Quảng Nam phấn đấu tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách năm 2023 khoảng 8-10% (dư nợ hơn 7.000 tỷ đồng). Để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo, cận nghèo, chính sách, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các phòng giao dịch ở các địa phương tập trung giải ngân vốn ưu đãi ngay từ đầu năm.
Dấu ấn ở Thăng Bình
Tổng dư nợ tín dụng chính sách tại Thăng Bình năm 2022 là hơn 702 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với năm 2021, đạt mức tăng trưởng 16,5% - cao hơn mặt bằng chung toàn tỉnh. Đây cũng là địa phương có dư nợ cao nhất trong các địa phương toàn tỉnh.
Nhiều chương trình tín dụng ưu đãi có mức tăng trưởng dư nợ cao là cho vay giải quyết việc làm; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên; nhà ở xã hội…
Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, một nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục đẩy nhanh giải ngân các chương trình cho vay theo theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 và kịp thời hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay theo quy định. Phấn đấu đến ngày 31/12 dư nợ bình quân chung của chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 của toàn tỉnh đạt 400 tỷ đồng; chủ động theo dõi nợ đến hạn năm 2023 để điều hành kế hoạch nguồn vốn linh hoạt, hiệu quả, đúng quy định, không để vốn tồn đọng.
Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Thăng Bình cho biết, chỉ tiêu tăng tín dụng ưu đãi năm 2023 là 100 tỷ đồng, phấn đấu đưa dư nợ tín dụng chính sách đến cuối năm lên hơn 802 tỷ đồng.
“Dư nợ tín dụng trong 2 tháng qua tăng thêm 22 tỷ đồng là cơ sở để chúng tôi tin tưởng chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng sẽ đạt và vượt vào cuối năm nay” - ông Tuấn nói.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình chú trọng triển khai các hoạt động tín dụng chính sách ở điểm giao dịch tại 22 xã, thị trấn.
Thông tin về tín dụng ưu đãi, danh sách hộ vay, dư nợ của từng hộ đều được niêm yết công khai và đẩy nhanh giải ngân vốn đến hộ nghèo, chính sách ở điểm giao dịch xã, thị trấn giúp người vay tiết giảm chi phí, công sức đi lại...
Ở điểm giao dịch xã Bình Sa, bà Bùi Thị Nguyệt - chủ cơ sở sản xuất dầu tràm Linh Vũ mừng vui khi thông qua Hội LHPN xã đã được phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình cho vay 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm và 50 triệu đồng từ cho vay hộ mới thoát nghèo để mua nguyên liệu tràm và đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ nấu tràm, qua đó mở rộng quy mô chế biến tràm - sản phẩm OCOP 3 sao.
Đảm bảo chất lượng tín dụng chính sách
Ông Hoàng Thanh Lân - Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng - Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, tổng dư nợ chính sách toàn tỉnh đến nay đạt gần 6.600 tỷ đồng nên kỳ vọng sẽ vượt chỉ tiêu dư nợ hơn 7.000 tỷ đồng vào cuối năm.
Theo ông Lân, cùng với bám sát thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, chi nhánh ngân hàng CSXH Quảng Nam phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên để áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Phát huy trách nhiệm của các tổ tiết kiệm và vay vốn để các hộ vay vốn trong tổ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho rằng, đảm bảo tăng trưởng dư nợ đi đôi với chất lượng tín dụng chính sách là mấu chốt.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương, Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam cần tiếp tục vận dụng tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách đạt hiệu quả cao nhất. Hằng năm, UBND tỉnh, các địa phương bố trí ngân sách ủy thác sang ngân hàng chính sách để tăng nguồn vốn cho vay.