Dù mới kết thúc quý I nhưng đã xuất hiện những tín hiệu không khả quan có thể tác động đến mục tiêu thu ngân sách của thị xã Điện Bàn trong năm 2024.
Điện Bàn là một trong 4 địa phương tự cân đối ngân sách trên địa bàn tỉnh hiện nay, cùng với TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, huyện Núi Thành.
Tuy tự cân đối từ khá lâu nhưng những năm gần đây việc “tự chủ” ngân sách của Điện Bàn gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu trên địa bàn thị xã chủ yếu từ Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc và nguồn thu từ đất.
Theo ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị ủy Điện Bàn, năm 2023 thu ngân sách nội địa của thị xã đạt 2.134 tỷ đồng, bằng gần 90% dự toán.
Dù năm 2023 thu không đạt và có một số chỉ tiêu thu giảm nhưng điểm sáng là có một số khoản thu tăng đến từ hoạt động khởi sắc của doanh nghiệp hoạt động trong KCN Điện Nam - Điện Ngọc, lớn nhất là từ doanh nghiệp sản xuất bia, nước giải khát.
Năm 2024, Điện Bàn đề ra chỉ tiêu tăng ít nhất 7% thu ngân sách nội địa đi kèm với đó là việc chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai thông tin quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút các nguồn lực đầu tư, tiếp cận có hiệu quả các cơ chế, chính sách của cấp trên để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, mục tiêu này đang gặp nhiều thách thức.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, một trong các khó khăn lớn ảnh hưởng đến thu ngân sách của Điện Bàn năm nay là sự sụt giảm nguồn thu từ doanh nghiệp sản xuất bia, nước giải khát.
“Nguồn thu dự toán cho Chi nhánh Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam tại Quảng Nam (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) trong năm 2024 khoảng 570 tỷ đồng.
Trong đó, tỷ lệ điều tiết được hưởng từ nguồn này của Điện Bàn là 43%, tỉnh hưởng 39% và Trung ương 18%. Tuy nhiên đến hết quý I mới chỉ thu được 19,5 tỷ đồng, giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2023” - ông Quang nói.
Bên cạnh đó, nguồn thu từ sử dụng đất của Điện Bàn những năm qua dù lớn nhưng cũng khá bấp bênh. Số thu giảm nhiều nhất năm 2023 của Điện Bàn so với dự toán chính là từ nguồn sử dụng đất, hụt đến 460 tỷ đồng so với dự toán. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc cân đối ngân sách đầu tư các dự án của địa phương.
Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tài chính thông tin, năm 2024 dự toán của thị xã được giao thu ngân sách nội địa là 2.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số này có đến hơn 1.400 tỷ đồng dự toán nguồn thu từ đất (chiếm gần 50%), con số này tiếp tục tăng khoảng 550 tỷ đồng so với dự toán năm 2023.
Tỉnh đang cố gắng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các dự án tại Điện Bàn nói riêng và cả tỉnh nói chung. Tuy nhiên, rất cần thị xã vào cuộc quyết liệt, nhất là ở công tác giải phóng mặt bằng, bởi với các dự án lớn chỉ vướng một vài hộ gia đình thì không triển khai được sẽ dẫn đến hụt thu.