Tôn vinh cộng đồng và kết nối di sản

PHAN TRỊNH 21/06/2013 08:04

Sau 4 “Hành trình Di sản Quảng Nam”, khởi động từ năm 2003, đã được thay bằng tên gọi mới Festival Di sản Quảng Nam kể từ 2013. Đó là lễ hội của văn hóa dân gian truyền thống của sự trở về và kết nối di sản toàn cầu

Kết nối di sản

Những cuộc trình diễn đầy âm thanh, màu sắc của “Hợp xướng quốc tế”, “Ngày hội văn hóa Chăm”, “Liên hoan nghệ thuật các dân tộc Việt Nam”, “Không gian văn hóa ASEAN”… đã góp thêm sự hoành tráng, ấn tượng của lễ khai mạc tại nhà hát Hội An đêm 22.6, khởi sự cho chương trình quảng bá, gắn kết ASEAN qua văn hóa, kinh tế và ngoại giao. Không gian lễ hội được mở rộng từ Hội An đến các vùng Điện Bàn, Mỹ Sơn, Tam Kỳ, Núi Thành và lên tận miền ngược. Đâu cũng ăm ắp sự kiện. Có lẽ những người tham dự hội phải “phân thân” hoặc chọn lựa sự kiện mới có thể vui “kịp” cùng lễ hội. Khách có thể chọn Hội An rộn ràng với lễ hội carnaval đường phố, liên hoan hô hát bài chòi miền Trung và festival di sản văn hóa phi vật thể các nước ASEAN với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật và những cuộc trưng bày, triển lãm không gian văn hóa ASEAN, di sản văn hóa biển Việt Nam và các cuộc hội thảo về văn hóa, liên kết du lịch, bảo tồn, quản lý di sản. Ngoại vi đô thị cổ cũng sẽ bày biện rất nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật chất liệu đá, liên hoan nghệ thuật truyền thống các dân tộc Việt Nam, hội làng Chăm tại Mỹ Sơn và ngắm nhìn nghệ nhân chế tác sản phẩm “độc đáo” làng nghề, hội chợ làng nghề truyền thống Quảng Nam tại Điện Bàn. Những người yêu thiên nhiên có thể qua đò ngang vào Duy Vinh (Duy Xuyên) để gặp Trà Nhiêu hoang sơ hoặc làng quê Cẩm Thanh (Hội An) thanh bình như trong ca dao. Còn có máu “phiêu bồng” thì ngược đường rừng để tìm gặp làng dân tộc Đờ Hôông, Bờ Hôồng (Đông Giang) và đường Hồ Chí Minh huyền thoại… sẽ mở cửa đón khách vào ngày 23.6 này. Kết thúc những chuyến “ngoạn du”, những món ngon “đặc sản” truyền thống của miền Trung - Tây Nguyên tại liên hoan ẩm thực bày ở khu giải trí Đồng Hiệp (Hội An) đủ để người thêm vui cho suốt hành trình…

Lễ hội Hành trình Di sản Quảng Nam lần thứ IV. Ảnh: T.D
Lễ hội Hành trình Di sản Quảng Nam lần thứ IV. Ảnh: T.D

Hấp dẫn từ sự “ khác biệt”

Không giống các lễ hội nhằm tôn vinh một vị anh hùng dân tộc, một vị thánh thần, lễ hội “Hành trình Di sản” Quảng Nam là sự tôn vinh nhân dân đã sáng tạo ra vô vàn những giá trị nhân văn đang ẩn tàng dưới lớp bụi thời gian. Dựa trên văn hóa dân gian truyền thống và cộng đồng cư dân để tổ chức lễ hội là kinh nghiệm quý báu và đặc thù của lễ hội “Hành trình Di sản”. Nó trở thành chủ điểm xuyên suốt lễ hội. Đến lễ hội là sự trở về ngày xưa yên bình, chứa chan hạnh phúc người đời, nhưng trở về không có nghĩa là hoài cổ. Suốt 4 kỳ lễ hội trước, là cuộc hành trình ngược về quá khứ để biết yêu thêm hiện tại. Người ta đổ xô đi xem biểu diễn ca múa nhạc do các diễn viên quần chúng “thực hiện” không phải vì chất lượng nghệ thuật cao, mà đơn giản chỉ là muốn tìm thấy mình trong dấu ấn ngày xa xưa. Ngay lễ hội đầu tiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nhắn gửi rằng “cuộc trở về này là khám phá sự bí ẩn sâu xa nằm trong lòng hai di sản và cả vùng đất, vùng trời và biển đảo Quảng Nam”.

Dấu ấn hoạt động của các Hành trình Di sản đã qua.
Dấu ấn hoạt động của các Hành trình Di sản đã qua.

Sự “khác biệt” của Festival Di sản Quảng Nam không chỉ dừng lại ở việc giảm hình thức sân khấu hóa, không trùng lắp nội dung hay mở rộng trình diễn các hoạt động nghệ thuật đường phố, mà là mỗi năm thêm nhiều sự kiện mới. Từ “hành trình trở về” cho các lễ hội đầu tiên, người Quảng lại mở rộng đến những bản giao hòa Đông Dương. Và độ hấp dẫn của “Hành trình Di sản” vốn đã “định hình thương hiệu” lại sẽ được “tô điểm” trong festival lần này bằng ý tưởng hình thành một lễ hội tầm cỡ khu vực hay quốc gia, chứ không chỉ dừng lại ở tầm hay mô thức đơn lẻ của một địa phương. Đó là lễ hội của không gian văn hóa Việt, của di sản văn hóa ASEAN… Tất cả điều này sẽ tạo ra những điều khác biệt, mới lạ để quảng bá hình ảnh Quảng Nam, giới thiệu sản phẩm du lịch địa phương, kết nối rộng rãi với cộng đồng ASEAN.

Xã hội hóa

Điều mới mẻ khác cũng đã được công bố là bắt đầu xã hội hóa tối đa trong việc tổ chức các lễ hội. Không đổ hết kinh phí hay nguồn lực vào lễ hội để góp phần đỡ gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Mỗi địa phương sẽ đưa ra các sản phẩm du lịch đặc hữu giới thiệu cho du khách. Có thể sẽ là những homestay từ phố, làng mạc ven sông hay trên miền ngược, núi đồi Mỹ Sơn, hoặc giới thiệu những sản phẩm lưu niệm từ các làng nghề truyền thống Quảng Nam mang biểu tượng văn hóa Chùa Cầu, Mỹ Sơn bằng đồng, gốm. “Lạ nhất” là quyết định không mời quá nhiều khách mà tập trung vào quảng bá, giới thiệu cho du khách gần xa và có thể có nhiều sự kiện, hoạt động sẽ được bán vé. Thậm chí, các đoàn nghệ thuật tham dự liên hoan, lễ hội… sẽ tự trả chi phí đi lại, ăn ở và địa phương chỉ hỗ trợ một phần kinh phí trong khả năng ngân sách hay nguồn vốn huy động. Các địa phương tham gia vào lễ hội cũng sẽ tự thân vận động, tìm kiếm và chủ động nguồn kinh phí để xúc tiến đầu tư, nguồn khách và giới thiệu sản phẩm mới.

Cuộc “hành trình” ấy cũng sẽ để lại “trên mặt đất” những sản phẩm du lịch định hình để Quảng Nam có thêm sức hút du khách. Các sản phẩm mới đều có sự tự đầu tư của doanh nghiệp, nhưng lợi ích sẽ được chia đều cho cộng đồng và không đặt lợi nhuận trong một vài năm đầu cho các khoản đầu tư ấy, với khao khát sẽ là những sản phẩm du lịch mới đủ sức cạnh tranh. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, mỗi một festival di sản là cơ hội lớn để Quảng Nam quảng bá, giới thiệu tiềm năng và sản phẩm du lịch đặc hiệu “văn hóa và di sản”. Điều này sẽ tạo tiền đề để Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước, phấn đấu tăng chỉ tiêu đón khách mỗi năm tăng 20% (năm 2012 đã đón hơn 2,8 triệu lượt khách) và sau năm 2015 sẽ đón từ 4 đến 6 triệu lượt khách mỗi năm.

PHAN TRỊNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tôn vinh cộng đồng và kết nối di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO