tỉnh lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội phục vụ đời sống nhân dân trong khu vực, đồng thời hình thành khu đô thị vệ tinh phục vụ Làng Đại học Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Hưng, thuận lợi của phương án nêu trên là quy hoạch tỉnh đã xác định phát triển hai đô thị đại học ở phía bắc và phía nam của tỉnh. Trong đó ở phía bắc không xác định cụ thể là ở địa điểm nào nên cơ quan chức năng có thể xem xét điều chỉnh, lựa chọn địa điểm phù hợp hơn để dự án “Làng Đại học Đà Nẵng” có tính khả thi khi triển khai.