Trên sườn đồi có phấn hoa bay

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 04/11/2023 08:00

Xanh mướt những vạt đồi. Từng cánh rẫy nối nhau, ngút ngàn, như có thể bước lên mà đi vào mây. Sau những đợt mưa dầm dề trút xuống, trời vùng cao vời vợi xanh. Mùa rẫy đã xong, đồng bào Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang, Đông Giang đón sự kiện trọng đại của năm: cúng mừng lúa mới.

Những bông lúa đẹp nhất, chắc hạt nhất được mang về để đặt vào mâm cúng lúa mới.
Những bông lúa đẹp nhất, chắc hạt nhất được mang về để đặt vào mâm cúng lúa mới.

“Avatar” của vùng cao

Chúng tôi đi dọc quốc lộ 14G, từ Dốc Kiền ngược lên hướng P’rao. Nhiều ngôi làng nép mình bên suối, thi thoảng lại hiện lên sau một khúc cua. Nhà nhỏ, mái ngói, mái tôn phủ lên những ô cửa gỗ cũ xinh ẩn sau bóng mát của cây cối. Một avatar (hình ảnh đại diện) của vùng cao.

Với đồng bào Cơ Tu, lễ hội ăn mừng lúa mới được tổ chức hàng năm sau thời gian thu hoạch lúa mùa trên nương rẫy. Ngày trước, sự kiện này được xem rất trọng đại ở các bản làng đồng bào Cơ Tu, là dịp để họ cúng thần, tạ ơn trời đất.

Tùy theo điều kiện của từng gia đình, làng bản mà lễ hội được tổ chức theo mức độ khác nhau. Có những năm được mùa, dân làng no ấm, đồng bào cùng góp của cải, vật chất để “ăn” lúa mới bằng hình thức đâm trâu truyền thống. Về sau, nhiều nơi bãi bỏ đâm trâu, tổ chức lễ hội giản đơn để tiết kiệm, tránh những hệ lụy.

Những hạt lúa đầu tiên của vụ mùa được đưa vào chảo, rang lên, mùi lúa mới quyện với mùi khói, thơm lừng căn bếp. Vợ chồng Rapát Hái (ở thôn Bh’lô Bền, xã Sông Kôn, Đông Giang) sửa soạn suốt buổi, dọn một mâm cơm cúng thần lúa.

Mâm cơm được dọn lên, hai vợ chồng Rapát Hái khoác bộ thổ cẩm đẹp nhất, làm nghi thức cúng. Đó là tục, chưa năm nào vắng thiếu trong gia đình của Hái.

Trên mâm cúng, ngoài các lễ vật quen thuộc như chén cơm, thịt gà, đầu heo, rượu trắng… người Cơ Tu thường đặt bông lúa vừa mang về từ cánh rẫy để dâng lên thần linh.

Những bông lúa được rửa sạch, tuốt hết hạt lép, thể hiện niềm thành kính và lòng biết ơn thần linh, ông bà đã phù trợ. Máu tươi của gà hoặc heo được dùng để làm vật truyền tin, nối những cuộc “trò chuyện” giữa chủ nhà với thần linh trong nghi thức cúng tế truyền từ ngàn xưa.

Người Cơ Tu ở Đông Giang cúng lúa mới khá đơn giản nhưng đầy đủ nghi thức, lễ vật dâng thần. Tùy theo điều kiện gia đình, vật tế thần có khi là con heo hoặc con gà trống. Tất cả được xem như tấm lòng của chủ nhà với thần linh, sau thời gian trồng và chăm sóc lúa. Đây cũng là dịp để đồng bào cầu may, mong sự sung túc trong vụ mùa lúa tiếp theo.

“Những cây lúa đẹp nhất, hạt nhiều nhất được gặt mang về nhà. Hạt lúa sau khi làm sạch thường được rang trực tiếp trên chảo lửa, rồi giã lấy gạo mới. Số gạo này dùng để nấu cơm cúng thần, chiêu đãi người dân, cộng đồng trong ngày cúng lúa mới. Phong tục truyền đời, năm nào nhà mình cũng làm lễ cúng lúa mới, mời bà con, người làng vào tiệc để tạ ơn thần lúa, chia sẻ niềm vui thu hoạch” - Rapát Hái chia sẻ.

Lúa sau khi gặt về thường được rang khô trên bếp để tăng độ thơm ngon.
Lúa sau khi gặt về thường được rang khô trên bếp để tăng độ thơm ngon.

Già Alăng Đàn, người làng Bút Tưa (thôn Bh’lô Bền) nói, những chùm lúa xanh mởn được gặt từ rẫy, ngoài đặt trang trọng trên mâm cúng, còn được ngắt vài cọng giắt lên giàn bếp hoặc phên nhà. Người Cơ Tu quan niệm, vạn vật đều có hồn, và lúa cũng không ngoài cuộc. Cách làm đó là để gọi hồn lúa về nhà, giúp giữ đầy kho thóc, cầu mong mùa màng tiếp tục bội thu.

“Bữa cơm đầu tiên đó, tùy theo quy mô của gia đình mà thành phần có thể chỉ vài anh em trong nhà hoặc hàng xóm, thậm chí là cả cộng đồng. Từ nhà này sang nhà khác, mùa lúa mới, không khác gì tết. Ngày trước, lễ mừng lúa mới là cái tết duy nhất của đồng bào, tết cổ truyền mới có sau này thôi” - già Alăng Đàn bộc bạch.

Già Đàn kể, ngày xưa, làng Cơ Tu thường sống tập trung theo từng cộng đồng nhỏ nên gần như bữa cơm mừng lúa mới đều tập trung đông đủ. Sau này, vì dân cư đông đúc hơn, cuộc vui chỉ mời đại diện chủ hộ, chủ làng.

Nhiều gia đình có điều kiện hơn một chút, sau khi mổ heo tiếp đãi đàn ông, chủ hộ thường mang những phần cơm, thịt đến từng gia đình còn lại để “chia phần”. Tục chia phần là nét đẹp cố kết cộng đồng, vẫn được gìn giữ và lưu truyền đến hôm nay, cũng là một “avatar” cho tính cách phóng khoáng và mối cố kết cộng đồng bền chặt của người Cơ Tu, ở núi.

Phai nhạt vô hình

Tiếng nói cười rộn rã. Sự lặng lẽ của những người đàn bà với chiếc gùi trĩu nặng mà chúng tôi thỉnh thoảng vẫn bắt gặp dọc đường ngược núi biến mất. Họ cười nói, chuyện trò.

Một bát rượu được truyền tay, ai vui có thể đón lấy mà uống, mặc nhiên, thỏa sức. Họ rũ bỏ nét buồn lặng cam chịu thường nhật, sống trong cái hân hoan no đủ của ngày lễ trọng đại. Đủ đầy, thừa mứa có thể chỉ một ngày, vài ngày, nhưng cứ phải vui. Vui hết mình.

Những hạt cơm thơm dẻo, quà tặng của thần lúa.
Những hạt cơm thơm dẻo, quà tặng của thần lúa.

Vợ Rapat Hái đã hát. Người ta lại truyền tay nhau bát rượu. Gian nhà ấm hơn hẳn ngày thường. Cánh đàn ông, say sưa như thường lệ, cũng nhìn qua mâm cơm của những người đàn bà, vỗ tay. Rộn rã tiếng cười. Bao nhiêu biến đổi, xê dịch, nhưng tục mừng lúa mới vẫn là sự kiện không thể vắng thiếu mỗi mùa thu hoạch.

Những người trẻ mải miết đi xa, đi học, đi làm, cũng đã được gọi về trong mâm cơm. Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều tiện nghi, và cũng dự phần vào bao mất mát vô hình. Nhưng nhiều gia đình không bỏ phong tục truyền đời của ông cha mình: mừng lúa mới.

Quy mô có thể giảm đi, nhưng phải tổ chức. Hạt lúa vẫn xuất hiện trên mâm cúng, và bát cơm mới thơm nức đến tận tay từng người trong gia đình. Trên tay họ, là thành quả của nhiều tháng ròng cặm cụi dọn rẫy, gieo hạt, chăm sóc. Phần thưởng cho bao vất vả, là no đủ say sưa hôm nay.

Alăng Beo, một bạn trẻ người Cơ Tu ở thôn Bh’lô Bền kể chuyện đi dự lễ cúng lúa mới ở nhà một người bạn Cơ Tu vùng thấp.

“Họ cúng bằng một con vịt. Rất lạ. Hỏi thì chủ nhà nói vịt vừa rẻ, vừa dễ kiếm. Ăn cơm mới mà không biết nên vui hay buồn. Năm đó, thiên tai dội xuống, mất mùa, bà con cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng thay gà, thay heo bằng vịt thì không đúng. Người ta sẵn sàng làm khác đi, làm như đối phó, làm chỉ để xong phần trách nhiệm, thì có lỗi với thần linh, có lỗi với văn hóa của dân tộc mình” - Beo tâm sự.

Soi vào lời kể, hẳn có thể thấy rõ những nỗi niềm. Người ta nói quá nhiều về mai một văn hóa, về những “biến tướng” trong tập tục, về sự phai nhạt của lớp trẻ trong niềm yêu truyền thống của dân tộc mình. Nói, nhưng rồi mất vẫn mất, khác vẫn khác. Đâu đó trong tiềm thức, sự ngưỡng vọng đối với thần lúa, với thần rừng, với cha ông mình bỗng có quá nhiều thay đổi.

Bữa cơm mới được tổ chức trong phạm vi gia đình.
Bữa cơm mới được tổ chức trong phạm vi gia đình.

Chúng tôi nghĩ về cây lúa, về những hạt gạo sinh ra từ sườn đồi. Cây lúa là cây tự thụ phấn, nhưng nhờ gió núi, nhờ những con ong, phấn hoa có thể từ cây này được mang sang cây khác. Có vài phần trăm trong số vô vàn hạt gạo hình thành nhờ thụ phấn chéo. Trên sườn đồi, vẫn có phấn hoa bay.

Lúa đúng là loài tự thụ phấn, nhưng những con ong và gió núi đang bay đi. Lúa sẽ phân hóa thành nhiều dòng với những đặc điểm khác nhau qua một số thế hệ. Không ai có thể cản lại được đàn ong và những con gió.

Những khác biệt rồi sẽ tự hình thành, dẫu sườn đồi ấy đã được truyền nhau canh tác qua hàng chục thế hệ, bằng cách thức như cũ, bằng những giống lúa cũ. Một con vịt “ngự” trên mâm cúng lúa mới, rồi sẽ có những thức vật khác.

Những biến đổi vô hình cứ lặng lẽ đến, nhưng lo nhất là biến đổi trong tâm thức, trong những ngưỡng vọng truyền đời. Giữ lấy truyền thống, là giữ lấy nghi thức, lấy niềm tin, sự tôn thờ, kính ngưỡng với thần linh. Là giữ những thứ giản đơn nhất, như mâm cơm hôm nay, bà con Cơ Tu cúng mừng lúa mới...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trên sườn đồi có phấn hoa bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO