Đời sống

Tình khúc quê hương

TRẦN TUẤN 11/06/2024 14:42

(VHQN) - Hơn 30 năm làm báo, không nhớ hết bao nhiêu ngôi làng dọc dài đất nước tôi đã đi qua. “Làng”, con chữ thuần nôm ấy thật giản dị, mà cứ ngân rung trong tâm khảm mỗi người Việt đến suốt đời.

ba-lang-an-quang-ngai-3.jpg
Cửa biển Ba Làng An - Quảng Ngãi. Ảnh: Minh họa

Làng trong nỗi nhớ tuổi thơ

Tôi có hai làng quê để nhớ. Một làng miền Trung quê nội là Xuân An (Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh cũ, nay là TP.Quảng Ngãi). Một làng chiêm trũng Bắc Bộ quê mẹ ở Phú Xuyên, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội.

Những đêm ngủ ở hai làng quê cách xa nhau cả ngàn cây số, tôi đều thao thức. Ở quê nội thao thức về những ngày này của tròn 70 năm về trước, từ cửa biển Ba Làng An, cha tôi trong bộ đồ dân chài cải trang theo thuyền ngược vào Quy Nhơn để lên tàu tập kết ra Bắc. Để lại sau lưng mẹ cha già, người vợ trẻ và hai con thơ, với ước nguyện “hai năm nữa anh về”…

Ngày ấy, ngày của hơn trăm năm trước, ông nội tôi vừa đi biển vừa làm muối. Một trong những chuyến ghe chở muối vượt sông Kinh lên vùng núi Ba Gia, Đồng Ké ông đã gặp bà nội tôi. Giờ vẫn như thấy bóng hai người trên những con thuyền cá thuyền muối dọc ngang dòng sông chảy qua làng...

Những năm tháng dài hun hút đọng lại dấu chân đời người, để đủ sức thấm sâu cảnh sắc, hương vị vừa khác biệt vừa đồng điệu của những làng quê ba miền...

Còn đêm ở quê ngoại cứ chập chờn với tuổi thơ bên chiếc cầu ao, nằm dưới gốc sung già ngó trời chiều chạng vạng, chờ tàu hỏa chạy qua những rặng tre phía xa xa. Thời ấy tàu chạy bằng than, để lại phía sau cột khói đen ngun ngút cùng tiếng còi tàu dài xé toang chốn đồng quê tịch vắng.

z5460556062546_23921411f02b3775365f8fe1a8eee2b5.jpg
Một góc làng Gành Cả - Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: TRẦN TUẤN

Nhớ những buổi chiều theo trâu về, thổi rơm nấu cơm. Mâm cơm trải ra trên manh chiếu giữa cái sân gạch, với canh cua đồng, tép rang, quả cà pháo giòn tan. Mùa gặt, lúa vàng ngồn ngộn sân.

Tôi khi ấy cao chỉ ngang bó lúa, cũng tìm cho được một cái néo tre cuộn mấy gié lúa lại để đập. Những hạt lúa bay tung tóe sau mỗi nhát nện xuống cái cối đá vẹt mòn. Rồi bám lưng các anh đứng bập bõm trên cái cần giã gạo…

Những năm tháng dài hun hút đọng lại dấu chân đời người, để đủ sức thấm sâu cảnh sắc, hương vị vừa khác biệt vừa đồng điệu của những làng quê ba miền.

“Không gì sâu hơn những ngôi làng miền Trung”

Tôi nhớ trong thiên bút ký “Lý Sơn mùa tỏi”, nhà văn Nguyễn Thành Long đã viết, đại ý “Không gì sâu hơn những ngôi làng miền Trung”. Độ “sâu” ấy, có phải chủ yếu về tâm thức, sự dằng dặc xa ngái của dải đất này? Sâu, bởi vì xa, khi những đứa con của làng lớn lên hầu hết đều đi xa...

z5460556072324_589192f385e4bd566a8cd371aa645e01.jpg
Chợ làng Cẩm Giàng bên đường Thạch Lam ở Hải Dương. Ảnh: TRẦN TUẤN

Một đêm ngủ lại làng Gành Cả bên cửa biển Bình Châu, Bình Sơn, chỉ cách làng tôi hơn cây số. Bên trong ngôi nhà của “sói biển” Tiêu Viết Là, vẫn cảm nhận rõ những cơn gió của cơn bão rớt Melor ngoài biển miết từng hồi lên cánh cửa.

Mới thấu được độ “sâu” của làng chài, khi bắt gặp những đốm thuốc lập lòe, những đôi mắt hõm sâu chong chong hướng ra biển. Đêm Gành Cả thường là đêm thức. Đêm trắng. Trực bên đài Icom dõi theo những đứa con trai tráng của làng đang vật lộn với dông gió ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Những làng miền Trung đi qua làm sao quên được những làng Mực, làng Rô, làng Yều… của rẻo cao Quảng Nam. Trong nhà tôi bây giờ để nơi trang trọng là quả bầu khô do ông Pơloong Nhập, nhân vật chính trong tác phẩm “Bức thư làng Mực” nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Chí Trung tự tay làm ra lúc sinh thời.

Chuyến về làng Mực (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) hơn hai chục năm trước, tôi ghé nhà Pơloong Nhập, người Cơ Tu đầu tiên mang súng trường lên rẫy mai phục bắn rơi “con ma trời” là máy bay Mỹ. Việc “bắn chết” được máy bay Mỹ vang dội chiến trường khu V thời đó, cũng giống như anh hùng Núp bắn “thằng Pháp chảy máu”.

Nhìn gia cảnh, biết bà Arất Pơi - vợ ông cùng 5 đứa con rất nghèo, cũng như cả làng thời đó. Biết tôi thích kỷ vật của ông Nhập để lại, bà Pơi bèn mang ra tặng. Tôi tìm cách trả tiền mà bà kiên quyết không chịu, đành dúi tiền vào túi bà, bảo bà cầm đi mua gạo, coi như là “đổi gạo” bà mới chịu nhận.

Và làng Rô nữa. Nhớ khi đó gặp được già làng Đinh Reng, người năm xưa đã cứu sống và cưu mang hai chiến sĩ cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ và Tố Hữu sau khi vượt ngục từ Kon Tum lạc về đây.
Để muốn nói rằng, những làng Rô, làng Mực, làng Yều năm xưa nằm sâu trong rừng tít tận núi cao như những “chiếc nôi đại bàng”. Dời làng về gần đường Hồ Chí Minh, họ vẫn mang theo tên làng cũ.

Ngàn năm quê kiểng

Nếu những làng miền Trung gồ ghề rắn rỏi, thì làng châu thổ sông Hồng lại mộc mạc, gợi nhớ cảnh xưa cũ ngàn năm, với chùa chiền, sân đình, cầu ao, gafu sòng tát nước, vách đất bùn rơm, mành tre, khăn mỏ quạ, dải yếm đào…

Tôi nhớ cái khánh cổ bằng đá treo trước đình làng Mông Phụ ở đất Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), khi vỗ vào khẽ vang lên thanh âm mảnh và dài hun hút, men theo bức tường đá ong ngập nắng. Nhớ cái ga xép Cẩm Giàng và trại Cẩm Giàng nơi anh em nhà Tự lực Văn đoàn Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam để lại thời hoa niên ở đấy.

Những trang văn rợp bóng hoàng lan của Thạch Lam dù viết nơi đất Bắc, nhưng lại vấn vương gợi về không gian phố Hội nơi quê nhà xa lắc, như sự kết nối sâu thẳm từ kiếp nào.

Nhớ buổi trưa ngả lưng trên nhà sàn lót bằng thân đước ở ngôi làng và ngôi nhà chót cùng của đất nước: Nhà số 1, ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Ngôi nhà sàn thưng lá dừa nước nằm giữa biển, tách bạch hẳn với xóm nhà bên, được dẫn ra bởi cây cầu lắt lẻo kết lại cũng từ thân cây đước. Ngó xuống sàn nhà thấy từng đàn cá bơi lội tung tăng bên dưới và hớp nước ngọt lừ từ chiếc giếng đóng sâu tới 180 mét bên hiên nhà.

Làng chót cùng của đất nước được gọi là “ngôi làng sinh nở” - khi phù sa kết tụ từng ngày mở rộng và dài thêm về phía bình minh. Có lẽ điều này đã làm nên vóc dáng những ngôi làng miền Tây và cả tính cách con người nơi đây: đơn giản, rộng rãi phóng khoáng, từ nơi ăn chốn ở đến giao tiếp, ứng xử.

Xu thế khó cưỡng của xã hội hiện đại cùng cơn lốc đô thị hóa khiến bức tranh làng quê mọi miền trở nên xô lệch, mất mát. Khung cảnh và hồn cốt của những ngôi làng vốn đã tạo nên tâm tính và tâm tình của người Việt ngàn năm qua. Làm sao vừa phát triển nhưng vẫn giữ được nét quê kiểng thân thương. Khi trong mỗi chúng ta luôn thường trực nỗi nhớ làng.

Làng ấy, như những câu thơ xao xuyến của Hàn Mạc Tử “Trong làn nắng ửng: khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tình khúc quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO