Trợ sức vượt nghèo

DIỄM LỆ 14/01/2020 13:29

(Xuân Canh Tý) - Nghèo khó không dập tắt được những mầm hy vọng cho tương lai. Ngày càng có thêm những cuộc đời vươn lên thoát nghèo. 

Học nghề nhằm tạo sinh kế thoát nghèo được phụ nữ miền núi lựa chọn. Ảnh: D.L
Học nghề nhằm tạo sinh kế thoát nghèo được phụ nữ miền núi lựa chọn. Ảnh: D.L

Bám sát hộ nghèo

Căn nhà được hỗ trợ xây dựng năm 2017 của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh và bà Võ Thị Bích Hồng (xã Tiên Hiệp, Tiên Phước) mùa đông rồi ấm hơn bởi những tấm giấy khen, bằng chứng nhận thành tích học tập của 3 cô con gái che kín hai bên tường nhà.

Các con của ông Thanh đều học rất giỏi, trong đó con gái đầu Nguyễn Thị Trúc Hà đang là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, con gái thứ hai Nguyễn Thị Trúc Tiên là sinh viên năm nhất Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, còn con gái út Nguyễn Thị Trúc Mai đang học lớp 5.

Trúc Hà và Trúc Tiên đều từng nhận học bổng Huỳnh Thúc Kháng của huyện Tiên Phước trao tặng, với thành tích 12 năm liền là học sinh giỏi. Nhưng giấc mơ tiến xa trên đường học vấn của những cô gái sẽ không thành hiện thực nếu Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước không vào cuộc từ năm 2015.

Cả 3 cô con gái của ông Thanh đều nằm trong danh sách hơn 60 học sinh, sinh viên nghèo đang được các mạnh thường quân thông qua Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước trợ giúp học tập.

Ông Nguyễn Ba - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước chia sẻ: “Chúng tôi khảo sát, xác định trường hợp này rất cần được giúp đỡ nên vận động mạnh thường quân hỗ trợ. Thấy các cháu ham học, học giỏi mà gia đình khó quá, nên hội quyết định bằng mọi cách giúp đỡ. Trợ giúp hoàn cảnh này như đi gieo hạt mầm vậy, giúp các cháu đi học từ nhỏ đến lớn bằng các khoản hỗ trợ hàng tháng, giúp gia đình sinh kế sao cho vững bền nhất, và tính đến cả việc giúp việc làm sau này cho các cháu khi học xong nữa”.

Hằng tháng, mỗi người con của ông Thanh được hỗ trợ chi phí học tập ít nhất 900 nghìn đồng. Ngoài nguồn hỗ trợ này, hai cô con gái lớn ngoài giờ học còn đi làm thêm ở Đà Nẵng để gánh đỡ ba mẹ các khoản tiền ăn, tiền trọ. Dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, nhưng thấy hoàn cảnh gia đình đã đỡ vất vả hơn, ông Thanh bàn với vợ đăng ký thoát nghèo trong năm 2019.

“Chúng tôi nào muốn ở trong hộ nghèo, nhưng hoàn cảnh éo le nên phải chấp nhận. Long đong mãi đến nay cũng dứt được cái nghèo. Các con được đi học đến nơi đến chốn là điều mừng nhất. Sự trợ giúp của các nhà hảo tâm là động lực mạnh mẽ giúp gia đình tôi vượt qua được khó khăn” - ông Thanh tâm sự.

Hỗ trợ thực chất

Câu chuyện giảm nghèo của Quảng Nam về sau càng khó hơn, bởi hộ chưa thể thoát nghèo có hoàn cảnh rất khó khăn, là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng nông thôn, miền núi. Nhưng với quyết tâm vào cuộc từ tỉnh đến huyện, xã, việc giảm số hộ nghèo đã vượt kế hoạch năm. Năm 2019, toàn tỉnh giảm 5.848 hộ nghèo (kế hoạch giảm 5.005 hộ nghèo), còn 25.689 hộ nghèo (tỷ lệ 6,06%).

Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định giảm nghèo ngày càng đi vào thực chất hơn, bởi ngay từ khâu rà soát hộ nghèo ở cơ sở đã được kiểm tra trực tiếp bởi cán bộ chuyên môn cấp tỉnh. Các cấp chính quyền, hội đoàn thể vào cuộc giúp đỡ tùy theo nguyên nhân nghèo của từng trường hợp; bám sát từng hộ để tác động thông qua sinh kế sản xuất, giúp chi phí học tập, tạo việc làm. Đặc biệt là không để xảy ra trường hợp tái nghèo.

Một trong những chính sách có sự tác động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giảm nghèo ở khu vực miền núi phải kể đến là đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động. Đã có 4.588 người được đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp là con số đạt được từ năm 2017 đến nay, khi thực hiện Quyết định 3577 của UBND tỉnh. Hơn 85% số lao động đó là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo. Nhiều hộ đã thoát nghèo khi có lao động đi làm ở xí nghiệp.

Ông Huỳnh Tấn Triều cho biết, Quyết định 3577 lúc đầu triển khai khó khăn, nhất là lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chịu rời bản làng đi làm. Nhưng sau đó, những trường hợp đi làm thành công đã trở thành người tuyên truyền lại cho lao động ở thôn, xã, huyện của mình khá hiệu quả. Cứ thế thành phong trào, lao động miền núi đã chịu đi học nghề và đi làm. Có nhiều cặp vợ chồng cùng đi học nghề, rồi cùng đi làm có thu nhập nên gia đình thoát được cái nghèo.

“Bên cạnh các chính sách khác như hỗ trợ sinh kế, nhà ở, tạo việc làm tại chỗ, thì đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo là chính sách tác động mang lại hiệu quả cao và bền vững” - ông Triều nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trợ sức vượt nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO