Văn hóa - Văn nghệ

Tôi về tìm dáng lụa xưa

TIỂU VŨ 07/04/2025 08:15

Từ Quảng Huế (Đại Lộc), qua cầu Giao Thủy, theo con đường chạy dài về Duy Trinh, Duy Xuyên - nơi có lăng mộ Bà Chúa Tằm Tang Đoàn Quý Phi. Đất này, một thuở từng là thủ phủ tơ lụa, với những tấm lụa vàng rực rỡ vượt khỏi biên giới, trải dài trên những đại lộ xa hoa của Lyon, Paris.

Giờ đây, tơ lụa Mã Châu đã hội nhập được với thị trường và được nhiều người sử dụng. Ảnh: NVCC
Tơ lụa Mã Châu đã hội nhập được với thị trường, tung bay trên các sàn thời trang và được nhiều người sử dụng. Ảnh: HẢI YẾN

Tôi lang thang tìm lại dấu xưa của một thời vang bóng. Giao Thủy, Mã Châu, Đông Yên… những cái tên một thuở từng dệt nên giấc mộng lụa là, giờ chỉ còn trong ký ức. Làng dệt Phú Bông, Thi Lai đã lùi vào dĩ vãng. Nhà máy ươm tơ Giao Thủy giờ chỉ còn vài mảng tường loang lổ rêu phong, nằm lặng lẽ bên con sông Thu Bồn cuộn chảy.

Chỉ còn lại dòng sông Thu thì thầm kể câu chuyện cũ...

Từ thế kỷ 17, Hội An trở thành thương cảng quốc tế, lụa Quảng Nam đã có mặt trong những khu chợ tơ lụa lớn ở Nhật Bản, Trung Hoa, và xa hơn là châu Âu.

Thời Nguyễn, lụa Mã Châu từng được tuyển chọn để may trang phục cung đình. Người ta bảo, lụa Hà Đông có nét kiêu sa, lụa Tân Châu mang vẻ duyên dáng miền sông nước, còn lụa Mã Châu thì đằm thắm, dịu dàng như cô gái xứ Quảng.

Tôi tìm về làng lụa Mã Châu, nơi từng nức tiếng với những tấm lụa óng ả, mềm mại như nước sông Thu Bồn. Một thời huy hoàng đã lùi vào quá khứ. Người làng bảo, có lúc họ tưởng nghề dệt lụa sẽ chỉ còn trong ký ức, như một giấc mơ xưa dần nhạt phai.

Nhưng rồi, có những người không cam lòng để lụa Mã Châu chìm vào quên lãng. Tôi chạm tay vào tấm lụa Lãnh Hoa vừa mới hồi sinh - loại lụa một thời chỉ dành cho bậc quyền quý, từng bị lãng quên giữa những xáo động của thời cuộc.

Lụa mềm như nước chảy, đen ánh như đêm sâu, mang trong mình câu chuyện của một làng nghề từng chạm đến đỉnh cao rồi dần lụi tàn. Giờ đây, tấm lụa ấy đang trở lại, như một mạch ngầm chưa bao giờ cạn.

Lịch sử là dòng chảy vô tận, cuốn theo những phồn hoa rồi để lại tàn tích lặng lẽ cùng thời gian. Lụa Mã Châu đang hồi sinh, lụa Lãnh Hoa cũng trở về từ quên lãng. Đó không chỉ là sự trở lại của một nghề truyền thống, mà là sự tiếp nối của một bản sắc, một hồn quê gắn liền với bao thế hệ.

Văn hóa, nếu chỉ được nâng niu trong hoài niệm, sẽ chỉ là ký ức đẹp ngủ yên trong trang sách cũ. Nhưng nếu được gìn giữ bằng tình yêu, trách nhiệm và khát vọng tiếp nối, nó sẽ trường tồn như chính mạch sống của quê hương.

Mọi thứ trên đời có thể mất đi - sông đổi dòng, bến bờ thay hình, con người hợp tan nhưng giá trị văn hóa, một khi đã ăn sâu vào đất, vào người, sẽ còn mãi với thời gian. Như sợi tơ mong manh nhưng bền chặt, như tiếng thoi dệt lụa vẫn vang vọng đâu đây, như bóng dáng của thôn nữ họ Đoàn vẫn còn lưu trên từng tấm lụa quê hương...

Tôi tin, chỉ cần còn những người trân trọng quê hương, yêu thương từng sợi tơ, lụa quê hương, lụa Mã Châu sẽ mãi là niềm kiêu hãnh của xứ Quảng, của những con người chưa bao giờ thôi nặng lòng với cội nguồn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tôi về tìm dáng lụa xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO