Du lịch

Trải nghiệm đường sắt Malaysia

NGỌC TRÂN 26/05/2024 09:44

Hãy nhắm mắt lại và thực hiện một chuyến đi ở Malaysia với tàu lửa đang phát triển mạnh mẽ. Tôi tin chúng sẽ đem lại những trải nghiệm đặc biệt cho du khách muốn khám phá đất nước này một cách tiện lợi, an toàn và thú vị.

3.-tau-binh-thuong-hien-dai.jpg
Tàu bình thường KTM hay hiện đại ETS đều dùng đường ray cũ.

Mở ra cánh cửa

Malaysia là đất nước có thiên nhiên đẹp, những điểm du lịch sôi động và các món ăn cũng đa dạng. Việc đi tàu lửa giúp du khách lẫn người dân đến đích một cách thuận tiện, đồng thời làm giảm ô nhiễm do xe cộ gây ra.

Từ Kuala Lumpur, trung tâm sôi động và hiện đại, chúng ta có thể bắt đầu hành trình trên những con đường sắt vốn mang trong mình nhiều dấu ấn lịch sử. Đối với du khách, tàu lửa Malaysia không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là cánh cửa dẫn vào một thế giới mới lạ, màu sắc và sinh động.

Người dân Malaysia cho rằng, cách tốt nhất để họ đi lại giữa các vùng cũng là dùng tàu lửa. Vé có thể đặt qua mạng tại ktmb.com.my.

Trên con tàu từ Kuala Lumpur đi Georgetown, tôi ngồi gần những người dân địa phương và nghe họ chia sẻ về ý nghĩa đặc biệt mà đường sắt mang lại. Tôi đã được trải nghiệm một phần của văn hóa địa phương thông qua những cuộc trò chuyện đó.

Một người đàn ông lớn tuổi với gương mặt trầm tư chia sẻ những kỷ niệm tuổi thơ của ông, khi mỗi buổi sáng cùng gia đình đến sân ga, lên tàu. Đối với ông, những chuyến đi như thế không chỉ để di chuyển, đó còn là cơ hội để cảm nhận sự kết nối giữa các thế hệ với nhau, giữa quá khứ với hiện tại.

Đẩy nhanh tốc độ

Hệ thống đường sắt này đã trải qua quá trình hiện đại hóa đáng kể, từ cải tiến hạ tầng cho đến nâng cấp công nghệ như dùng tàu hiện đại chạy điện và thay tà vẹt gỗ bằng tà vẹt bê tông.

Mặc dù cũng chỉ dùng đường ray khổ 1m “lạc hậu” do thực dân Anh xây dựng hồi xưa y như của Việt Nam (do thực dân Pháp thực hiện), nhưng tàu lửa Malaysia hiện nay có thể đạt tốc độ tối đa lên đến 160km/giờ. Trong khi của Việt Nam chỉ khoảng 50km/giờ, đi từ TP.Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng, phải mất đến khoảng 17 giờ cho đoạn đường 1.300km, dừng tại nhiều ga.

Trong một con tàu Malaysia được cho là hiện đại.
Trong một con tàu Malaysia được cho là hiện đại.

Đoạn từ Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia đến Ipoh - một thành phố cổ là dịp trải nghiệm tốc độ tối đa 160km/giờ do tàu chỉ dừng ở những ga chính.

Trong khi đó, từ Ipoh đến Butterworth, qua phà 10 phút để đến Georgetown, một thành phố cổ đông khách du lịch của Malaysia, tốc độ chỉ 120-130km/giờ do tàu phải dừng lại ở nhiều ga. Đáng chú ý là việc Trung Quốc đã đóng góp vào quá trình hiện đại hóa đường sắt Malaysia. Hẳn Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ, sản xuất và lắp ráp tàu ngay tại Malaysia.

Nhìn vào hệ thống đường sắt Malaysia, chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá. Thay vì tập trung vào việc xây dựng các tuyến quá tiên tiến với khổ rộng 1,435 mét rất tốn kém, Malaysia đã chọn phương án tiết kiệm và hiệu quả với khổ đường sắt cũ 1 mét. Điều này cho thấy sự linh hoạt và khôn ngoan trong sử dụng nguồn lực.

Bài học từ đường sắt Malaysia

Có một số bài học quan trọng khác từ hệ thống đường sắt của Malaysia mà những nước chưa giàu lắm có thể nghiên cứu. Malaysia chỉ mất có sáu năm để xây dựng và phát triển thêm hệ thống hiện có. Điều này cho thấy rằng với quyết tâm và quản lý hiệu quả, việc phát triển hệ thống đường sắt có thể được thực hiện nhanh chóng.

Quốc gia này cũng phát triển hệ thống giao thông đa dạng. Malaysia vận hành một loạt phương tiện giao thông, bao gồm dịch vụ tàu điện (ETS), hệ thống tàu điện ngầm đô thị (LRT), hệ thống tàu điện ngầm nhanh (MRT) và các tuyến tàu KTM Komuter (cũng là chạy đường dài như ETS).

Sự đa dạng này không chỉ cung cấp nhiều lựa chọn cho người dân mà còn giúp tối ưu hóa việc sử dụng hạ tầng giao thông công cộng. MRT của Malaysia là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của quốc gia này, nhằm cải thiện và biến đổi hệ thống giao thông công cộng không đủ rộng của thủ đô Kuala Lumpur.

Giờ đây, MRT đã trở thành một phương tiện giao thông phổ biến để đi vào và ra khỏi trung tâm thành phố cho cả người dân lẫn du khách. Tàu liên tỉnh cũng thế (loại tàu ETS và KTM).

Trong nghiên cứu thêm cho quá trình phát triển các tuyến tàu 5 sao từ TP.Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, từ Đà Nẵng đi Huế và ngược lại, cũng như cho việc xây dựng metro ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, hẳn không thể bỏ qua kinh nghiệm của Malaysia.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trải nghiệm đường sắt Malaysia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO