Trách nhiệm với doanh nghiệp

TÂM CA 01/08/2023 07:20

Không chỉ một “chiến dịch giải cứu”, mọi chính sách, cơ chế, hành động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý.

Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh họp bàn về hoạt động của tổ trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ảnh: D.L
Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh họp bàn về hoạt động của tổ trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ảnh: D.L

Suy giảm sản xuất

Gần 40 nhà hàng, khách sạn ở Hội An bị Vietinbank rao bán để thu hồi nợ như xát thêm muối vào nỗi đau của vết thương nền kinh tế địa phương. Mọi thông số, dữ liệu đều cho thấy các động lực chính của nền kinh tế bị suy giảm nặng nề.

GRDP 7 tháng đã giảm hơn 9,2%, sản xuất công nghiệp giảm đến 24,3%, trở thành mức giảm sâu nhất trong những năm qua...

Cục trưởng Cục Thống kê Lê Quý Đạt cho hay nền kinh tế địa phương đang lâm vào giai đoạn đầy khó khăn. Doanh nghiệp chưa kịp hồi phục đã gặp phải bất ổn, khó khăn của thị trường.

Thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, vật tư khan hiếm... đã khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thất nghiệp có nguy cơ bùng phát.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng ngay lúc này và hơn bao giờ hết, nhà nước phải chìa tay ra, can thiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Phân tích các ngọn nguồn nguyên nhân, định danh những yếu tố bất lợi, tìm cách giải quyết, giúp nhóm doanh nghiệp có nguy cơ hay đang trên đà “tử vong” cao nhất, giúp họ tìm được con đường ngắn nhất gia tăng cơ hội sống sót mới là giải pháp hữu hiệu nhất. Một Tổ công tác đặc biệt đã ra đời để giúp doanh nghiệp và tái thiết nền kinh tế đang trên đà vận hành.

Cuộc khảo sát điều tra của Cục Thống kê quý II/2023, có đến 40% số doanh nghiệp khảo sát cho là khó khăn hơn. Thống kê khảo sát chỉ ra 100% doanh nghiệp ngành kim loại, 71% sản xuất xe có động cơ, 50% doanh nghiệp chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, 100% doanh nghiệp ngành sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu cho rằng sản xuất khó khăn hơn.

Con số này chỉ thuyên giảm đôi chút, chưa thấy được mức độ khả quan bao nhiêu khi vẫn còn đến 34% số doanh nghiệp cho là sẽ còn khó khăn hơn trong các tháng còn lại của năm 2023, thậm chí 2024.

Những doanh nghiệp may mặc lớn như Sedo Vina, Sơn Hà (Duy Xuyên) hay Rio Tam Thăng, Hòa Thọ, Huy Hoàng... đã phải cắt giảm 30% lao động. Hoặc như Gỗ Cẩm Hà chỉ có thể duy trì 1/3 lao động, đang có nguy cơ ngừng sản xuất hoàn toàn cuối năm nay do không có đơn hàng mới.

Một dấu hiệu bất an khác dễ thấy là chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo đến giờ đã tăng hơn 47% so với thời điểm năm 2022. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: dệt 283%, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy 92%, sản xuất xe có động cơ 89%...

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, doanh nghiệp du lịch vẫn đang lâm vào tình trạng khốn đốn. Ngành sẽ rà soát toàn bộ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Chính quyền đồng hành

Chính quyền sẽ làm gì, làm như thế nào để vận dụng các “cơ hội tăng trưởng” để tạo ra động lực tăng trưởng lớn nhỏ, đưa nền kinh tế địa phương vượt qua dông tố? Một trong những giải pháp được tính đến là siết lại kỷ cương công vụ, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hay gia tăng tỷ lệ giải ngân cho dòng tiền được chu chuyển khắp nền kinh tế... là việc dễ dàng thực hiện, nằm ở quyền tự quyết của địa phương.

Dệt may là một trong những ngành có chỉ số sản xuất giảm sâu và lượng hàng tồn kho tăng cao.  Ảnh: T.D
Dệt may là một trong những ngành có chỉ số sản xuất giảm sâu và lượng hàng tồn kho tăng cao. Ảnh: T.D

Một loạt giải pháp thường xuyên đã được triển khai. Đó là thông qua các chương trình xúc tiến, kết nối giao thương với các nhà phân phối, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại các diễn đàn kết nối thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay.

Ngành thuế, hải quan tích cực giải quyết các thủ tục thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ hiệu quả các hoạt động xuất, nhập khẩu, giảm gánh nặng thủ tục hải quan trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Các cơ quan quản lý hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hồ sơ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ..., trao truyền kiến thức quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp..., giải quyết tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng, giảm thiểu việc thiếu hụt nguồn cung và hạ giá thành nguyện liệu.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý là việc làm thường xuyên. Tổ công tác đặc biệt sẽ chỉ giải quyết các vấn đề có tính chất phức tạp, các vướng mắc, khó khăn, tranh chấp, khiếu nại kéo dài hoặc do vướng mắc, chồng chéo giữa các quy định pháp luật và các nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa các sở, ban ngành, địa phương liên quan đến sản xuất kinh doanh hay quá trình triển khai các dự án đầu tư.

Các kiến nghị sẽ được tổng hợp, phân loại, thành 3 nhóm, theo thứ tự ưu tiên: đang hoạt động; đang trong quá trình thực hiện dự án; đang làm thủ tục đầu tư dự án.

Các nhóm này sẽ được chia thành lĩnh vực: công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, nhà ở, bất động sản, xây dựng kết cấu hạ tầng... Kiến nghị hay khúc mắc thuộc thẩm quyền địa phương sẽ được giải quyết ngay, còn lại sẽ kiến nghị lên các bộ, ngành, chính phủ...

Sự sống của doanh nghiệp tác động đến sự tồn vong của nền kinh tế. Cứu doanh nghiệp đồng nghĩa cứu nền kinh tế, nguồn thu ngân sách… Lẽ đương nhiên, chính quyền không thể khoanh tay đứng nhìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường.

Không đủ thẩm quyền ban bố các chính sách miễn giảm thuế hay can thiệp chuyện nội bộ của ngân hàng hay doanh nghiệp, nhưng sự có mặt, đồng hành của chính quyền địa phương trong giai đoạn khó khăn này, thể hiện trách nhiệm, đem lại sự yên tâm cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói, những doanh nghiệp đã “khai tử” thì không thể cứu được hay không thể can thiệp vào chuyện ngân hàng phát mãi tài sản. Chỉ có thể cứu các doanh nghiệp có nguy cơ suy thoái. Thị trường có quy luật tự đào thải. Không một chính quyền nào đủ lực, đủ người để có thể giải cứu tràn lan, cứu hết doanh nghiệp được. Doanh nghiệp phá sản chắc chắn sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế, nhưng đó cũng là sự sàng lọc để tồn tại những doanh nghiệp mạnh khỏe trong cơ thể của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trách nhiệm với doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO