Tinh giản cán bộ công đoàn diện hợp đồng: Cần sớm có câu trả lời từ cấp trên

LÊ DIỄM 09/01/2019 01:47

Việc đi hay ở của cán bộ công đoàn thuộc diện hợp đồng lao động do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phân bổ và trả lương trong hệ thống công đoàn toàn tỉnh đến nay vẫn treo lơ lửng, trong khi người lao động cần sớm có câu trả lời để yên tâm công tác.

Hoạt động công đoàn nhiệm kỳ mới sẽ gặp nhiều khó khăn về con người. Ảnh: L.D
Hoạt động công đoàn nhiệm kỳ mới sẽ gặp nhiều khó khăn về con người. Ảnh: L.D

Một nữ cán bộ công đoàn chuyên trách tâm sự, chị đã có gần 20 năm làm cán bộ công đoàn, nhưng đến nay vẫn là cán bộ hợp đồng lao động. Thời gian qua, những cán bộ hợp đồng lao động như chị luôn thường trực nỗi lo lắng rồi sẽ đi về đâu. “Từng tuổi này, nếu giờ tôi không làm nữa, ra ngoài cũng khó xin việc làm. Từ cuối năm 2018 đến nay, tôi cứ mong câu trả lời dứt khoát từ cấp trên, chứ kiểu này làm việc chẳng yên tâm chút nào”. Với LĐLĐ các ngành, địa phương, vấn đề nhân sự lúc này cũng đang khiến họ khá lo lắng. Như LĐLĐ huyện Duy Xuyên đang quản lý hơn 12 nghìn đoàn viên, với hơn 120 đầu mối công đoàn cơ sở. Hiện nay LĐLĐ Duy Xuyên có 5 người đang làm việc, trong đó có 2 hợp đồng lao động. Nếu họ không được giữ lại thì 3 người còn lại gồm chủ tịch, phó chủ tịch và chuyên viên cùng một lúc phải kiêm nhiệm khá nhiều công việc. Hay Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đang có 7 người, nếu cắt hợp đồng lao động sẽ có 4 người phải rời đi. 3 người còn lại là chủ tịch và 2 phó chủ tịch sẽ làm tất cả nhiệm vụ.

Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Xuân Quang, cán bộ làm công tác công đoàn trong toàn tỉnh hiện nay tỷ lệ biên chế/hợp đồng là 50/50. Trong một cuộc làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam vào giữa tháng 11.2018, LĐLĐ tỉnh đã kiến nghị cho phép giữ nguyên cán bộ công đoàn hợp đồng như hiện nay để phục vụ công việc trong thời gian tới. Bởi lẽ, hoạt động công đoàn bắt buộc phải đổi mới, sát cơ sở, gần đoàn viên. Nếu như cắt cán bộ thuộc diện hợp đồng, gánh nặng công việc sẽ là áp lực vô cùng lớn. Tuy nhiên, câu trả lời của Tổng LĐLĐ Việt Nam vào lúc đó là theo quy định mới, hiện nay tổ chức bộ máy của LĐLĐ cấp tỉnh đang giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy quản lý; vì vậy Tổng LĐLĐ Việt Nam không cho ý kiến về tổ chức, bộ máy biên chế, mà vấn đề này do Tỉnh ủy quyết định.

Theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh ủy đã phân bổ biên chế của LĐLĐ tỉnh là 80 chỉ tiêu, nhưng Tổng LĐLĐ Việt Nam lại phân bổ 114 chỉ tiêu là không phù hợp. Quy định mới bắt buộc về biên chế phải do Ban Tổ chức Trung ương giao, rồi phân bổ về các tỉnh quản lý, chứ Tổng LĐLĐ Việt Nam không có quyền giao biên chế. Theo ông Lê Văn Dũng - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện nay hệ thống công đoàn toàn tỉnh có 54 hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu 80 biên chế do Tỉnh ủy giao. Ông Dũng cho biết: “Số lao động này đều do Tổng LĐLĐ Việt Nam chi trả lương, chế độ từ nguồn kinh phí công đoàn, nên Tổng LĐLĐ phải có câu trả lời dứt khoát cho cán bộ biết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy không có ý kiến gì về số hợp đồng do Tổng LĐLĐ Việt Nam chịu trách nhiệm trong hệ thống. Từ nay đến năm 2021, LĐLĐ toàn tỉnh còn 72 biên chế theo đúng lộ trình tinh giản biên chế mà Trung ương đã quy định”.

Được biết, LĐLĐ tỉnh đã có công văn đăng ký làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam một lần nữa về vấn đề tổ chức cán bộ. Và Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết đã đăng ký làm việc và xin ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư. Bởi câu chuyện nhân sự trong hệ thống công đoàn đang là vấn đề của cả nước, nên cần chủ trương từ cấp trên để thực hiện thống nhất.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tinh giản cán bộ công đoàn diện hợp đồng: Cần sớm có câu trả lời từ cấp trên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO