Sau một thời gian đưa vào vận hành, hệ thống du lịch thông minh Quảng Nam bước đầu đã nhận được nhiều tương tác, cụ thể hóa nỗ lực chuyển đổi số trong quản lý, quảng bá du lịch địa phương.
Với hệ thống này, du khách ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể nắm được thông tin khái quát về du lịch Quảng Nam thông qua ứng dụng “Quang Nam Tourism”. Những tiện ích mà “Quang Nam tourism” có thể phục vụ du khách bao gồm thông tin về các tour tham quan, hệ thống chatbox, hình ảnh, video clip; các tính năng tương tác trực quan; tham quan thực tế ảo 3D, AR, VR360…
Đây chắc chắn là thông tin hữu ích để du khách đang cân nhắc cho một chuyến du lịch tại Quảng Nam có thể tìm hiểu, trải nghiệm, chuẩn bị tốt cho hành trình của mình.
Đơn cử, khi truy cập ứng dụng du khách có thể nắm được thông tin liên quan về giá cả, giờ khởi hành các tour tuyến đặc sắc ở Quảng Nam như: chèo thuyền kayah ở Hội An, khám phá bình minh ở Mỹ Sơn, đi bộ dưới đáy biển Cù Lao Chàm, trải nghiệm cuộc sống nông thôn, du thuyền và thuyền thúng ngắm hoàng hôn… để tham khảo, lựa chọn.
Ứng dụng này còn có thể cập nhật cảnh báo về tình trạng tắc nghẽn giao thông, thời tiết, vùng cảnh báo dịch bệnh… để du khách tham khảo bảo đảm cho chuyến đi có những trải nghiệm trọn vẹn.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, hệ thống phần mềm du lịch thông minh Quảng Nam đã kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu với nền tảng số của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam. Đây có thể xem như một “trợ lý du lịch ảo” uy tín cho du khách.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay hệ thống du lịch thông minh đã ghi nhận hơn 500 nghìn lượt truy cập. Lượng truy cập quốc tế chủ yếu đến từ các quốc gia Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc…
Tại Việt Nam, các địa phương được ghi nhận truy cập vào hệ thống nhiều nhất là Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng… Thời gian qua, du khách và doanh nghiệp du lịch cũng đóng góp, phản hồi nhiều ý kiến về giao diện, bản đồ số du lịch… để cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện ứng dụng này.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, hạn chế hiện nay là mức độ sẵn sàng về công nghệ ở Quảng Nam chưa cao, hạ tầng cơ sở ở điểm du lịch còn nhiều điểm yếu; hạ tầng công nghệ thông tin có sự chênh lệch giữa các địa phương, khu vực; hệ thống chatbox và hệ thống phân tích phản hồi về du lịch qua mạng xã hội cần được cải thiện.
Thời gian tới, thông qua ứng dụng này cơ quan quản lý tiếp tục gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang thêm tiện ích đến cho du khách, nhất là việc tìm hiểu thông tin, đặt tour, giao dịch, thanh toán qua hình thức điện tử.
Các doanh nghiệp du lịch chú trọng xây dựng hệ thống quản trị, vận hành trên nền tảng công nghệ, tận dụng nguồn dữ liệu lớn để phân tích thị trường, khách hàng, tăng cường quảng bá trên các nền tảng số du lịch.