Cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 4 là ưu tiên hàng đầu trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Thời gian qua, Quảng Nam có nhiều nỗ lực trong việc triển khai DVCTT, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.
Vào cuộc tích cực
Gần đây, việc triển khai cung cấp DVCTT có sự chuyển biến đáng kể, nhất là sau khi UBND tỉnh ban hành Công văn số 4516 ngày 20.7.2021 nhằm đôc đốc thực hiện Kế hoạch 2714 ngày 11.5.2021 của UBND tỉnh về cung cấp DVCTT lên mức độ 4.
Cách đây hơn 3 tháng, UBND tỉnh đánh giá “hầu hết nhóm công việc giao cho cơ quan, đơn vị, địa phương và Sở TT&TT tại Kế hoạch 2714 triển khai chưa đúng tiến độ”.
Thời điểm đó, toàn tỉnh mới cung cấp 792 DVC mức 3, 4, trong đó có 253 DVC mức 4 (tỷ lệ 14%); chỉ có 120 DVC được tích hợp lên cổng DVC quốc gia; số hồ sơ trực tuyến mức 4 khoảng 9.000 hồ sơ…
Tại Thông báo số 468 ngày 18.10.2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các sở, ban ngành, địa phương triển khai việc số hóa dữ liệu hồ sơ tiếp nhận của tổ chức, công dân tại trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa các cấp kể từ ngày 1.10.2021; xây dựng kế hoạch, lộ trình và tiến hành các thủ tục để số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực, bắt đầu thực hiện số hóa từ ngày 1.11.2021. UBND cấp huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường, chấn chỉnh việc sử dụng hệ thống thông tin một cửa điện tử để tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn quản lý.
Tuy nhiên, đến nay Sở TT&TT cho biết toàn tỉnh đã cung cấp 1.274 DVCTT mức 3, 4; trong đó tỷ lệ DVC mức 4 chiếm đến 94,2% (1.201 DVC mức 4).
Đến nay có 1.228 DVC được tích hợp trên cổng DVC quốc gia. Các cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã tiếp nhận 576 hồ sơ trực tuyến mức 3 (tỷ lệ 0,99%) và 15.022 hồ sơ trực tuyến mức 4 (tỷ lệ 25,8%) trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận là 58.171.
Ngoài việc ban hành các văn bản liên quan, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác, tổ giúp việc triển khai kế hoạch cung cấp 100% DVC mức độ 4 với gần 100 thành viên từ tỉnh đến huyện. Nhiều địa phương vào cuộc quyết liệt với những hành động cụ thể.
Như thị xã Điện Bàn đã phê duyệt, đầu tư các hệ thống thiết bị, tạo thuận lợi cho người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Thành lập các tổ tuyên truyền, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho lực lượng đoàn viên, cán bộ thôn khối phố về DVC mức độ 3, 4
Ở TP.Tam Kỳ, gần 2 tháng qua, lực lượng đoàn viên thanh niên túc trực tại Trung tâm Hành chính công của thành phố và bộ phận một cửa xã, phường nhằm triển khai mô hình “Công dân không viết” - hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến mức 3, 4...
Khắc phục tồn tại
Nhiều năm theo dõi DVCTT, ông Nguyễn Văn Thảo, cán bộ Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng UBND tỉnh) nhìn nhận, việc triển khai cung cấp DVC mức 3, 4 có chuyển biến, nhưng còn nhiều thách thức, khó khăn.
Trong đó dễ thấy nhất là số lượng DVC mức 4 đã được cung cấp nhiều nhưng công tác tiếp nhận hồ sơ đầu vào còn thấp. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức 4 toàn tỉnh đến nay khoảng 25,8%, trong khi mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 phải đạt ít nhất 50% hồ sơ trực tuyến mức 4.
Và theo thống kê, hiện nay hồ sơ trực tuyến mức 4 chủ yếu phát sinh ở cấp sở, ngành của tỉnh (tỷ lệ 47,1%), còn cấp huyện, cấp xã tỷ lệ còn thấp, tương ứng khoảng 8,1% và 6,8%. Hồ sơ trực tuyến mức 4 tập trung nhiều nhất ở những lĩnh vực thuộc các sở, ngành như Sở Công thương, Sở TT&TT, Ban Dân tộc tỉnh…
Ở một số lĩnh vực quan trọng, bức thiết như đất đai, hộ tịch, thủ tục hành chính liên thông về bảo hiểm gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp…, thì hồ sơ trực tuyến mức 4 phát sinh còn ít.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trong lĩnh vực đất đai còn thấp. Từ tháng 1 - 9.2021, Điện Bàn có hơn 10 nghìn hồ sơ đất đai, nhưng phát sinh hồ sơ trực tuyến chỉ 10 bộ. Thực trạng này cần có thời gian để thay đổi nhận thức, cách làm, từ các cơ quan chuyên môn đến người dân.
“Hồ sơ đất đai làm thủ công đã phức tạp, nay qua dịch vụ số còn nhiều bất cập, vướng mắc, cần có giải pháp để khắc phục. Theo tôi, nếu giải quyết tốt việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 ở lĩnh vực đất đai thì sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến nói chung” - bà Hằng nói.
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT&TT cho rằng, để hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% DVCTT đủ điều kiện lên mức độ 4 trong năm 2021, Sở TT&TT đề nghị các sở, ban, ngành phối hợp, cử cán bộ chuyên môn tham gia xây dựng các biểu mẫu eForm đối với các DVC mức độ 4 của các sở, ban, ngành để đảm bảo việc triển khai các biểu mẫu phù hợp với yêu cầu thực tế của đơn vị.
Đồng thời các địa phương cần có giải pháp khuyến khích người dân sử dụng DVCTT như tuyên truyền đến các thôn, khối phố; triển khai các tổ xung kích để hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến…