Đô thị Tam Kỳ trong những năm gần đây đối mặt với nhiều trận ngập lụt lớn. Từ năm 2018 đến nay tình trạng ngập ngày càng tăng lên cả về tần suất, mức ngập và diện ngập rộng. Do đó, chính quyền thành phố đang nỗ lực triển khai các giải pháp giảm ngập lụt, nhất là ở nội đô.
Từ năm 2021, đã có nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học của tỉnh và thành phố được tổ chức để đánh giá thực trạng, nguyên nhân và tìm giải pháp giảm thiểu ngập lụt cho đô thị Tam Kỳ.
Từ đó nguyên nhân được xác định gồm có tác nhân nội tại như hệ thống thoát nước không đồng bộ; chịu tác động rất lớn từ quá trình đấu nối, mở rộng mạng lưới. Các tác nhân ngoại lai được xác định gồm ảnh hưởng của triều cường; mực nước sông và nguồn nước ngoại lai chảy vào đô thị; mưa lớn. Bên cạnh đó là do biến đổi khí hậu, mưa cực đoan và tác động của đô thị hóa.
Tam Kỳ đã triển khai các giải pháp thoát nước, giảm ngập lụt cho nội đô; trong đó có nhóm giải pháp cấp bách là cắt nguồn nước phía tây (phân khu 2) chảy vào mạng lưới thoát nước nội đô.
Giải pháp trung hạn là chỉnh trang và nâng cấp công trình thoát nước trong nội đô và giải pháp thường xuyên là nạo vét, khơi thông dòng chảy, hạ tầng cây xanh. Các giải pháp được thực hiện đồng bộ với sự tư vấn của các chuyên gia.
Mương thoát nước từ cầu Ngân Hàng (đường Phan Châu Trinh) đến đường Bạch Đằng vốn là công trình thoát nước có từ lâu đời của Tam Kỳ, tuy nhiên trong quá trình đô thị hóa, nhiều người dân khu vực này đã lấn chiếm dòng chảy để xây dựng công trình nhà ở, xả rác thải làm hạn chế dòng chảy.
Vì thế, vị trí này là một trong số nơi bị ngập lụt nặng nhất mỗi mùa mưa bão. Năm 2023, ngay khi có chủ trương của Nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình thoát nước này, nhiều hộ dân đã nhanh chóng trả lại phần diện tích lấn chiếm để thi công công trình.
Bà Võ Thị Ước là một trong những hộ dân khối phố 3 (phường Phước Hòa) sớm bàn giao đất đã lấn chiếm để thi công công trình.
“Trước đây tôi đã lấn chiếm hơn 2m ra cống để nới diện tích nhà dài hơn, nhưng khi địa phương họp dân, giải thích tầm quan trọng của công trình thoát nước này thì tôi đã nhanh chóng tháo dỡ trả lại cho Nhà nước. Tôi rất phấn khởi vì bây giờ cống thoát nước này đã rộng hơn, sạch đẹp hơn. Hy vọng năm nay khu vực này giảm được ngập lụt” - bà Ước nói.
Năm 2023, Tam Kỳ thi công 4 công trình mang tính cấp bách nhằm giảm thiểu ngập lụt cho nội đô, gồm mương thoát nước từ cầu Ngân Hàng; dự án khớp nối hạ tầng khu phía bắc đường Điện Biên Phủ đoạn cống Phú Thọ; hồ điều hòa An Xuân; các hồ điều tiết và mương thoát nước thuộc Dự án thoát nước dọc đường bao Nguyễn Hoàng. Đây là những công trình vừa có mục đích thoát nước vừa tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp cho đô thị Tam Kỳ.
Ông Phạm Thanh Vân (người dân phường Hòa Thuận) phấn khởi khi thấy công trình các hồ điều tiết và mương thoát nước thuộc Dự án thoát nước dọc đường bao Nguyễn Hoàng được thi công, tạo diện mạo mới cho khu vực nơi ông đang ở.
“Trước đây, dọc đường bao này là ruộng bỏ hoang, nước ứ đọng, rác thải gây ô nhiễm môi trường. Bây giờ làm công trình lên như thế này tôi thấy rất đẹp, mong công trình sẽ nhanh chóng hoàn thiện” - ông Vân nói.
TP.Tam Kỳ đang khẩn trương thực hiện các công trình mang tính giải pháp cấp bách, đó là nâng cấp các công trình thoát nước cho nội thị, đồng thời chia bớt lượng nước phía tây qua tuyến kênh ra ngả sông Trường Giang, khơi thông tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương…
Cạnh đó, bảo tồn các khu dự trữ nước tự nhiên như ao hồ, khu trũng phía tây. Song song với giải pháp cấp bách, thành phố cũng đang thực hiện nhóm giải pháp trung hạn và thường xuyên nhằm tăng khả năng thoát nước trong mạng lưới.
Trong đó tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân không bịt cửa thu nước gây cản trở dòng chảy và chung tay với chính quyền trong công tác khơi thông dòng chảy khi có mưa lớn xảy ra. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp đổ chất thải xây dựng vào hệ thống thoát nước, các trường hợp lấn chiếm dòng chảy.
Ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết: “Thành phố đang xây dựng Đề án thoát nước nội đô Tam Kỳ, trong đó có đề xuất các giải pháp cụ thể.
Bên cạnh giải pháp bằng công trình xây dựng mang tính cấp bách cũng như lâu dài, còn có những giải pháp phi công trình. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân về quản lý khu vực đất công các vùng trũng thấp, các vùng thoát nước của đô thị để đảm bảo toàn khu vực nội thị được thông suốt để thoát nước”.