Trợ giúp hộ nghèo

LÊ DIỄM 21/11/2023 07:55

Phong trào “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” nhận được sự vào cuộc của các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh. Nhiều phần việc, mô hình giúp đỡ hộ nghèo đã phát huy hiệu quả tích cực.

Các mô hình sinh kế hỗ trợ con giống cho hộ nghèo được đưa đến từng hộ nghèo. Ảnh: D.L
Các mô hình sinh kế hỗ trợ con giống cho hộ nghèo được đưa đến từng hộ nghèo. Ảnh: D.L

Phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong những năm qua đã giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Với phương châm chung tay vì người nghèo, từ năm 2021 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã đồng hành, giúp đỡ các hộ nghèo ở nhiều địa phương.

Theo Bộ CHQS tỉnh, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch làm công tác dân vận theo Chỉ thị 76 của Bộ Quốc phòng và Chỉ thị 13 của Đảng ủy Quân khu.

Các đơn vị trong toàn quân đã huy động 41.727 lượt cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tỉnh cùng 990.595 ngày công tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sửa chữa 4.892 ngôi nhà, dọn vệ sinh 874 trường học và các công trình công cộng, đắp 500m kênh mương, nạo vét 6km kênh mương nội đồng; làm mới 5km đường bê tông, cải tạo 26,3km đường giao thông nông thôn.

Ngoài ra, lực lượng vũ trang tỉnh tham gia xây dựng nông thôn mới với số tiền gần 2 tỷ đồng, hỗ trợ 5,4 tỷ đồng xây 18 công trình “đoàn kết quân dân”, 53 “nhà tình nghĩa”, “nhà tình thương”, “nhà nghĩa tình đồng đội” cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Lực lượng vũ trang còn phối hợp với các đơn vị khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 12.032 lượt người nghèo, trị giá hơn 778 triệu đồng.

Mô hình “Hũ gạo vì người nghèo” tại các bếp ăn tập thể trong các đơn vị đã tiết kiệm hơn 24,2 tấn gạo để hỗ trợ gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn và người nghèo.

Các đơn vị trong lực lượng đã đồng hành, hỗ trợ 64 hộ nghèo, với số tiền hơn 846 triệu đồng, hiện nay đã có 21 hộ thoát nghèo. Nổi bật trong đó có thể nhắc đến trường hợp hộ ông Hồ Văn Diệu (thôn 1, xã Trà Vân, Nam Trà My).

Ông Diệu nằm trong danh sách hộ nghèo của xã Trà Vân vào cuối năm 2020. Ban CHQS huyện Nam Trà My được phân công giúp đỡ hộ ông Diệu thoát nghèo. Ông được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trà My tư vấn hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng để làm kinh tế. Ban CHQS huyện Nam Trà My đã hỗ trợ thêm tiền vốn, tư vấn phương pháp, cách làm phù hợp với điều kiện gia đình.

Lực lượng vũ trang tham gia giúp dân làm đường giao thông ở miền núi trong tỉnh. Ảnh: D.L
Lực lượng vũ trang tham gia giúp dân làm đường giao thông ở miền núi trong tỉnh. Ảnh: D.L

Ban CHQS huyện cử cán bộ, chiến sĩ giúp hơn 80 ngày công tham gia phát rẫy, trồng quế, làm chuồng trại giúp gia đình ông Diệu. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng và hỗ trợ của đơn vị, gia đình ông Diệu đã mua 3.000 cây quế, kết hợp trồng xen canh với cây sắn, làm chuồng nuôi thêm 50 con gà, 15 con dê, 15 con heo.

Hiện nay, mỗi năm gia đình ông Diệu thu nhập từ cây trồng và chăn nuôi khoảng 45 triệu đồng, số tiền này gia đình tiết kiệm dùng trang trải cuộc sống, trả lãi suất và trả dần nguồn vốn gốc cho ngân hàng, đầu tư thêm vào vườn quế.

Vườn quế phát triển rất tốt, gia đình tiếp tục mua trồng thêm 5.000 cây quế xen canh cùng cây sắn, phối hợp với nuôi gà, dê, lợn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hộ ông Diệu đã thoát nghèo, ông lại tham gia vận động, giúp đỡ bà con trong thôn thoát nghèo, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăn nuôi.

Theo Sở LĐ-TB&XH, việc triển khai phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 đã được các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương và các tầng lớn nhân dân hưởng ứng tích cực và được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, với nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia.

Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tích cực phối hợp, tham gia tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về giảm nghèo.

Đồng thời, các đơn vị, địa phương đã phát động nhiều phong trào về giảm nghèo, đa dạng về hình thức, nội dung thực hiện như nhận hỗ trợ, giúp đỡ, đỡ đầu hộ nghèo, hộ cận nghèo về nguồn lực, khoa học kỹ thuật và tinh thần để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát huy được tính sáng tạo, tự nguyện, tự giác của địa phương, của cộng đồng dân cư và của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền, đối thoại, cán bộ các cấp và người dân đã tiếp cận, nắm bắt được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo và tích cực hưởng ứng tham gia.

Đặc biệt, cùng với các chính sách của Trung ương, Quảng Nam có những chính sách giúp đỡ hộ nghèo đặc thù như chính sách khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết số 13 ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh, chính sách hỗ trợ cải thiện mức sống cho một số đối tượng thuộc hộ nghèo đang hưởng chính sách người có công cách mạng và bảo trợ xã hội theo Nghị quyết số 14 ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh. Các chính sách đã đi vào cuộc sống, trợ lực giúp hộ nghèo, cận nghèo cải thiện điều kiện sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững hơn.

Tiên Phước giải ngân nguồn vốn giảm nghèo đạt 62,5%

Theo UBND huyện Tiên Phước, đến ngày 31/10/2023, toàn huyện đã giải ngân nguồn vốn giảm nghèo bền vững đạt hơn 6,5 tỷ đồng (tỷ lệ 62,4%).

UBND huyện Tiên Phước đã phân bổ vốn thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Có 18 dự án liên kết theo chuỗi giá trị như dự án liên kết nuôi bò cái lai sinh sản và tiêu thụ sản phẩm bò thịt; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuối lùn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cải thiện dinh dưỡng; truyền thông về giảm nghèo đa chiều…

Hiện nay, toàn huyện Tiên Phước có 726 hộ nghèo (tỷ lệ 3,81%), trong đó có 502 hộ nghèo không có khả năng lao động và 334 hộ nghèo có khả năng lao động, 392 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,06%) và 180 hộ thoát nghèo bền vững được hỗ trợ từ các dự án của chương trình.(D.LỆ)

Hỗ trợ hàng chục nghìn hộ nghèo tiếp cận chính sách giảm nghèo bền vững

Theo tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH, đến hết quý III/2023, các ngành và các địa phương tiếp tục quan tâm tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách giảm nghèo chung của quốc gia theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như chính sách tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý...

Toàn tỉnh đã thực hiện cho vay 2.458 lượt hộ nghèo, doanh số 122,4 tỷ đồng; 2.767 lượt hộ cận nghèo, doanh số 181 tỷ đồng; 1.271 lượt hộ mới thoát nghèo, doanh số 88 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã phân bổ 3,6 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện đào tạo lao động theo Quyết định số 46 ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức đưa 1.313 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài.

Từ nguồn ngân sách, BHXH tỉnh đã phối hợp với các địa phương trong toàn tỉnh, thực hiện cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho 55.013 người nghèo, kinh phí hơn 35,5 tỷ đồng và 84.299 người dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, kinh phí hơn 52,4 tỷ đồng; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho 9.722 người cận nghèo, kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng; cấp 5.907 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo với kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng.(S.LINH)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trợ giúp hộ nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO