Văn hóa

Trẻ em đang đọc gì?

NGUYÊN TRANG 02/06/2024 10:43

Nếu tách bạch việc giải trí và học tập của trẻ em ra thành hai phần đọc và xem, thì với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng video ngắn và dài, việc đọc sách đang suy giảm nhanh chóng.

img_2214.jpeg
Dàn truyện tranh vừa phát hành ngày 27.5 của NXB Kim Đồng. Ảnh: NXB Kim Đồng

Trẻ đọc để làm gì?

Theo khảo sát gần đây của Tổ chức Đánh giá quốc gia về sự phát triển của giáo dục (NAEP) ở Mỹ, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 9-13 có thói quen đọc sách để giải trí đã sụt giảm nhiều.

Cụ thể, từ năm 1984-2019, số trẻ 9 tuổi đọc sách giải trí mỗi ngày đã giảm từ hơn 50% vào năm 1984 xuống còn 42% vào năm 2019. Trong số học sinh trung học, tỷ lệ các em thường xuyên giải trí bằng đọc sách đã sụt xuống 17%, trong khi số em hiếm khi đọc hoặc chẳng bao giờ đọc đã tăng gấp 3.

Số liệu ở Mỹ, tuy nhiên vẫn có thể tham chiếu cho tình trạng đọc sách của trẻ em hiện tại ở Việt Nam. Lý do chính hiện nay để học sinh đọc sách, là theo yêu cầu của môn học, đọc theo hướng dẫn của giáo viên, đọc để làm bài tập. Chính vì đọc như một nhiệm vụ bắt buộc, niềm vui khi đọc sẽ không còn. Thậm chí, nếu bài tập chỉ yêu cầu đọc trích đoạn, các em cũng chỉ đọc đúng đoạn trích đó rồi khép sách lại.

Áp lực từ trường lớp có thể khiến học sinh cầm sách lên đọc nhưng không giúp các em có được niềm vui từ việc đọc sách. Chưa kể, sự kích thích từ các thiết bị điện tử khiến sách trở nên nhàm chán và như một “gánh nặng” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Con số 17% nói trên là một sự thật đáng buồn.

Rõ là mục tiêu đọc quyết định thể loại sách mà trẻ con đọc.

Để đáp ứng việc học, sách giáo khoa và các loại sách tham khảo hiện phổ biến nhất đối với học sinh, đặc biệt là học sinh trung học.
Với mục tiêu giải trí, truyện tranh hiện nay áp đảo các loại sách khác bởi sự hấp dẫn, đa dạng ở chủ đề, nội dung, nhiều hình vẽ và quan trọng là “ít chữ”, từ trình độ lớp 2 là có thể đọc được. Bên cạnh thị phần khiêm tốn của truyện tranh Việt Nam, truyện tranh trên thị trường có xuất xứ từ nước ngoài là chính, trong đó nhiều nhất vẫn là truyện tranh từ Nhật Bản.

Đáng chú ý, truyện tranh không phải là ưu tiên hàng đầu của phụ huynh khi chọn sách cho con đọc.

Theo báo cáo Trẻ em đang đọc gì năm 2023 của Tổ chức Renaissance (Anh), trẻ em đang đọc nhiều sách hơn trước. Tuy nhiên, niềm vui cũng như khả năng đọc hiểu của chúng lại đang giảm đi đáng kể, đặc biệt trong nhóm các học sinh trung học.

Đọc nhiều nhưng ít vui

Đầu tháng 3 năm nay, Tổ chức thiện nguyện World Book Day (hoạt động tại Anh và Ireland) cho biết khảo sát trên 1.000 em trong độ tuổi từ 7-14 cho thấy có một số lượng đáng kể các em cảm thấy không được tự do đọc những gì mình muốn.

Hơn 1/3 các em được hỏi cho biết mình không thể chọn những gì muốn đọc, khoảng 1/5 cảm thấy mình bị những người lớn xung quanh đánh giá vì các sách đã chọn, do đó các em bị mất động lực ham thích đọc sách.

Đây có lẽ là xung đột chính của lứa tuổi thiếu niên với bố mẹ về việc đọc sách. Bố mẹ muốn con đọc những quyển sách nhiều chữ, có tính giáo dục cao, có thể cung cấp kiến thức hoặc giáo dục nhân cách. Còn con trẻ chỉ muốn được tự do lựa chọn thể loại và những quyển sách mình ưa thích để đọc mà không phải chịu sự phán xét của người lớn. Nếu không sớm tìm được điểm cân bằng là một thỏa thuận đọc sách phù hợp giữa phụ huynh và trẻ, số lượng trẻ “bất mãn” khi đọc sách sẽ còn tăng nữa.

Cùng với truyện tranh, văn học thanh thiếu niên có nhiều sách đáp ứng được cả nhu cầu đọc của trẻ em và kỳ vọng của phụ huynh, tuy nhiên giống như truyện tranh, sách thuần Việt khá ít mà chủ yếu vẫn là sách dịch.

Với lứa tuổi nhỏ hơn, mẫu giáo và tiểu học, sách tranh tương tác, truyện cổ tích có hình minh họa và sách khoa học với hình ảnh sinh động vẫn được ưa chuộng nhiều. Tuy nhiên trong giai đoạn hình thành niềm yêu thích và thói quen đọc sách này, trẻ nhỏ cần nhất vẫn là sự đồng hành và làm gương của bố mẹ mỗi ngày. Ít nhất cho đến khi trẻ trở thành người đọc độc lập, có sở thích và mục tiêu riêng khi đọc sách, có quyền lựa chọn sách phù hợp, có kệ sách của riêng mình và thời gian biểu cho việc đọc sách. Đây chính là nền tảng cho việc trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên có mặn mà đọc sách hay không trong tương lai.

Đọc sách là một việc không nên tính số lượng, nhất là với trẻ nhỏ. Đọc sách không phải là cuộc đua, không phải huy hiệu để khoe mẽ. Chính vì thế, trẻ nhỏ đọc nhiều sách hơn trước không hoàn toàn là một tín hiệu đáng mừng. Nhất khi, mục tiêu của việc đọc sách là để giải trí và khả năng đọc hiểu, kết nối, thấu cảm… giảm đi.

Giảm áp lực với việc đọc, biến đọc sách thành một hoạt động bình thường cũng như lựa chọn sách chất lượng, phù hợp với trẻ là điều đặt ra. Tiêu chí phù hợp không chỉ theo đánh giá của người lớn mà còn là sở thích của trẻ em, cho trẻ có quyền chọn sách mình muốn cũng như tạo điều kiện để trẻ tham gia những buổi trò chuyện, chia sẻ về sách… Đây chính là những giải pháp đầu tiên cho việc nuôi dưỡng tình yêu với việc đọc sách cho con, nếu bố mẹ thật sự coi trọng việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trẻ em đang đọc gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO