Viết về đề tài chiến tranh cách mạng

Trên đường ra miền Bắc (Tiếp theo và hết)

PHẠM THÔNG 27/12/2024 09:26

Đường 9 phía Nam Lào lúc này rất yên ổn. Vì ta vừa đánh bại, đẩy lùi cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Liên hợp quân Mỹ - ngụy từ Quảng Trị càn sang đất Lào chiếm giữ vùng rừng núi nằm dọc hai bên đường 9, hòng ngăn chặn chi viện của ta từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam theo đường Tây Trường Sơn. Quân chủ lực của ta đã đánh bại, đuổi sạch chúng về phía Quảng Trị - Đông Hà, nơi chúng tạm thời chiếm đóng.

Vượt đường 9 rất êm, tiếp tục lội núi băng đèo, sau 7 ngày, ba anh em kết nghĩa bạn đường Nam Bộ - Khu 5 đến Binh trạm 46 nằm trên biên giới Lào - Việt. Tại đây ba đứa lên xe Zin 3 cầu thẳng về hướng đông, gần một buổi đường đến binh trạm đầu mối hành lang 559 đóng ở Cự Nẫm, Quảng Bình.

Đến Cự Nẫm, đêm đầu nằm tại trạm đầu mối từ Bắc vào Nam, tôi tưởng tượng lại chặng đường hai tháng trời vượt Trường Sơn thật vô cùng gian khổ. Một chuyến đi hiếm có của đời người.

Người từ chiến trường miền Nam ra Bắc phần đông lại là thương binh, bệnh binh. Nhiều người cụt chân, có khi cụt cả hai chân phải khiêng bằng võng, có người sốt rét không đi nổi phải nằm lại trạm điều trị cả tháng trời.

Đi vậy, nửa năm trời mới đến miền Bắc. Trong số họ nhiều người không bao giờ nhìn thấy đất Bắc, họ phải nằm lại vĩnh viễn trên con đường núi non vạn dặm kia.

Như vậy, tôi đã chính thức đặt chân trên đất miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, trước mắt là làng quê thanh bình, gần như không còn dấu tích chiến tranh. Khi ở chiến trường miền Nam, tôi tưởng tượng chiến tranh phá hoại của Mỹ đã đánh phá tan tành miền Bắc. Nhưng không, từ năm 1968, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Đó là điều kiện đầu tiên để hai bên ta và Mỹ ngồi vào bàn đàm phán.

Quảng Bình là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Tuyến hành lang từ Bắc vào Nam chạy dọc miền trung du Quảng Bình ngày nào chúng cũng ném bom.

Làng mạc xơ xác, hố bom dày đặc thế mà chỉ sau 3 năm các hố bom đã được san lấp, đồng ruộng trở lại xanh tươi, làng quê yên bình cùng bài ca “Quảng Bình quê ta ơi” vang vang trên các loa phát thanh, khí thế lắm.

Binh trạm đóng trong làng, lán trại bộ đội xen kẽ với nhà dân. Tôi cùng hai em được bộ đội gửi trọ nhà dân, dân rất quý mến bọn trẻ miền Nam.

Nghỉ lấy sức tại nhà dân vài ngày, từ biệt các cô các dì đã sẵn lòng giúp đỡ, chúng tôi lại lên đường. Đêm nằm hơn năm ở, tôi ghi lòng tạc dạ ơn nghĩa của người dân Cự Nẫm, lên xe nhà binh chạy sâu về phía hậu phương miền Bắc.

Xe vẫn chạy theo tuyến đường trung du Quảng Bình, vượt phà sông Gianh, Cẩm Lệ ra Hà Tĩnh qua Ngã Ba Đồng Lộc đến Đức Thọ; xuống phà xuôi sông La đến bến Thủy - sông Lam; lên xe lửa từ ga Vinh ra ga Phủ Lý - Nam Hà.

Tại Trạm đầu mối Phủ Lý mọi người trình giấy tờ để phân loại: ai là cán bộ dân chính, ai là bộ đội, ai là thương bệnh binh, ai là học sinh được ra Bắc học tập đào tạo.

Thời chiến người ta làm việc nhanh và giỏi thật, giấy tờ đâu có ảnh, đâu có dấu đỏ nhưng qua mật mã, khóa số như thế nào đó mà họ không bao giờ bỏ lọt sự giả mạo. Tiếp đến, Ban đón tiếp phân bổ người đi về hướng nào, đơn vị nào rất nhanh chóng...

Tại Phủ Lý, tôi chia tay bạn đường trong chuyến đi có một không hai của đời người. Hai em Dung, Hạnh ra Hà Nội, đến T64 đóng ở Ô Chợ Dừa, đơn vị đón tiếp con em miền Nam ra Bắc học tập.

Tôi cũng lên xe chạy về Thủ đô Hà Nội, tiếp tục được đưa tới trạm đón tiếp K15 (biệt danh của đơn vị đón tiếp cán bộ miền Nam) đóng tại thị xã Hà Đông.

Giấy tùy thân từ chiến trường ra hậu phương là hai tờ pơ luya mỏng do Ban Tổ chức Khu 5 cấp. Đó là số phận chính trị, tôi biết rất rõ điều này. Một tờ giới thiệu ở đơn vị nào, cấp bậc, tình trạng sức khỏe; một tờ giới thiệu sinh hoạt đảng.

Theo lời bác Hoàng Minh Hiệu, đi đường tôi chỉ trình tờ giấy thứ nhất, tờ thứ hai thủ kỹ dưới đáy ba lô. Đến K15 theo yêu cầu của tổ chức tôi trình hết cả hai. Giấy tờ đó là căn cứ để tổ chức sắp xếp, bố trí chế độ sinh hoạt phí cho từng cán bộ.

K15 là nơi đón tiếp cán bộ có hạng ngạch sơ cấp trở xuống, nghĩa là cán bộ có cấp bậc đến huyện ủy viên, bí thư xã…; cán bộ trung cấp là từ thường vụ huyện ủy trở lên hoặc ngang hàng thường vụ huyện ủy đến tỉnh ủy viên đưa về K5.B; cán bộ cao cấp như thường vụ tỉnh ủy trở lên được đưa tới K5.A. Nơi đón tiếp cán bộ trung cao K5.B và K5.A đều đóng ở Quảng Bá - Hồ Tây, Hà Nội.

Làm thủ tục xong, tôi được bố trí ở chung phòng với một vài đồng chí từ các chiến trường khác cùng ra Bắc. Tùy theo cấp bậc, Nhà nước cấp sinh hoạt phí theo tháng cho mỗi cán bộ, du kích, tôi được nhận sinh hoạt phí mỗi tháng 62 đồng, tương đương với cán bộ sơ cấp của miền Bắc.

Cán bộ dân chính đảng các cấp kể cả du kích xã từ miền Nam ra Bắc do Cục cán bộ B thuộc Ban Thống nhất Trung ương quản lý; bộ đội huyện đến chủ lực từ miền Nam ra Bắc do Bộ Quốc phòng quản lý, hưởng chế độ theo cấp bậc quân đội.

Ở K15 vài ngày, tôi được khám xác định tình trạng sức khỏe. Lạ là từ chiến khu Trà My lên đường đi Bắc, hơn hai tháng vất vả lội dọc Trường Sơn bệnh cũ không tái phát. Càng đi tôi càng khỏe ra, đến K15 bác sĩ soi khám cho kết quả bình thường. Đây là đơn vị đón tiếp, ở tạm thời gian ngắn không biết họ sẽ đưa đi đến đâu nữa…
Từ nay tôi ở trên đất Bắc.

Sau khi an dưỡng chữa bệnh 3 tháng, tôi được đưa về học văn hóa ở Trường Bổ túc Công nông sơ tán đóng ở Từ Hồ, Hưng Yên dành riêng cho cán bộ miền Nam ra Bắc học tập. Ở đây tôi học hết cấp III, năm 1974 thi vào đại học, tháng 8/1975 đi du học Đại học Nông nghiệp ở Đông Âu rồi trở về quê công tác mãi tới lúc về hưu.

Trên những chặng đường gian truân thời chiến, đối với tôi hai tháng ròng rã vượt Trường Sơn ra miền Bắc là một trong những sự kiện không thể nào quên. Cuối đời nhìn lại dặm dài thăm thẳm kể từ ngày thoát ly tham gia cách mạng, tôi luôn rưng rưng nhớ về cái thời gian khổ hiểm nguy ấy.

Bạn bè cùng thời ra đi với tôi, được trở về quê hương, được học hành và tiếp tục công tác trong thời bình như tôi có được mấy người. Và hình ảnh hai em gái Hạnh, Dung người Nam Bộ với những bước chân nhỏ xíu treo chếch giữa triền núi tây Trường Sơn kia luôn là những ký ức thân thương, đáng nhớ nơi sâu thẳm tâm hồn tôi. Các em cũng đã ở tuổi gần bảy mươi rồi nhỉ. Các em giờ đang ở đâu?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên đường ra miền Bắc (Tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO