Đời sống

Trợ thủ của ngư dân Tam Thanh

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 06/06/2024 11:04

(QNO) - Không đảm bảo sức khỏe để vươn khơi bám biển, anh Nguyễn Thanh Tùng đã tìm tòi, đầu tư hạng mục trụ tời nhằm hỗ trợ ngư dân làng chài Tam Thanh dễ dàng hơn khi di chuyển ghe thuyền đánh bắt lên bờ, hoặc xuống nước.

anh-nguyen-thanh-tung-van-hanh-may-toi-keo-thuyen.-anh-nguyen-dien-ngoc.jpg
Anh Nguyễn Thanh Tùng vận hành máy tời kéo thuyền. Ảnh Nguyễn Điện Ngọc

Anh Nguyễn Thanh Tùng (SN 1975, thôn Hòa Trung (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) nhiều năm làm chủ chiếc thuyền đánh bắt hải sản có chiều dài 9,5m. Do sức khỏe không đảm bảo anh quyết định bán thuyền, sau đó đầu tư mua thúng máy nhưng rồi anh cũng đánh thôi bám biển vươn khơi vì sự nhọc nhằn mỗi khi dùng sức người đưa phương tiện lên bờ hoặc xuống nước.

“Cái khó ló cái khôn”, năm 2023 Nguyễn Thanh Tùng đầu tư hơn 90 triệu đồng mua xe máy cày có công suất 30CV. Tuy nhiên, dùng loại may móc này chỉ thuận lợi khi kéo thuyền xuống nước nhưng đưa thuyền lên bờ thì gặp khó khăn do đất lún, bánh xe bị tua. Khai thác không hiệu quả, anh đành phải bán máy cày lại cho chủ khác.

cong-viec-con-lai-sau-khi-keo-thuyen-len-bo-hoac-xuong-nuoc.-anh-nguyen-dien-ngoc(1).jpg
Công việc còn lại sau khi kéo thuyền lên bờ hoặc xuống nước. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc

Không chịu đứng nhìn cảnh hì hà hì hục của ngư dân khi di chuyển phương tiện hành nghề, cuối tháng 4/2024 anh Tùng quyết định đầu tư mua máy nổ cùng dàn tời có công suất 7 tấn, 250m dây cáp và một số thiết bị cần thiết khác với tổng trị giá 50 triệu đồng. Hơn một tháng đi vào hoạt động đã đưa hàng trăm lượt ghe thuyền lên bờ và xuống nước. Với mức chi phí 30.000 đồng/lượt đưa thuyền lên bờ và 20.000 đồng/lượt đưa thuyền xuống nước đã giúp bà con giải phóng được sức lao động, an tâm bám biển.

ngu-dan-dua-thuyen-len-bo.-anh-nguyen-dien-ngoc.jpg
Ngư dân đưa thuyền lên bờ. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc

Thôn Hòa Trung của xã Tam Thanh hiện có 45 ghe thuyền có công suất nhỏ dưới 90CV, chuyên đánh bắt gần bờ. Hàng năm từ tháng Giêng đến tháng 4 âm lịch hầu hết các thuyền đều vươn khơi đánh bắt từ hồi 3 giờ sáng đến 8 giờ sáng; tháng 5 đến tháng 9 âm lịch thường là đánh bắt từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối vào bờ.

Một lão ngư ở thôn Hòa Trung cho biết, hầu hết ngư dân đầu tư mua sắm thuyền nan, ngư lưới cụ thô sơ, chuyên đánh bắt gần bờ. Nhiều chuyến đánh bắt đầy khoang cá trích song phải đưa thuyền lên bờ rồi mới gỡ cá ra khỏi lưới, làm chậm trễ việc tiêu thụ hải sản. Đặc biệt vào mùa mưa bão năm nào địa phương cũng huy động lực lượng vũ trang cùng các hội, đoàn thể hỗ trợ công sức để đưa thuyền về nơi neo đậu an toàn.

"Việc đầu tư hệ thống tời kéo ghe thuyền của anh Tùng được ngư dân ủng hộ. Không chỉ nhanh chóng đưa thuyền vào bờ, kịp thời tiêu thụ hải sản mà còn giúp chúng tôi giải phóng được sức lao động. Bây chừ việc đưa thuyền xuống nước hay lên bờ không còn phụ thuộc quá nhiều về sức người nữa" - ngư dân thôn Hòa Trung phấn khởi.

ngu-dan-dua-thuyen-xuong-nuoc.-anh-nguyen-dien-ngoc.jpg
Ngư dân đưa thuyền xuống nước. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc

Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, hệ thống máy nổ gắn tời kéo thuyền hoạt động đã giải phóng được sức lao động, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho ngư dân. "Giá như địa phương lắp đặt được hệ thống điện 3 pha thay cho chiếc máy nổ hiện có thì việc kéo phương tiện đánh bắt của ngư dân sẽ hiệu quả hơn" - anh Tùng mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trợ thủ của ngư dân Tam Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO