Kinh tế

Triển vọng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc Việt Nam

VĨNH LỘC 16/08/2024 16:37

(QNO) – Chiều 16/8, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng tổ chức “Hội nghị triển vọng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc - Việt Nam”. Sự kiện được kỳ vọng mở rộng và phát triển hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực ICT giữa hai nước, đặc biệt là các đơn vị, trường đại học Đà Nẵng với các đối tác, doanh nghiệp Hàn Quốc.

hq.jpg
Hội nghị triển vọng hợp tác ICT Hàn Quốc - Việt Nam. Ảnh: V.L

Theo đại diện lãnh đạo TP.Đà Nẵng, từ nhiều năm trước, công nghệ thông tin (CNTT) đã được Đà Nẵng xác định là một trong 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn ưu tiên phát triển.

Thực tế, TP.Đà Nẵng đang dần trở thành địa điểm hấp dẫn, hội tụ các nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp và các doanh nghiệp CNTT, là địa phương dẫn đầu trong nhiều năm liền về chỉ số sẵn sàng CNTT và chuyển đổi số của cả nước.

Năm 2023, doanh thu toàn ngành CNTT đạt 36.571 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 147,8 triệu USD, tăng 12% so với năm 2022. Kinh tế số Đà Nẵng năm 2023 đóng góp khoảng 20% cơ cấu GRDP toàn thành phố (đạt mục tiêu đề ra vào cuối năm 2025).

Ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở TT-TT TP.Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ 2 sau TP.Hồ Chí Minh và gấp 3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc). Số lượng nhân lực công nghệ số khoảng 53 nghìn người.

Ngày 13/5/2024 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh tập trung phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; mở rộng không gian phát triển cho thành phố nhằm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

hq5.jpg
Các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc ngày càng quan tâm hơn đến Đà Nẵng. Ảnh: I.P.A

Nhằm hoàn thành các mục tiêu này, Đà Nẵng đã và đang xây dựng các nhóm chính sách, giải pháp, trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư. Cụ thể, Đà Nẵng chuẩn bị sẵn sàng về quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu CNTT tập trung, Công viên phần mềm, công nghệ cao để các doanh nghiệp ICT triển khai dự án tại thành phố. Hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistics hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư về ICT, vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Đặc biệt, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực ICT, vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Đà Nẵng hiện có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành CNTT. Tổng số sinh viên tốt nghiệp hằng năm ngành CNTT và các ngành gần lĩnh vực vi mạch, bán dẫn (như điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa…) khoảng 6.000 người.

Các trường đại học đã có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế uy tín (đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan) để nâng cao chất lượng và số lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế thuộc lĩnh vực lĩnh vực ICT, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Trên lĩnh vực hợp tác với các đối tác Hàn Quốc, hiện tại Hàn Quốc là một trong những thị trường trọng điểm thu hút đầu tư của Đà Nẵng, các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn có số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại thành phố với 279 dự án và luôn giữ vững vị thế tốp 5 về tổng vốn đầu tư của các quốc gia đầu tư vào Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư là 382 triệu USD.

hq7.jpg
Sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa các trường đại học Đà Nẵng và đối tác Hàn Quốc. Ảnh V.H

Ông Kang Boosung - Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng cho biết, kể từ khi Hàn Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, mối quan hệ giữa hai nước đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đã vượt 76,1 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc. Trong lĩnh vực đầu tư, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư lũy kế là 85,9 tỷ USD.

Trên nền tảng giao lưu tích cực, quan hệ giữa hai nước đã được nâng cấp lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Lãnh đạo hai nước cũng đã nhất trí tăng cường và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ và khoa học, thông tin và truyền thông, nông nghiệp, năng lượng...

Thỏa thuận này đang được triển khai một cách thiết thực thông qua việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) và sự thúc đẩy các dự án hợp tác CNTT trong lĩnh vực chuyển đổi số Hàn – Việt. Bắt kịp xu hướng này, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam cũng đang mở rộng sang các ngành công nghiệp mới như công nghiệp công nghệ cao…

hq9.jpg
Sự hợp tác của các nhà đầu tư Hàn Quốc đang dần mở rông ra nhiều lĩnh vực bao gồm CNTT. Ảnh: V.H

“Hội nghị triển vọng hợp tác ICT Hàn Quốc - Việt Nam được tổ chức nhằm chia sẻ về những góc nhìn, những suy nghĩ đa dạng về thực trạng ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc đang thu hút nhiều sự quan tâm từ Việt Nam, góc nhìn của chuyên gia từ Viện VKIST cũng như triển vọng và vai trò trong hợp tác ICT giữa hai nước.

Đặc biệt, thông qua hội nghị này, hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp ICT Hàn Quốc xúc tiến đầu tư vào khu vực miền Trung Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và tương lai cho sinh viên Việt Nam” - ông Kang Boosung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển vọng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO