Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

DIỄM LỆ 27/07/2022 08:41

(QNO) - Hỏi: Theo quy định của Bộ luật Lao động, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cùng những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ của người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, công ty cũ không chốt sổ BHXH cho NLĐ hoặc do đang nợ tiền BHXH nên không thể thực hiện thủ tục chốt sổ làm ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ, việc này các cơ quan chức năng nên làm gì để giúp đỡ NLĐ.

Người sử dụng lao động có nghĩa vụ giải quyết chế độ cho người lao động khi lao động nghỉ việc đúng quy định của pháp luật. Ảnh: D.L
Người sử dụng lao động có nghĩa vụ giải quyết chế độ cho NLĐ khi lao động nghỉ việc theo đúng quy định của pháp luật. Ảnh: D.L

Trả lời: Căn cứ khoản 5 Điều 21 Luật BHXH số 58/2014/QH13; Quyết định số 505/QĐ-BHXH về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN); quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14.4.2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động: 

Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho NLĐ, xác nhận thời gian đóng BHXH khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật. Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN, nếu NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho NLĐ.

Như vậy, trường hợp chủ sử dụng lao động không chốt sổ và trả sổ cho NLĐ là vi phạm Luật BHXH. Ngoài ra, trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì cơ quan BHXH sẽ xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

Hỏi: Nhân viên nghỉ không lương quá 14 ngày hoặc nghỉ không lương 1 - 2 tháng với lý do ốm đau hoặc con ốm hoặc tai nạn. Trong thời gian này, công ty báo giảm BHXH. Sau đó, nhân viên đi làm lại công ty báo tăng BHXH và đến một thời gian ngắn nữa họ xin nghỉ luôn thì khi giải quyết chế độ thôi việc, công ty có chi trả trợ cấp thất nghiệp trong thời gian họ nghỉ không lương đó không? Áp dụng văn bản quy định nào?

Trả lời: Tại khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 quy định: Thời gian đóng BHTN để xét hưởng BHTN là tổng các khoảng thời gian đã đóng BHTN liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng BHTN cho đến khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12.3.2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN quy định: Trường hợp NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN trong thời gian này.

Theo đó, trong thời gian NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHTN của tháng đó, thời gian này không được tính để hưởng BHTN.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO