Công nghiệp

Triển vọng phát triển ngành công nghiệp silica ở Quảng Nam

VĨNH LỘC 17/03/2024 10:00

Quảng Nam là địa phương có trữ lượng cát trắng lớn thứ hai trong nước. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng để phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu từ silica phục vụ cho các nhóm sản phẩm chính gồm gốm sứ, xi măng, vật liệu chịu lửa, thủy tinh và các hệ vật liệu kỹ thuật ứng dụng cho các ngành công nghệ cao…

b6d7de24e41b4845110a.jpg
Quảng Nam là một trong 2 địa phương có trữ lượng cát trắng lớn trong cả nước. Ảnh: V.L

Trữ lượng lớn

Theo kết quả khảo sát của Bộ TN-MT năm 2014, trữ lượng tài nguyên cát trắng trên địa bàn Quảng Nam ước khoảng 250 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở vùng Đông của tỉnh (Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành).

Dù vậy, do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt với việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 1737 ngày 13/12/2018), một số khu vực khoanh định dự trữ cát trắng đã bị ảnh hưởng do quá trình triển khai các dự án.

Trước tình hình này, Bộ TN-MT đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Theo đó, dự trữ cát trắng trên địa bàn Quảng Nam chỉ còn tại 4 khu vực (tổng diện tích 24,2km2), tổng tài nguyên (dự báo) là 113 triệu tấn.

Cụ thể, khu vực dự trữ cát trắng Bình Sa (Thăng Bình) có diện tích 1,3km2, tài nguyên dự báo 6 triệu tấn, thời gian dự trữ khoáng sản 50 năm. Khu vực Bình Nam (Thăng Bình) diện tích 12,9km2, tài nguyên dự báo 60 triệu tấn, thời gian dự trữ khoáng sản 50 năm.

Khu vực Tam Tiến (Núi Thành) diện tích 4,1km2, tài nguyên dự báo 19 triệu tấn, thời gian dự trữ khoáng sản 50 năm. Khu vực Tam Hiệp (Núi Thành) diện tích 5,9km2, tài nguyên dự báo 28 triệu tấn, thời gian dự trữ khoáng sản 50 năm.

Tuy nhiên, góp ý dự thảo hồ sơ trình phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (Văn bản số 5959/UBND-KTN ngày 12/9/2022), UBND tỉnh đã đề xuất Bộ TN-MT tiếp tục điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch dự trữ khoáng sản cát trắng trên địa bàn tỉnh xuống còn hơn 13,4km2.

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, cát trắng được xác định là nguồn nguyên liệu quý để chế biến sâu các sản phẩm từ silica nên việc đánh giá và khai thác hợp lý sẽ phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu phát triển công nghiệp địa phương.

Hiện nay, việc khai thác cát trắng trên địa bàn tỉnh đang được Công ty CP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam triển khai tại mỏ cát trắng Hương An (huyện Thăng Bình) và huyện Quế Sơn với diện tích 77,6ha, trữ lượng hơn 3,4 triệu tấn, công suất khai thác 300.000m3/năm (sau khi được điều chỉnh giấy phép khai thác). Dù vậy, phần lớn doanh nghiệp đầu tư khai thác chế biến cát trắng chủ yếu xuất khẩu (sau khi tuyển rửa, sấy, nghiền).

Một phần sản phẩm này cũng được cung cấp cho các đơn vị trong nước như Công ty CP Kính nổi Chu Lai, Công ty TNHH Hoằng Tiệp Việt Nam, Công ty TNHH MTV Phát triển kỹ thuật kính Ức Thịnh… để sản xuất các sản phẩm từ silica như làm khuôn đúc, kính xây dựng, phụ gia xây dựng, sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời... Trong đó, Công ty CP Kính nổi Chu Lai có công suất sản xuất cao nhất với khoảng 900 tấn/ngày.

Xây dựng chuỗi liên kết silica

Với 4 nhóm sản phẩm chính gồm gốm sứ; xi măng; vật liệu chịu lửa; thủy tinh, vật liệu kỹ thuật ứng dụng cho các ngành công nghệ cao…, chế biến sâu từ silica là một trong những ngành công nghiệp quan trọng và cấp thiết tại Quảng Nam.

0e3e5b6b6654ca0a9345.jpg
Quảng Nam sẽ hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu ngành silica. Ảnh: V.L

Đặc biệt, với trữ lượng khoáng sản cát trắng được quy hoạch và sẽ được quy hoạch, sử dụng hợp lý, Quảng Nam có tiềm năng phát triển một trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica, hình thành các chuỗi cung ứng quan trọng, giúp nâng cao giá trị sản xuất ngành công nghiệp silica không chỉ của Quảng Nam mà còn của cả nước.

Ông Đặng Bá Dự nhìn nhận, việc hình thành và phát triển trung tâm công nghiệp chế biến sâu từ silica sẽ tạo cơ sở để ngành công nghiệp khai thác, chế biến các sản phẩm từ silica ở trình độ cao, góp phần tạo ra các sản phẩm công nghiệp có giá trị, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế.

Trước đó, cuối 3/2022, trong chương trình làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị Chính phủ cho phép Quảng Nam hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu ngành silica.

Trong Thông báo 135 ngày 6/5/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý về nguyên tắc chuyển các diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với cát trắng trên địa bàn Quảng Nam sau khi đã rà soát thực trạng các công trình, dự án trên mặt đất, cân đối tài nguyên, trữ lượng cát đủ đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác để phục vụ nhu cầu thực tiễn và xem xét dự trữ lâu dài trong tương lai.

Đồng thời giao UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica tại Quảng Nam.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan triển khai xây dựng đề cương đề án hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu ngành silica, đến ngày 18/9/2023 UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng đề án.

Ông Đặng Bá Dự cho biết, ngày 6/3 vừa qua, Sở Công Thương có báo cáo gửi UBND tỉnh tóm tắt quá trình thực hiện xây dựng đề án hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica trên địa bàn tỉnh.

Theo chỉ đạo của tỉnh, tiến độ thực hiện xây dựng đề án sẽ hoàn thành vào tháng 9/2024. Tuy nhiên, Sở Công Thương kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện đến tháng 12/2024 vì phải chờ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển vọng phát triển ngành công nghiệp silica ở Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO